Hà Lan ·
3 năm trước
 3806

Chu Đậu - Huyền bí dòng gốm cổ

Gốm Chu Đậu nổi tiếng của Việt Nam có từ thế kỷ XIV – XV, nhưng do nhiều biến thiên lịch sử đã có lúc bị vùi sâu vào quên lãng. Hành trình đánh thức và khôi phục dòng gốm cổ huyền bí này là một câu chuyện dài đầy hứng thú.

Bất ngờ hé lộ danh tiếng lẫy lừng

Cách đây hơn 30 năm, thôn Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Sách) - một làng quê yên bình bên tả ngạn sông Thái Bình, vẫn được biết tới là nơi người dân sinh sống bằng nghề dệt chiếu cói và làm nông.

Như một cơ duyên, năm 1980, ông Makato Anabuki, nguyên là Bí thư thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, trong một chuyến đi công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ đã trông thấy một chiếc bình gốm hoa lam cao 54 cm được trưng bày tại Viện Bảo tàng Topkapi Saray (Istanbul). Trên bình có ghi dòng chữ Hán: "Thái Hòa bát niên Nam Sách châu, tượng nhân Bùi thị Hý bút". Ðịa danh Nam Sách Châu cho ta biết nơi chế tạo (phủ Nam Sách tỉnh Hải Dương), và chữ Thái Hòa bát niên cho ta biết năm chế tạo (1450 năm Thái Hòa thứ tám, đời vua Lê Nhân Tông). Tạm dịch là "Năm Thái Hòa thứ tám (1450) thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ". Và ông Makato Anabuki đã viết thư nhờ đồng chí Ngô Duy Đông, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương thời bấy giờ xác minh giúp xuất xứ chiếc bình gốm quý giá đó.

Những thông tin quý báu này giúp các cơ quan chức năng thúc đẩy việc điền dã, sưu tầm những dấu vết về làng gốm cổ. Tháng 4/1986, Sở Văn hóa - Thông tin Hải Dương tiến hành khai quật di tích Chu Đậu. Kết quả thật bất ngờ, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều di vật của một trung tâm gốm mỹ nghệ cao cấp mà từ trước đến nay chưa từng được phát hiện.

Từ đó đến nay, qua tám lần khai quật ở tầng sâu 2 m trên diện tích 70 nghìn m2 tại xã Thái Tân và xã Minh Tân, các nhà khảo cổ phát hiện được rất nhiều hiện vật gốm cổ cùng hơn 100 đáy lò gốm dưới lòng đất. Kết quả những cuộc khai quật không chỉ làm giới chuyên môn kinh ngạc, mà còn giúp người dân địa phương khám phá quá khứ lẫy lừng của tổ tiên mình. Trước đây, khi đào ao, xây nhà, họ thường hay bắt gặp những chiếc mâm bồng, con kê vành khăn (những công cụ chống dính của lò gốm), nhưng không ai biết những thứ đó dùng để làm gì, nên thường cho trẻ nhỏ chơi.

Bình gốm cổ Chu Đậu của Việt Nam trong danh sách hiện vật của Bảo tàng Topkapi Saray.

Sau những kết quả của các cuộc khai quật, sản phẩm gốm Chu Đậu còn được tìm thấy ở những hai con tàu bị đắm ở vùng biển Pandanan (Philippines) và Cù Lao Chàm (Việt Nam) vào năm 1993 và 1997. Hơn 340 nghìn hiện vật gốm Chu Đậu, trong đó có khoảng 240 nghìn hiện vật còn lành đã được trục vớt, chứng tỏ gốm Chu Đậu đã được xuất cảng rộng rãi thời bấy giờ.

Giới chuyên môn đánh giá cao gốm Chu Đậu, hoàn hảo từ dáng vẻ, chất men, họa tiết, hoa văn trang trí... Gốm Chu Đậu được thể hiện dưới nhiều hình thức như vẽ, khắc, họa, đắp nổi đều phóng khoáng, trữ tình, hài hòa, tinh xảo. Những họa tiết, hoa văn trên gốm thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đó là khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng như cảnh mục đồng chăn trâu, chim đậu trên cành hoa, đàn cá bơi dưới nước, mái nhà tranh ven sông… Phương pháp chế tạo đạt trình độ cao, đó là chuốt, tạo dáng trên bàn xoay, ngắt sản phẩm thành nhiều công đoạn rồi lắp ghép lại và gia công. Các sản phẩm được thể hiện trên chất liệu men trắng hoa lam, men ngọc, hay men màu tam thái. Hiện nay, 46 bảo tàng trên thế giới đang trưng bày các hiện vật gốm Chu Đậu.

