Trong thời gian gần đây, mâu thuẫn giữa Công ty Quan Minh và MB Bank được giới đầu tư nhắc đến khá nhiều.
Công ty TNHH Quan Minh đã cáo buộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBBank) có ý đồ gây khó khăn, không giải ngân đủ khoản vay 650 tỷ đồng để triển khai dự án Khu đô thị Ocean Park Vân Đồn nhằm “thâu tóm dự án”. Vậy thực hư câu chuyện này là như thế nào?
MBBank đưa nợ của Quan Minh từ nhóm 1 lên...nhóm 4 vì không áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN?
Kể lại câu chuyện từ dự án Khu đô thị Ocean Park do Công ty Quan Minh làm chủ đầu tư. Đây được đánh giá là một trong những “siêu” dự án (DA) bất động sản lấn biển hoành tráng nhất tại TT.Cái Rồng, H.Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Tuy nhiên, do dịch bệnh hoành hành, Công ty Quan Minh cũng rơi vào hoàn cảnh gặp khó khăn chung về triển khai dự án và được Ngân hàng nhà nước ban hành thông tư hỗ trợ.
Ngày 13/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhưng điều kì lạ là MBBank không áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN để giữ nguyên nhóm nợ (nhóm 1) nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của Covid-19 mà thực hiện chuyển toàn bộ dư nợ của Công ty TNHH Quan Minh sang nhóm 4 (nợ nghi ngờ mất vốn).
Và khi một doanh nghiệp bị đưa vào danh sách nợ nhóm 4 đồng nghĩa với việc có "lý lịch đen". Bất cứ ai khi đã bị nợ xấu nhóm 4 thì đều bị các ngân hàng, tổ chức tài chính từ chối khoản vay. Nhất là khi quá trình trả nợ của khách hàng vẫn bị lưu trữ trên hệ thống CIC.
MBBank đã đưa Công ty Quan Minh vào nợ nhóm 4 trong hoàn cảnh dự án đang trong giai đoạn hoàn thành, chưa được phép huy động vốn và mở bán. Trong khi đó, suốt một thời gian dài, từ tháng 12/2019, MB Bank không giải ngân nguồn vốn theo cam kết ban đầu (tối đa 183 tỷ đồng) để thi công hạ tầng kỹ thuật dự án Ocean Park.
Khu đô thị Ocean Park do Công ty Quan Minh làm chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện
Trước đó, Công ty Quan Minh và MB Bank đã ký hợp đồng cho vay ngày 7/6/2019, trong đó giải ngân tối đa 467 tỷ đồng (tái tài trợ gốc vay trung – dài hạn tại Maritime Bank) và tối đa 183 tỷ đồng (tài trợ chi phí hoàn thiện hạ tầng dự án Ocean Park). Tuy nhiên MB Bank đã không thực hiện đúng cam kết, MBBank chỉ giải ngân 40 tỷ đồng trong tổng số 183 tỷ đồng chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án Ocean Park dù Công ty Quan Minh nhiều lần gửi văn bản và đã chứng minh đầy đủ khối lượng công việc thực hiện trên thực tế để đề nghị MB Bank giải ngân nốt 143 tỷ đồng còn lại.
Trong hoàn cảnh này, việc Quan Minh vay nợ ngân hàng khác để tất toán khoản vay cho MB Bank cũng là điều không thể, do bị liệt vào khoản nợ nhóm 4. Đặt trong hoàn cảnh này, thật sự Công ty Quan Minh đã "cùng đường"?
Hẳn việc xét nợ nhóm 4 giống như "một cú đấm" khiến doanh nghiệp đã khó khăn vì dịch bệnh lại càng hoang mang hơn. Thiết nghĩ, để linh hoạt và thông cảm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, MBBank có thể cho nhân viên tư vấn về việc làm thế nào để doanh nghiệp đủ điều kiện đáp ứng Thông tư 01/2020/TT-NHNN để giữ nguyên nhóm nợ, không rơi vào tình cảnh lao đao như hiện nay, nhưng MBBank có làm như vậy hay không?
MBBank có "bội" giao ước?
Chưa hết, theo thông tin từ Nông Nghiệp, thì tại văn bản số 8352/CV-HS ngày 29/12/2020 về việc giải chấp tài sản bảo đảm nêu rõ: MB Bank đồng ý chủ trương giải chấp tài sản bảo đảm là đất ở tại dự án Ocean Park, phương thức cụ thể như sau: Giá trị giải chấp tối thiểu 14 triệu đồng/m2 (trong đó giá trị thu nợ tối thiểu 10 triệu đồng/m2; giá trị giữ lại phục vụ thi công hạ tầng tối thiểu 4 triệu đồng/m2).
