Thắng Trung ·
3 năm trước
 3305

Chủ động ứng phó trước tiềm ẩn nguy cơ gia tăng rủi ro từ thiên tai

Trước những tác động của biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu, nước biển dâng, đang ngày càng khiến thiên tai trở nên khó đoán định hơn. Công tác phòng, chống thiên tai tại nước ta trong những năm qua ngày càng nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước.

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày phòng, chống thiên tai Việt Nam (22/5/1945-22/5/2021), phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Ngập lụt ở tỉnh Quảng Trị

Ngập lụt ở tỉnh Quảng Trị, Việt Nam, tháng 10/2020. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Tăng cường sự lãnh đạo

Xin Tổng cục trưởng cho biết về những kết quả chính trong công tác phòng, chống thiên tai ở nước ta trong những năm qua.

Những năm qua, công tác phòng, chống thiên tai đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương tới cơ sở. Điều này thể hiện rõ trong những văn bản chính sách đã được ban hành như: lần đầu tiên, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Đến nay, các bộ, ngành và 100% các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện...

Ngày 17/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật số 60/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Nghị định số 50/2020/NĐ-CP ngày 20/4/2020 quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai được Chính phủ ban hành; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy được kiện toàn và nâng tầm hoạt động với việc Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các thành viên là người đứng đầu nhiều bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ. Cùng với đó, Tổng cục Phòng, chống thiên tai được thành lập kiêm nhiệm vụ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp tại địa phương do Chủ tịch UBND cùng cấp làm Trưởng ban. Tất cả các tỉnh, thành phố đã thành lập và triển khai hoạt động Quỹ phòng, chống thiên tai, phê duyệt phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai.

Trong những năm qua, nội dung phòng, chống thiên tai được nhiều bộ, ngành, địa phương quan tâm lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch, hoạt động của đơn vị và ban hành “Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh”. Các tỉnh, thành phố đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho hàng chục nghìn cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp; xây dựng và tập huấn các mô hình điểm, đội xung kích phòng chống thiên tai; tổ chức thành công cuộc thi lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai lần thứ nhất với sự tham gia của 36 tỉnh, thành phố…

Bên cạnh đó, công tác truyền thông được thực hiện thường xuyên, liên tục; khai thác và kết hợp linh hoạt các phương thức thông tin, truyền thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tấn, báo chí từ trung ương đến địa phương, mạng xã hội (Viber, Zalo, Facebook...). Các tiến bộ khoa học, công nghệ đã được phát huy hiệu quả, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành kịp thời của các cấp như: xây dựng các công cụ hỗ trợ và phần mềm giám sát tự động với trên 40.000 dữ liệu (bao gồm hệ thống trạm khí tượng thủy văn, giám sát tàu cá, sạt lở bờ sông, bờ biển, các công trình phòng, chống thiên tai...).

Hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai được đẩy mạnh, nhất là hoạt động hiệu quả của Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai với sự tham gia của 20 tổ chức quốc tế, phi chính phủ trong công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung cuối năm 2020.

Xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai

Những khó khăn, thách thức đối với công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay là gì? Để làm tốt hơn công tác phòng, chống thiên tai, Tổng cục đã triển khai những giải pháp nào, thưa ông?

Thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, bất thường trên cả nước với nhiều giá trị vượt mức lịch sử cả về tần suất và cường độ. Tác động của biến đổi khí hậu nghiêm trọng và nhanh hơn dự đoán. Các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước ở lưu vực sông xuyên quốc gia của các nước thượng nguồn đang làm thiên tai trầm trọng hơn. Yêu cầu về bảo vệ an toàn cho một xã hội có quy mô dân số và nền kinh tế ngày càng tăng đặt ra nhiệm vụ đối với công tác phòng, chống thiên tai ngày càng nặng nề trong khi phát triển kinh tế - xã hội còn thiếu bền vững gây nguy cơ gia tăng rủi ro thiên tai.

Vụ sạt lở tạo thành hàm ếch ăn sâu vào đất liền trên tuyến sông Bến Bạ

Vụ sạt lở tạo thành hàm ếch ăn sâu vào đất liền, có nguy cơ tiếp tục sạt lở trên tuyến sông Bến Bạ, đoạn qua khu vực Phú Thuận, phường Tân Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, vào lúc 3 giờ sáng ngày 17/5/2021. (Ảnh:Thanh Liêm/TTXVN)

Cùng với đó, thiệt hại về người và tài sản bởi thiên tai là rất lớn, đặc biệt là thiệt hại về người do sạt lở đất, lũ quét. Hệ thống tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hầu hết là kiêm nhiệm, hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu công cụ hỗ trợ chuyên dùng hiện đại, thiếu cơ sở dữ liệu dẫn đến nhiều phương án triển khai kém hiệu quả, lúng túng, không kịp thời, rủi ro cao. Nhận thức về thiên tai, các giải pháp phòng, chống thiên tai một cách bài bản, khoa học để từ đó hoạch định chính sách, chương trình, đề án, dự án, bố trí nguồn lực còn chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến nhiều thiệt hại do yếu tố chủ quan vẫn đang xảy ra. Năng lực chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhất là công trình phòng chống thiên tai và nhà ở của nhân dân còn thấp so với cường độ bão lũ, thiên tai ngày càng cực đoan.

Ngoài ra, còn nhiều bất cập trong việc bố trí nguồn lực thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030 tầm nhìn 2050. 