Trong những cuộc bán đấu giá, chiếc bình gốm hoa lam cao 54 cm tại Bảo tàng Topkapi Saray đã được trả giá tới 1 triệu USD. Hàng trăm nghìn cổ vật gốm thu thập được qua các cuộc khai quật đã xác định được Chu Đậu là trung tâm chuyên sản xuất gốm cao cấp từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII. Đồng thời, hàng nghìn đồ gốm Chu đậu có trong nhiều bảo tàng ở Việt Nam và nước ngoài đã xác nhận Chu Đậu là nơi làm gốm hàng đầu với chất lượng cao, loại hình và kiểu dáng đa dạng. Theo các nhà khoa học, khi chiến tranh Trịnh - Mạc xảy ra, vùng Nam Sách trong đó có làng gốm Chu Đậu đã bị tàn phá. Các nghệ nhân làng gốm đã phiêu bạt đến các vùng khác, lập nên các làng nghề gốm mới. 

Làng nghề hồi sinh diệu kỳ

Sau gần bốn thế kỷ bị thất truyền, ngày nay, gốm Chu Đậu đã hoàn toàn hồi sinh nhờ sự đóng góp không nhỏ của Xí nghiệp Gốm Chu Đậu, nay là Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu (thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - Công ty Cổ phần (Hapro), thành viên của Tập đoàn BRG).

Nhằm phục hưng dòng gốm cổ Chu Đậu, năm 2001, Công ty đã mời các nghệ nhân từ Hà Nội, Bình Dương, Biên Hòa (Đồng Nai), Hải Dương... nghiên cứu những nét đặc sắc của gốm Chu Đậu rồi truyền dạy cho công nhân là người địa phương. Hầu hết lớp thợ trẻ năm xưa nay đã trở thành những công nhân lành nghề, không ít người được vinh danh là nghệ nhân. Tháng 5/2003, Xí nghiệp Gốm Chu Đậu đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường Tây Ban Nha. Đến nay, sau 20 năm nỗ lực, Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu đã phục dựng được hàng trăm mẫu gốm cổ, đồng thời nghiên cứu và đưa vào sản xuất nhiều dòng sản phẩm mới như vẽ vàng kim cao cấp, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Công ty đã phát triển thị trường xuất khẩu đến 30 quốc gia trên thế giới, sản xuất tăng trưởng bình quân 125%/năm, thu hút trên 500 lao động của làng nghề Chu Đậu với thu nhập thu nhập trung bình 8,5 triệu đồng một tháng, doanh số khoảng 400 tỉ đồng/một năm.

Gốm Chu Đậu - Kỷ lục thế giới. (Ảnh :Gia Minh)

Trong một lần đến thăm Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề tặng Công ty dòng chữ: “Gốm Chu Đậu - Bản sắc Việt, tỏa sáng năm châu”. “Đấy là kim chỉ nam để chúng tôi nỗ lực phấn đấu trong sản xuất, kinh doanh, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, vừa vươn ra thế giới để lan tỏa mạnh mẽ thương hiệu của người Việt” - ông Nguyễn Hữu Thức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu chia sẻ.

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Hapro (đứng thứ 2 từ phải sang) kính tặng kỷ vật gốm Chu Đậu cho nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 

Trong những năm qua, “10 chữ vàng” mà nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng đã tiếp thêm nguồn động lực để tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu luôn nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo.

Không ngừng đổi mới, sáng tạo và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống là những bí quyết để Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu ngày càng mở rộng thị trường xuất khẩu sang hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, thể hiện qua sản lượng trung bình 1,5 - 2 triệu sản phẩm mỗi năm. Sản phẩm gốm Chu Đậu được nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chọn làm quà tặng, đồ lưu niệm, làm quà tặng ngoại giao cho các đoàn khách quốc tế. Năm 2020, gốm Chu Đậu đã được công nhận là Thương hiệu quốc gia.

Báu vật gốm Chu Đậu.