Số lượng ô đất giải chấp từng lần tối thiểu 10 ô đất kiền kề (dự án Ocean Park). Toàn bộ nguồn thu phát sinh từ dự án Ocean Park được chuyển về trên tài khoản của Công ty Quan Minh mở tại MB Bank.
Thế nhưng trên thực tế, tháng 1/2021 đến nay, Công ty Quan Minh đã nộp hàng trăm tỷ đồng vào tài khoản mở tại MB Bank. Tuy nhiên, ngân hàng đã giữ lại toàn bộ, không trả lại số tiền dư (khoảng 70 – 80 tỷ đồng) sau khi đã trừ nợ 10 triệu đồng/m2 như cam kết để Công ty Quan Minh đầu tư thi công hoàn thiện hạ tầng dự án Ocean Park.
Như vậy, đây có phải bằng chứng cho thấy MBBank đã thực hiện không đúng cam kết đối với Công ty Quan Minh, khiến Quan Minh rơi vào hoàn cảnh "tiến thoái lưỡng nan", vừa thất hứa với khách hàng trong việc đảm bảo tiến trình hoàn thiện dự án, lại khó khăn vì không có kinh phí để đầu tư thi công?
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Phó phòng Tái cấu trúc – Trung tâm Quản trị nợ thuộc MBBank đã nhiều lần đề nghị Quan Minh bán đất với suất “ưu đãi”, suất “ngoại giao” tại Ocean Park Vân Đồn
Chưa kể, trong hoàn cảnh khó khăn này, thì cán bộ MBBank, cụ thể là bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh (Phó phòng Tái cấu trúc – Trung tâm Quản trị nợ thuộc MBBank) đã xuất hiện với hai tư cách: Vừa là đại diện ngân hàng MBBank đàm phán để thu nợ nợ khoản vay của Công ty TNHH Quan Minh và vừa là người đàm phán giá các lô đất vàng của dự án Ocean Park Vân Đồn. Nhiều bằng chứng cho thấy nhiều lần bà Quỳnh Anh đã đề nghị Quan Minh bán đất với suất “ưu đãi”, suất “ngoại giao” (nếu giao dịch được Quan Minh đồng ý).
Và cũng không rõ có phải trùng hợp hay không, mà sau khi đề xuất kể trên của bà Quỳnh Anh bị từ chối, thì ngay sau đó, phía MBBank mà trực tiếp là bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh đã thừa ủy quyền Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội ký vào hàng loạt văn bản yêu cầu Công ty Quan Minh di dời ra khỏi tài sản bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu, trong khi Công ty Quan Minh đã trả nợ gốc và lãi vay trước hạn đối với tất cả khoản vay tại MBBank.
Sau khi tìm hiểu những thông tin về mâu thuẫn giữa Công ty Quan Minh và MBBank, thấy rằng có quá nhiều câu hỏi cần được làm rõ. Và hơn hết, tôi mong đợi MBBank có thể đứng ra phát ngôn một lần phải trái, chuyện bà Quỳnh Anh lợi dụng chức vụ "ngã giá" đất của Công ty Quan Minh trong bối cảnh khó khăn có đúng hay không? Nếu đúng, MBBank xử lý trách nhiệm trường hợp này như thế nào?
Thứ hai, chuyện đẩy nhóm nợ xấu lên nhóm 4, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN để giữ nguyên nhóm nợ, ngân hàng MBBank có làm việc đúng quy trình hay không?
Thứ ba, thông tin rằng ngân hàng MBBank đã giữ lại toàn bộ, không trả lại số tiền dư (khoảng 70 – 80 tỷ đồng) sau khi đã trừ nợ 10 triệu đồng/m2 như cam kết với Công ty Quan Minh, ngân hàng xác minh ra sao về vấn đề này?
Tôi hi vọng cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, mà mong MBBank đừng im lặng. Ai đúng, ai sai cũng cần phân tích rõ ràng, để những nhà đầu tư như chúng tôi có cái nhìn khách quan về thị trường, và về mối quan hệ khách hàng với ngân hàng để yên tâm đầu tư.
Một lần nữa, ở bài này, tôi bày tỏ rằng chỉ có môi trường hợp tác phát triển minh bạch, công bằng, tuân thủ đúng pháp luật mới tạo dựng niềm tin và động lực cho các doanh nghiệp phát triển dự án, phát triển nền kinh tế đất nước!