Chuyển dịch năng lượng là xu hướng tất yếu
Sự chuyển dịch này được lý giải, do hiện tượng nóng lên toàn cầu là do ảnh hưởng của khí nhà kính với thành phần chủ yếu là CO2 (65%); 74,1% CO2 phát thải từ ngành năng lượng, trong đó bao gồm ngành điện, vận tải, sản xuất & xây dựng...
Chuyển dịch năng lượng, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo.(Ảnh: ITN)
Thêm nữa, nguồn nhiên liệu hoá thạch không được phân bố đồng đều trên Trái đất từ đó dẫn tới sự bất bình đẳng đối với các quốc gia nghèo tài nguyên trong việc tiếp cận tới nguồn nhiên liệu phục vụ cho phát triển. Phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài sẽ gây ảnh hưởng tới các vấn đề về kinh tế - xã hội ở trong nước.
Đáng chú ý, Trung Quốc giảm điện than và nhiên liệu hoá thạch với cam kết giảm CO2/đơn vị GDP hơn 65% so với mức 2005, nâng sản lượng điện sạch, tỷ trọng nhiên liệu phi hoá thạch lên 25% vào năm 2030.
Song song, Hoa Kỳ cũng giảm phát thải CO2 nhờ giảm điện than và tăng điện khí, trong đó, cam kết giảm CO2/đơn vị GDP ít nhất 50% so với mức 2005, thay thế các nguồn nhiên liệu hoá thạch và điện khí hoá các ngành công nghiệp và giao thông vận tải vào năm 2030.
Với Nhật Bản, ngành công nghiệp của nước này phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhiên liệu hoá thạch nhập khẩu (than, dầu và khí). Năm 1973, do ảnh hưởng từ sự thay đổi chính sách của OPEC, Nhật Bản đã bắt đầu đầu tư vào năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo. Năm 1990, Nhật Bản dẫn đầu về pin quang điện (PV) được lắp đặt. Năng lượng từ dầu mỏ giảm từ 77% (1973) xuống 37% (2021), nhu cầu có xu hướng giảm 1,5%/năm tới 2050. Quốc gia này cũng giảm tỷ trọng phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch, sau sự cố 2011, Nhật Bản cắt giảm năng lượng hạt nhân cho sản xuất điện và tăng tỷ trọng của điện hoá thạch; điện khí tăng nhanh nhất (28% năm 2010 lên 42% năm 2014). Theo kế hoạch Năng lượng Chiến lược cơ bản lần 6: Vào năm 2030, năng lượng tái tạo (NLTT) tăng từ 20% lên 36-38%, năng lượng hạt nhân (NLHN) từ 7% lên 20-22%, Điện khí 20%.
Phân tích với khu vực Liên minh châu Âu (EU) thấy rằng, năm 2020, EU nhập khẩu 58% năng lượng từ các quốc gia bên ngoài. Cùng năm, EU nhập 24% năng lượng từ Nga, trong đó đáp ứng 37% nhu cầu dầu, 41% nhu cầu khí tự nhiên và 19% nhu cầu than của khu vực. Trong bối cảnh xung đột tại Ucraina, các quốc gia EU đang tìm giải pháp để tránh sự ảnh hưởng của địa chính trị đối với năng lượng. Được biết, cơ cấu năng lượng của EU năm 2021: Dầu và các sản phẩm từ dầu chiếm 35%; Than chiếm 11%; Khí tự nhiên chiếm 24%; 70% tổng năng lượng của EU là năng lượng hoá thạch, nên đây là động lực để thay đổi cơ cấu năng lượng, tránh phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng. Vì lẽ đó, EU đang tìm cách tăng sản xuất điện tái tạo để giảm tiêu thụ than (điện than). Trong đó, triển khai sản xuất xe điện để hạn chế phương tiện chạy bằng xăng dầu. Dự báo tăng trưởng xe điện vào năm 2030 là 6,7 triệu đơn vị/năm. EU cần 113 TWh điện (5% tổng nhu cầu điện) cho các trạm sạc và 6,8 triệu trạm sạc vào năm 2030 (ACEA, 2022). EU cũng tìm cách đa dạng hoá nguồn cung cho nguồn khí đốt. Năm 2021, EU chỉ sản xuất được 12% trong tổng tiêu dùng, 38% đến từ Nga. Giải pháp là thay thế khí đốt từ Nga bằng khí tự nhiên hoá lỏng LNG từ Mỹ, tăng sản xuất tại Hà Lan và nhập khẩu từ Na Uy, Bắc Phi.
Cũng theo kết quả nghiên cứu, năng lượng tái tạo biến đổi (VRE) có xu hướng chiếm tỷ trọng lớn. Năm 2015, chỉ có hơn 30 quốc gia có tỷ trọng phát điện VRE lớn hơn 5%. Năm 2024, có khoảng 80 quốc gia có tỷ trọng trên 5%. Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu và Hoa Kỳ được dự báo sẽ có tỷ trọng trên 30%. Xe điện sẽ thay thế các loại phương tiện chạy bằng nhiên liệu hoá thạch. Năm 2012, chỉ có 130.000 xe điện được bán trên toàn cầu. Năm 2019, có 2,2 triệu xe, chiếm 2,5% tổng doanh số ô tô toàn cầu. Năm 2021, có 6,6 triệu xe, chiếm 9% mặc dù thị trường bị thu hẹp do ảnh hưởng kinh tế. Các công ty đã đầu tư, thử nghiệm vào hệ thống sạc điện tích hợp vào chuỗi giá trị của hệ thống xăng dầu sẵn có, cũng như kết hợp tổng thể trong chuỗi giá trị thượng nguồn (khai thác khí) và hạ nguồn (nhà máy điện). Tới năm 2030, NLTT có thể tạo ra 10,3 triệu việc làm và còn có thể tăng lên 22,7 triệu công việc nếu các quốc gia được đặt trong bối cảnh hướng tới mục tiêu đưa phát thải về 0.
Chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam
Với Việt Nam, phát triển kinh tế và phát thải CO2 của các loại nhiên liệu tại Việt Nam có thay đổi rõ rệt theo từng giai đoạn. Cụ thể, trong giai đoạn 1990-2020, năng lượng hoá thạch đóng vai trò đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế. Đặc biệt, năm 1990, than và dầu chiếm 95% (20 triệu tấn CO2tđ) tổng lượng phát thải của các loại nhiên liệu. Năm 2020, than và dầu chỉ còn chiếm 73% nhưng đã tăng gấp hơn 9 lần (185 triệu tấn CO2tđ).
Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa cam kết mạnh mẽ về giảm mức phát thải thông qua chuyển dịch năng lượng công bằng và bền vững. (Ảnh:ITN)
Liên quan tới an ninh năng lượng tại Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 22 thế giới và thứ 2 ở khu vực ASEAN chỉ sau Indonesia về lượng điện tiêu thụ. Sản lượng điện đã tăng gần 50 lần từ 5,1 TWh (1985) lên 244,7 TWh (2021). Tỷ lệ tăng trung bình 10%/năm đòi hỏi công suất phát điện phải tăng hơn gấp đôi trong thập ký tới. Thuỷ điện đã đạt tới giới hạn phát triển. Điện than hiện chiếm tỷ trọng lớn nhưng gây ra nhiều tác động tiêu cực, là một trong những nguyên nhân tạo ra ô nhiễm không khí và gây ra hơn 60.000 ca tử vong vào năm 2016. Do đó, Nghiên cứu khuyến cáo, Việt Nam cần chuyển dịch dần sang năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và lựa chọn một giải pháp xanh hơn cho ngành năng lượng.
Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 61/115 quốc gia về mức độ sẵn sàng chuyển dịch. Được đánh giá cao bởi hạ tầng và môi trường kinh doanh; Quy định và cam kết chính sách; Vốn và đầu tư nhưng cũng hạn chế bởi cơ cấu hệ thống năng lượng; thể chế và quản trị; vốn nhân lực và sự tham gia của khách hàn
Mặc dầu vậy, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia đầu tiên trình bản cập nhật của Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) lên UNFCCC vào năm 2020. Tổng lượng phát thải theo các kịch bản vào năm 2030: Theo Kịch bản Phát triển thông thường (BAU): 928 triệu tấn CO2tđ (Năng lượng chiếm 678). Theo Kich bản nguồn lực trong nước (9%): 844,1 triệu tấn CO2tđ (NL chiếm 627). Theo Kịch bản có hỗ trợ quốc tế (27%): 677,2 triệu tấn CO2tđ (NL chiếm 523).
Sản xuất điện của Việt Nam phụ thuộc vào ba nguồn chính là thuỷ điện, khí tự nhiên và than. Tuy nhiên dư địa để phát triển thuỷ điện không còn lớn. Điện khí và điện than được tập trung phát triển. Điện khí phát triển mạnh từ năm 1999-2014, với đỉnh điểm gấp 3 lần điện than vào năm 2010. Tuy nhiên từ các bản QHĐ VI (2007), QHĐ VII (2011) và QHĐ VII hiệu chỉnh (2016) đã lựa chọn điện than làm trụ cột. Từ năm 2015 sản lượng than đã vượt qua sản lượng khí, và tăng trung bình 13%/năm.
Theo quy hoạch điện VIII (T7/2023), NLTT và điện khí sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất, thay thế các loại NLHT khác. Tỷ trọng than sẽ giảm còn 26% (2030), 10% (2045). Tỷ trọng NLTT tăng từ 5% lên 22% (2030), 52% (2045). Tỷ trọng điện khí tăng lên 22% (2030) và giảm xuống 19% (2045). Điện khí sẽ tăng xấp xỉ 7 lần từ 10.000MW (2020) tới 73.630 MW (2045).
Chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững
Theo đề án Quy hoạch điện VIII do Bộ Công Thương trình Chính phủ vào tháng 4/2022 đã được Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII thông qua đã đáp ứng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55/NQ-TW và cam kết của Việt Nam về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26.
Theo đó, quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng đang được Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh và quyết tâm thực hiện theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Những cơ chế hợp tác đa phương và song phương là rất có ý nghĩa đối với sự phát triển ngành năng lượng và nền kinh tế quốc gia của Việt Nam.
Để đảm bảo mục tiêu phát triển theo hướng tăng, ngành năng lượng phải đáp ứng các yêu cầu sau: Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong trung và dài hạn để đáp ứng các mục tiêu phát triển; Xác định được cơ cấu năng lượng tối ưu và bền vững của đất nước; Thu hút mạnh mẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng; Tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn, xanh hơn và các nguồn năng lượng tái tạo; Nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm cường độ sử dụng năng lượng và sử dụng điện của nền kinh tế. Song song với đó, cần tạo điều kiện để các đối tượng trong xã hội, mọi tầng lớp nhân dân đều được tiếp cận và thụ hưởng lợi ích từ các chính sách phát triển năng lượng bền vững với chi phí hợp lý, đặc biệt cần quan tâm thích đáng đến nhóm đối tượng xã hội dễ bị tổn thương, đến người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách.
Đối với việc chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững, Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030 nhấn mạnh định hướng: Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng trong nước và chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia.
Có thể nói đây là định hướng toàn diện, tổng thể đối với việc chuyển đổi ngành năng lượng để góp phần vào mục tiêu giảm phát thải của quốc gia.