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Hapro cho biết: “Phục hưng, phát triển cũng như nâng tầm thương hiệu Gốm Chu Đậu là chủ trương nhất quán của Tập đoàn BRG cũng như Hapro. Đây là nhiệm vụ và cũng là niềm tự hào của chúng tôi khi đã góp phần vào việc gìn giữ di sản văn hóa lớn của dân tộc. Địa danh Chu Đậu chắc chắn sẽ trở thành một địa điểm gợi nhiều nhắc nhớ. Tôi tin là như vậy”. 

Quả thật, thời gian gần đây, làng gốm Chu Đậu đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách khi đến với Hải Dương. Nhiều tuyến, điểm xung quanh làng gốm cổ như: Đền thờ Đặng Huyền Thông - ông tổ nghề gốm Chu Đậu, các lò gốm cổ, Bảo tàng Gốm thôn Chu Đậu... được kết nối, tạo thành tour tham quan hấp dẫn.

Đánh giá cao những đóng góp của Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu trong sự hình thành và phát triển của làng gốm Chu Đậu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái cho biết: “Làng nghề gốm Chu Đậu đã trở thành điểm đến du lịch mua sắm và trải nghiệm hết sức độc đáo, mỗi năm thu hút trên một vạn lượt du khách. Sản phẩm gốm Chu Đậu đã khẳng định thương hiệu và được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới".

 

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Hapro.

Đồng thời, tỉnh Hải Dương cũng xây dựng chương trình Du lịch làng gốm cổ Chu Đậu gồm nhiều hoạt động như: Trưng bày bộ sưu tập gốm cổ và gốm đương đại, thăm Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu, tham quan quy trình sản xuất, chế tạo các sản phẩm gốm; thăm làng gốm cổ Chu Đậu cùng các di chỉ khảo cổ học...

Trong những ngày cuối cùng của năm 2019, làng gốm Chu Đậu được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là “Điểm du lịch làng nghề”.  Theo ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, để tăng sức hấp dẫn cho điểm đến này, huyện Nam Sách cần chú trọng việc giữ gìn vệ sinh môi trường và an ninh trật tự, phát triển tài nguyên du lịch; tạo điều kiện cho du khách tham quan, học tập, nghiên cứu; khuyến khích người dân địa phương tham gia phát triển du lịch cộng đồng; phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng chương trình du lịch gắn với các điểm đến ở trong và ngoài tỉnh...

Sau không ít thăng trầm, gốm Chu Đậu hiện là dòng gốm duy nhất ở Việt Nam được trưng bày ở 46 bảo tàng của 32 quốc gia trên thế giới. Điều đó cho thấy những giá trị quý báu của gốm Chu Đậu.

Sự phục hồi, phát triển của nghề gốm cổ kết hợp với phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn của Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu và tỉnh Hải Dương, góp phần cho sự phát triển của ngành Du lịch và là sự khẳng định uy tín, quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Chu Đậu – Tự hào gốm cổ người Việt

Chu Đậu là một trong những cái nôi của nghề gốm Việt Nam. Thôn Chu Đậu thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Chu là thuyền, Đậu là bến. Chu Đậu là thuyền đậu bên bến sông. Dòng gốm bác học tại Chu Đậu đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật và nghệ thuật, nổi tiếng bậc nhất trên thế giới thời bấy giờ.

Đầu năm 1994, tại vùng biển Cù Lao Chàm tỉnh Quảng Nam, ngư dân Duy Xuyên và Hội An đã phát hiện và lặn vớt được rất nhiều hiện vật gốm. Các nhà khảo cổ học Hội An, qua giám định khoa học, đã bất ngờ thấy rằng toàn bộ hiện vật gốm này đều có nguồn gốc từ làng gốm Chu Đậu, được sản xuất vào khoảng thế kỷ XIV đến XVI. Hơn 340 nghìn hiện vật gốm, trong đó khoảng trên 250 nghìn hiện vật còn lành, chứng tỏ từ xa xưa, gốm Chu Đậu đã được xuất cảng rộng rãi với số lượng lớn bằng con đường hàng hải. Như vậy Chu Đậu xưa là nơi hoạt động, sản xuất đồ gốm dân dụng và mỹ thuật phồn thình của cư dân Việt.