Công tác ứng phó thiên tai còn bộc lộ nhiều tồn tại đó là: thông tin dự báo, cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất còn rất khó khăn. Công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó, cứu hộ cứu nạn từ trung ương đến các địa phương còn thiếu cơ sở dữ liệu, thiếu trang thiết bị chuyên dùng. Việc giám sát xã hội khi thiên tai xảy ra cũng như tuân thủ của nhiều tổ chức, cá nhân còn chưa nghiêm. Quy định về triển khai nguồn lực khắc phục hậu quả, nhất là khôi phục cơ sở hạ tầng còn áp dụng theo tình huống thông thường, chưa có cơ chế chính sách cụ thể, linh hoạt dẫn đến việc ở một số nơi triển khai còn chậm, không hiệu quả. Quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn lực hỗ trợ tự nguyện của các tổ chức, cá nhân còn thiếu chặt chẽ và chồng chéo.

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo) đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo triển khai việc tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác phòng, chống thiên tai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, các văn bản dưới luật; chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030 tầm nhìn 2050 và Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng động đến năm 2030.

Bên cạnh đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo sẽ tham mưu cho Ban Chỉ đạo việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời với độ tin cậy cao; ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu cơ bản về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thuỷ văn, cơ sở dữ liệu, trang thiết bị theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng và các cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng chống thiên tai; nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai từ trung ương đến cơ sở theo hướng tập trung, thống nhất, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, khắc phục tình trạng phân tán, chồng chéo; phát triển khoa học, công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng, chống thiên tai.

Ngoài ra, lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai cần được trang bị công nghệ quan trắc, theo dõi, giám sát phục vụ chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai, đặc biệt đối với các loại thiên tai lớn, xảy ra trên diện rộng như: bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn... Đồng thời, các địa phương, đơn vị có trách nhiệm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai; bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ODA và nguồn dự phòng ngân sách hàng năm để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó ưu tiên xử lý dứt điểm các trọng điểm xung yếu và các công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020; phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt là việc củng cố lực lượng xung kích tại cơ sở.

Tạo bứt phá phù hợp với Chính phủ số

Việc xây dựng Trung tâm Chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai quốc gia góp phần tạo bứt phá trong phát triển công tác phòng, chống thiên tai phù hợp với Chính phủ số như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng, chống thiên tai quốc gia, giúp Chính phủ chỉ đạo, triển khai các hoạt động phòng, chống thiên tai một cách toàn diện, kịp thời và hiệu quả. Ở nước ta, việc xây dựng trung tâm điều hành sẽ góp phần tạo bứt phá trong công tác phòng, chống thiên tai nói chung và phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Trạm quan trắc môi trường tự động tại ấp Khương Bình

Trạm quan trắc môi trường tự động được lắp đặt trên địa bàn ấp Khương Bình (Kiên Giang) để theo dõi nguồn nước phục vụ sản xuất. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Việc kết nối, tích hợp với các hệ thống theo dõi, quan trắc thiên tai của các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc sẽ nâng cao năng lực giám sát thiên tai theo thời gian thực hiện đảm bảo kịp thời và hiệu quả; đủ khả năng giải quyết các tình huống xuất hiện các loại hình thiên tai trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống cơ sở dữ liệu của trung tâm bao gồm toàn bộ thông số cập nhật về điều kiện tự nhiên, dân sinh, kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, tổng hợp các phương án ứng phó tại các địa phương, kết hợp với việc phân tích các nguồn tin dự báo trong nước cũng như quốc tế sẽ bảo đảm việc ra quyết định nhanh chóng, chính xác và mang tính toàn diện.

Trung tâm chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai quốc gia được trang bị hệ thống máy chủ, đường truyền với dung lượng rất lớn để kết nối với các địa phương, công trình phòng, chống thiên tai trọng yếu và các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai sẽ đảm bảo cho các cuộc họp điều hành trực tuyến, phân tích xử lý các thông tin. Việc mô phỏng một số loại hình thiên tai chính sẽ là phương tiện đào tạo tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng kiến thức một cách tiết kiệm thời gian, sinh động cho các cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai cũng như cộng đồng.

Ngoài ra, các trang thiết bị máy móc, đặc chủng, chuyên dụng của Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng, chống thiên tai quốc gia để ứng phó khẩn cấp, bảo vệ các khu vực trọng yếu sẽ nâng cao khả năng ứng dụng khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Trung tâm này cũng sẽ hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ thông qua việc khai thác sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu tự động theo dõi giám sát gần 7.000 hồ chứa thủy điện và thủy lợi; gần 3.000 km đê do Trung ương quản lý; vị trí định vị của hơn 26.000 tàu thuyền, các trạm theo dõi tự động lưu lượng dòng chảy từ ngoài biên giới; hàng trăm camera giám sát đê điều, hồ chứa, khu neo đậu tàu thuyền; 300 trạm tự động đo gió chuyên dùng; quan trắc, giám sát diễn biến sạt lở, xâm nhập mặn và phòng ngừa nguy cơ cháy rừng...

Mặt khác, Trung tâm còn cung cấp các thông tin, dữ liệu cần thiết phục vụ công tác chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong sự nghiệp xây dựng nền sản xuất nông nghiệp, nông thôn bền vững, an toàn trước thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

 

Nguồn