Luật sư trả lời:
Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nan giải với không chỉ Việt Nam mà còn với toàn Thế giới. Để bảo đảm môi trường sống chung của nhân loại, các quy định chặt chẽ về việc xử lý rác thải đã được đặt ra. Tuy nhiên, chi phí xử lý rác thải, chất thải gây nguy hại cho môi trường khá cao. Để tiết kiệm chi phí, nhiều đơn vị đã liều lĩnh làm trái quy định pháp luật khi không xử lý chất thải trước khi đưa ra môi trường hoặc chỉ xử lý một phần nhỏ.
Ví như vụ việc Môi trường và Đô thị Việt Nam phản ánh mới đây về Bệnh viện đa khoa Anh Quất (Tân Yên, Bắc Giang) đã bất chấp pháp luật, hàng ngày mang rác thải y tế ra quảng trường Lương Văn Nắm đốt công khai trước cổng cơ quan công quyền huyện Tân Yên, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cán bộ và sức khỏe của người dân sống, làm việc xung quanh.
Ngay sau khi bài báo Môi trường và Đô thị Việt Nam phản ánh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang đã nhanh chóng vào cuộc và đã có văn bản số 3297/TNMT-BVMT gửi Chủ tịch UBND huyện Tân Yên về việc đề nghị giải quyết phản ánh tình trạng đốt rác thải y tế không đúng quy định
Theo Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và được bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 55/2020/NĐ-CP ngày 24/5/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức, và áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng có thời hạn đối với Giấy phép xử lý chất thải nguy hại...
Trong trường hợp xác định chất thải được chôn lấp là chất thải rắn công nghiệp thông thường thì theo điểm e khoản 18 Điều 1 Nghị định 55/2020/NĐ-CP thì hành vi chôn lấp, đổ, đốt chất thải công nghiệp thông thường thì có thể bị phạt tiền lên đến 250 triệu đồng tùy vào khối lượng chất thải và có thể áp dụng thêm các hình thức xử phạt bổ sung cũng như biện pháp khắc phục hậu quả.
Còn nếu xác định chất thải được chôn lấp là chất thải nguy hại thì theo khoản 7 điều 23 Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì hành vi chôn, lấp, đổ, thải chất thải nguy hại có thể bị phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng tùy vào khối lượng chất thải và có thể áp dụng thêm các hình thức xử phạt bổ sung cũng như biện pháp khắc phục hậu quả.
Cần nhấn mạnh rằng, căn cứ vào khối lượng và loại chất thải, hành vi chôn rác thải gây nguy hại cho môi trường có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tội gây ô nhiễm môi trường”. Tại Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cá nhân phạm tội này có thể bị phạt tiền đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù với mức cao nhất 07 năm, ngoài ra còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trường hợp là pháp nhân thương mại phạm tội này thì có thể bị phạt tiền lên đến 7 tỷ đồng. Đồng thời đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, ngoài ra còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.
Đối với các hành vi đốt chất thải nguy hại:
Theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó bổ sung Khoản 10a vào trước khoản 10 Điều 22 như sau:
“10a. Đối với các hành vi đốt chất thải nguy hại, chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định về bảo vệ môi trường, trừ trường hợp hành vi tội phạm về môi trường thì bị xử lý như hành vi chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại, chất hữu cơ khó phân hủy được quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều 22.”..
Luật sư, Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