 

  • Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ có đến 3.000 cổ vật Việt Nam, gồm: trống đồng Đông Sơn, đồ gốm thời Giao Chỉ, đồ gốm thời Lý - Trần - Lê - Mạc, đồ sứ ký kiểu của triều Nguyễn và tượng điêu khắc Champa. Trong đó, gốm Chu Đậu nổi tiếng nhất ở bảo tàng này là sưu tập chân đèn thời Mạc với hơn 20 chiếc chân đèn quý hiếm.
  • Bảo tàng Hoàng gia Mariemont có khoảng 150 cổ vật Việt Nam, mua từ sưu tập của Clément Huet (1952) và từ các cuộc đấu giá cổ vật thuộc các sưu tập: Hồ Đình, Bảo Đại, Bảo Long... do Binoche-Ventes và Loudemer-Ventes tổ chức những năm 1990, trong đó có rất nhiều kendi, đĩa lớn và bình tì bà thuộc dòng gốm Chu Đậu, đặc biệt là sưu tập các con giống trong gốm Chu Đậu có niên đại vào thế kỷ XVI.
  • Bảo tàng Nghệ thuật Tokugawa ở Nagoya, Nhật Bản là nơi trưng bày những bộ sưu tập bát uống trà chân cao lừng danh, men tam thái, xuất xứ từ Chu Đậu. Trong số đó đáng chú ý là chiếc bát thuộc sở hữu của tướng quân Tokugawa Ieyasu từ năm 1616, có hoa văn vẽ bằng men đỏ và men lục, thành ngoài vẽ hoa văn hình cánh sen và hoa cúc xen kẽ một nhánh cây bạch quả, đáy phủ men nâu. Ngoài ra còn có chiếc bát trà gốm chân cao là bảo vật của gia tộc dòng thứ Owari-Tokugawa. Hình dáng, màu sắc và hoa văn của chiếc bát trà gốm Chu Đậu này đã được lãnh chúa Owari-Tokugawa dùng làm mẫu để chế tác bát trà trong lò gốm của họ. Philippe Truong căn cứ vào lối trang trí độc đáo và riêng biệt của hai chiếc bát trà này, cả về kỹ thuật thể hiện lẫn kiểu thức hoa văn, đã nhận định đây là những chiếc bát trà được đặt làm riêng cho tướng quân và gia tộc Tokugawa. Vì thế mà hai chiếc bát trà gốm Chu Đậu này đã được Chính phủ Nhật Bản đưa vào danh mục tài sản văn hóa quan trọng (Yuzo bukazai) của Nhật Bản.

Bát trà chân cao Chu Đậu, thế kỷ XVI, men lam đỏ và lục, nguyên thuộc sở hữu của tướng quân Tokugawa Ieyasu (1542 - 1616). (Ảnh: Philippe Truong)

Có thể thấy rằng sự hiện diện của các bát trà gốm Chu Đậu chân cao này đã tạo nên những ảnh hưởng đối với kiểu dáng và trang trí cho những món đồ gốm sản xuất tại Nhật Bản trong thế kỷ XVII. Sự ảnh hưởng này còn kéo dài đến thế kỷ XIX với những hiện vật gốm Nhật Bản có niên đại thế kỷ XIX được tìm thấy ở Nhật Bản, Bảo tàng Mỹ thuật Boston và Freer Gallery of Arts ở Washington D.C. (Mỹ).

  • Gia bảo của dòng họ quan khâm sai vùng Nagasaki (Nhật Bản) là Ozawa Shiroemon Mitsunaka có 8 món gốm Chu Đậu, 1 món men trắng đời Lý. 4 trong số 9 món này hiện thuộc Bảo tàng Quốc gia Kyoto tại Nhật (Kyoto National Museum).
  • Bảo tàng Guimet (tên tiếng Pháp là Musée National des Arts Asiatiques Guimet – Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật châu Á Guimet) nằm ở quận 14 thành phố Paris là một trong những bảo tàng nghệ thuật châu Á lớn nhất nằm ngoài châu Á. Đặc biệt, tại bảo tàng này có trưng bày bộ sưu tập gốm Chu Đậu vang danh của nước ta.

Sau chuyến đi tới Ai Cập, Hy Lạp và vòng quanh thế giới vào năm 1876 qua Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ, Émile Guimet đã tập hợp được một bộ sưu tập lớn và mang về Lyon và thành lập bảo tàng Guimet. Năm 1889, Émile Guimet khánh thành bảo tàng ở Paris. Từ năm 1927, bảo tàng Guimet bắt đầu nhận được các hiện vật từ Bảo tàng Đông Dương và nhiều nguồn đa dạng khác. Bộ sưu tập của Bảo tàng Guimet đa dạng về thời kỳ và đầy đủ về nghệ thuật của châu Á với khoảng 50.000 hiện vật.

