Theo đó, mục tiêu tổng quát của đề án nhằm tăng cường quản lý chất thải nhựa từ Trung ương đến địa phương, góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương….; xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy; tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa.
Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải nhựa; sản xuất và tiêu thụ túi nylon khó phân hủy sử dụng trong sinh hoạt, sản phẩm nhựa dùng một lần sử dụng trong sinh hoạt.
Rác thải nhựa ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường sống và cả sinh vật biển. (Nguồn ảnh: earth.com)
Đề án cũng phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100 % túi nylon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nylon khó phân huỷ; đảm bảo thu gom tái sử dụng, tái chế, xử lý 85 % lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50 % rác thải nhựa trên biển và đại dương, phấn đấu 100 % các khu du lịch, khách sạn không sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần;…
Bên cạnh đó, đề án đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như: Điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom, xử lý chất thải nhựa; Xây dựng và hoàn thiện chính sách về quản lý chất thải nhựa; triển khai các hoạt động đào tạo, truyền thông và hợp tác quốc tế về quản lý chất thải nhựa; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, triển khai mô hình, hoạt động quản lý chất thải nhựa và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện chính sách, quy định về quản lý chất thải nhựa được đề án đưa ra tập trung vào các nhiệm vụ như: Xây dựng và triển khai chính sách thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm nhựa; quy định trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm nhựa , bao bì nhựa.
Đồng thời cần hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm hạn chế sản xuất và sử dụng túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần. Nghiên cứu, đề xuất hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Ngoài ra sẽ rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy; khuyến khích hoạt động tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa, sản xuất vật liệu xây dựng và tái dụng chất thải nhựa trong các công trình giao thông.
Mặt khác, đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất lộ trình tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon khó phân hủy; bổ sung thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm nhựa dùng một lần phục vụ mục đích sinh hoạt; ban hành và thực hiện quy định, quy chế trong cơ quan, văn phòng, công sở để hạn chế tối đa việc sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong tổ chức sự kiện và hoạt động thường nhật…
"Vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có vấn đề rác thải nhựa đại dương. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế quốc tế, bối cảnh khu vực; nhằm phát huy vai trò, vị thế tài nguyên biển của Việt Nam thì việc chủ động trong đàm phán, xây dựng thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương đặt ra những yêu cầu, cân nhắc về mặt lợi ích, quyền lợi và nghĩa vụ cũng như thời gian tham gia, bảo đảm phù hợp với pháp luật trong nước về bảo vệ môi trường của Việt Nam", Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân nhấn mạnh. |