Chiếc ang gốm Chu Đậu, thế kỷ XV, hiện vật của Bảo tàng Nghệ thuật Dresden, Đức. (Ảnh: Trần Đức Anh Sơn)

Một số hiện vật gốm Chu Đậu tại đây có chú giải xuất xứ  từ miền Bắc Việt Nam vào thời Lê (thế kỷ XV) hoặc Lê – Mạc (thế kỷ XV-XVII), tức thuộc thời kỳ phát triển cực thịnh của gốm Chu Đậu. Đáy món đồ được chú giải có lớp son nâu, tức đáy tráng son màu sô-cô-la (base chocolatée).

  • Chiếc bình gốm hoa lam cao 54 cm tại Viện Bảo tàng Topkapi Saray (Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ) đã từng được trả tới 1 triệu USD trong một phiên đấu giá. Trên bình có ghi dòng chữ Hán: "Thái Hòa bát niên Nam Sách châu, tượng nhân Bùi thị Hý bút", tạm dịch là "Năm Thái Hòa thứ tám (1450) thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ".
  • Giá trị của gốm Chu Đậu, sau khi được tìm thấy ở Cù Lao Chàm, đã làm sửng sốt trong giới học giả và mọi người. Tờ Việt Mercury số ra tháng 6/2000 đã đăng lời bà Dessa Goddard – Giám đốc ngành nghệ thuật Á Châu của nhà bán đấu giá Butterfields tại San Francisco: “Phát hiện này đang trả lại cho Việt Nam một chương của di sản nghệ thuật mà người ta từng nghĩ là đã hoàn toàn biến mất”.

Tháng 10/2000, nhà bán đấu giá Butterfields có tổ chức ở San Francisco và Los Angeles cuộc bán đấu giá đồ gốm Chu Đậu vớt được từ một tầu chìm ngoài khơi Cù Lao Chàm, Hội An (họ gọi là “Hoi An Hoard”, kho tàng Hội An). Trong 3 ngày 11, 12, 13 tháng 10/2000, tổng số tiền bán được vào khoảng 3 triệu USD.

  • Chiếc bình tỳ bà vẽ hoa lam có giá 521.000 USD được người Anh mua trong một cuộc đấu giá và được người Mỹ in trên tem, rồi chiếc đầu Rồng gốm đặt tại trụ sở Liên Hợp Quốc đều là sản phẩm gốm của Chu Ðậu được trục vớt từ con tàu đắm tại Cù Lao Chàm.
  • Theo cuốn Vietnamese Ceramics, a separate tradition (Gốm sứ Việt Nam, một truyền thống riêng biệt) – NXB. Art Media Resource xuất bản năm 1997, John Stevenson  và John Guy chủ biên, cho biết gốm Chu Đậu được lưu giữ trong các bảo tàng khắp nơi trên thế giới, như: Metropolitan Museum of Art, New York; Museum of Fine Arts, Boston; Museum het Princesshof, Leewarden; Society of Acient Southeast Asian Ceramics, Nhật Bản; Kyoto National Museum, Nhật Bản; Machida Municipal Museum, Nhật Bản; Birmingham Art Museum, Alabama; Museum of East Asian, Bath (Australia); Asian Art Museum of San Francisco; British Museum, London; Art Gallery of South Australia, Adelaide; Denver Museum of Art, Denver, Colorado; Seatle Art Museum, Seatle, Washington…

Đĩa gốm Chu Đậu, thế kỷ XV, hiện vật của Bảo tàng Nghệ thuật Dresden, Đức. (Ảnh: Trần Đức Anh Sơn)

  • Năm 2017, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng xác lập Kỷ lục độc bản: “Men tro trấu - Sản phẩm gốm Chu Đậu, dòng men thiên nhiên cổ truyền độc đáo của gốm Việt Nam”. Đây là sản phẩm của Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu.
  • Ngày 9/9/2019, Gốm Chu Đậu được tổ chức Guiness xác nhận đĩa 1.000 chữ Long viết bằng thư pháp đạt kỷ lục thế giới. Đĩa được viết bằng thư pháp bởi nhà thư pháp nổi tiếng Lê Thiên Lý, người đã sáng tạo ra hai lối viết thư pháp “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư”. Cả nghìn chữ “Long” được biến hóa khôn lường theo dáng rồng chầu, rồng ẩn, rồng múa, rồng bay và bản đồ Việt Nam có đầy đủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được phủ dưới lớp men tro trấu đặc trưng của gốm Chu Đậu đã gây chú ý của các nhà chuyên môn.

Tổ nghề gốm Chu Đậu là ai?

Ở Chu Ðậu, những dòng họ tài danh nhất về đồ gốm là họ Ðặng, họ Vương. họ Bùi, họ Ðỗ, với những kỳ tài như vợ chồng Ðặng Huyền Thông - Nguyễn Thị Ðỉnh, Ðặng Hữu, Ðặng Tính Không.

Ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Hải Dương, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh, trong Gốm Chu Ðậu, có trích gia phả nhà Họ Vương câu: “Nam Sách phủ, Thanh Lâm huyện, Ðặng Xá xã, dĩ đào bát vi nghiệp, hậu nhất chi di cư Gia Lâm huyện, Bát Tràng xã. Cụ Vương Quốc Doanh hưng công dĩ đào bát vi nghiệp” (họ Vương ở xã Ðào Xá huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách làm nghề đồ gốm; Sau một chi di cư về xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, và cụ Vương Quốc Doanh làm hưng thịnh nghề đồ gốm ở đấy).

Ông Đặng Huyền Thông 

Tên thật Đặng Mậu Nghiệp, tự Huyền Thông, quê ở thôn Cổ Phường, xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, sống vào thế kỷ XVI. Đặng Huyền Thông đã để lại những tác phẩm gốm quý, gồm những chân đèn với các thớt vẽ men màu lam, rồng đắp nổi, trang trí rậm, được coi là điển hình cho quan điểm thẩm mỹ thời mạc, đậm chất dân gian; cùng những bát hương lớn cùng một thể loại, hiện vẫn còn lưu truyền tại nhiều đền, chùa Bắc Bộ. Toàn bộ các tác phẩm của ông đều được phủ một loại men trong, dày và có màu xanh sẫm, đôi khi lẫn màu ghi xám hay ngả vàng. Sử dụng loại men màu lam xám, ông đã kết hợp với các chi tiết được chạm thủng chạm nổi, dán ghép kết hợp với khắc chìm để thể hiện nhiều đề tài phong phú khác nhau.

Ông là một trong số không nhiều những nghệ nhân gốm ký tên vào tác phẩm của mình, không những thế, trong một số hiện vật, ông còn ghi cả ngày và địa điểm sản xuất, người đặt hàng và nơi sử dụng. Một số tác phẩm do ông cùng vợ là Nguyễn Thị Đỉnh sản xuất và ký tên.

Một tác phẩm gốm truyền nhân của Đặng Huyền Thông.

Ông là nghệ nhân ghi tên trên nhiều tác phẩm nhất trong số các tác phẩm gốm thời Mạc còn lại đến ngày nay. Trong 12 hiện vật gốm ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và 7 hiện vật ở Bảo tàngHải Dương , ghi rõ sản xuất vào thời Mạc hậu Hợp (1578 - 1891) với các niên hiệu Diên Thành, Đoan Thái, Hưng Trị, đã có 10 tác phẩm ghi tên Đặng Huyền Thông, gồm 3 bát hương và 7 chân đèn. Bên cạnh các bảo tàng, tác phẩm của ông còn được có mặt trong nhiều bộ sưu tập tư nhân trên thế giới. Tại Bảo tang Topkapi Saray ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) có lưu giữ một lư hương gốm xanh xám được ông làm vào năm Hưng Trị thứ 2 (1589), được xem là một trong hai cổ vật gốm quý giá nhất của Chu Đậu.Những đồ gốm của Đặng Huyền Thông đã đánh dấu bước phát triển mới của gốm men thế kỷ XVI. Ông được người dân Chu Đậu tôn vinh làm Ông tổ nghề gốm Chu Đậu. Đền thờ Đặng Huyền Thông xây dựng tại thôn Hùng Thắng đã được Nhà nước Việt Nam xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

Công đức của Đặng Huyền Thông được ghi lại trong nhiều văn bia (khắc trên bia đá) còn tồn tại đến ngày nay. Chủ yếu các bia đá này nằm ở thôn Hùng Thắng trong đó ghi lại một số việc làm quan trọng của Đặng Huyền Thông như phát triển sản xuất, xây dựng chùa chiền (chùa An Ninh Tự) và đặc biệt là việc cử nghệ nhân Vương Quốc Doanh đem thợ đến Bát Tràng, góp một phần làm cho gốm sứ Bát Tràng hưng thịnh như ngày nay.

Bà Bùi Thị Hý

Theo nghiên cứu của ông Tăng Bá Hoành, thì bà Bùi Thị Hý (1420-1499) - người vẽ bình gốm hoa lam được trưng bày tại Viện Bảo tàng Topkapi Saray (Istanbul), là cháu ngoại của cụ Bùi Quốc Hưng - khai quốc công thần đời Lê cùng thời với danh nhân Nguyễn Trãi. Bà Hý có biệt tài viết chữ và vẽ đồ gốm rất đẹp, từng giả nam đi thi đại khoa đến tam trường thì bị phát hiện. Về sau, bà lấy đại chủ Đặng Sỹ, là chủ lò gốm Chu Trang (tức là gốm Chu Đậu bây giờ) và giàu nổi tiếng đương thời. Lò này chuyên làm đồ xuất cảng. Tại đây với tài năng sẵn có, bà Bùi Thị Hý đã vẽ hoa văn cho rất nhiều món trong đó có bình Topkapi Saray. Ông Đặng Sỹ, trong một lần đi giao hàng trên biển đã bị tai nạn bỏ mạng, bà Hý tái giá với ông Đặng Phúc cũng là một đại gia ở Chu Đậu. Sau khi tái giá, bà cùng với chồng chỉ huy các thuyền xuất khẩu gốm Chu Đậu sang các nước phương Tây. Cuối đời, bà về công đức tiền của làm đình, chùa Viên Quang.

Tượng chân dung bà Bùi Thị Hý (1420-1499).

Còn nhớ khi con tàu gỗ chở đồ gốm đi biển bị đắm vào khoảng giữa thế kỷ XV ở Cù Lao Chàm được trục vớt, thu về cho Việt Nam hơn 240 nghìn cổ vật quý giá; người ta phát hiện điều kỳ lạ là bị ngâm dưới biển ở độ sâu 70 m nhưng một số thứ mà con thuyền mang theo vẫn còn dáng vẻ dễ nhận diện: đó là nhãn Hải Hưng còn tươi mà thủy thủ trong đoàn chưa kịp ăn thì tàu bị gặp nạn. Những quả nhãn gốc từ Hải Hưng đã minh chứng quê hương của chủ nhân con tàu bị đắm này là bà Bùi Thị Hý. Ðiều khó tin là, dựa vào chứng cứ, chứng tỏ bà vừa là nhà sản xuất gốm, vừa là người tổ chức thương thuyền buôn vượt biển. Di vật quý vượt biển của bà là tấm la bàn bằng đá cẩm thạch kích thước 17x17x7cm vừa được tìm thấy trên mảnh đất ngay nơi cụ thân sinh bà từng sinh sống. Trên la bàn có chữ Châm bàn Chu Hải Khứ, Bùi Thị Hý, nghĩa bàn kim chỉ đường cho thuyền biển của Bùi Thị Hý. La bàn này về nguyên lý tương tự như la bàn đi biển thời Christopher Columbus (1451-1506).

Theo những nhà nghiên cứu mới đây, bà Bùi Thị Hý ngoài công việc làm gốm như vuốt bình, vuốt lọ và vẽ giỏi, bà còn có tài nặn tượng, nặn rồng, nặn nghê... bà đã để lại một con rồng đất đặt trên ngã ba sông Ðịnh Ðào quê hương mình. Nhân dân ở Gia Lộc (Hải Dương) vẫn còn giữ được một số di vật tại Gò Hình Nhân thuộc gia tộc của bà có liên quan đến con rồng này. Thật bất ngờ là chiếc đầu rồng thể hiện nét văn hóa Việt được trưng bày tại trụ sở Liên Hợp Quốc là gốm Chu Ðậu cũng gần giống với dáng vẻ đầu rồng ở quê bà. Bà Bùi Thí Hý đã được vinh danh là Bà tổ Làng gốm Chu Đậu. Ở đình làng Chu Đậu bây giờ vẫn còn bia ghi công vợ chồng ông Đặng Sĩ và bà Bùi Thị Hý.

 

Nguồn