Những sai phạm và biện pháp xử lý bất hợp lý tại các cửa hàng xăng dầu (CMXD) Tuyên Quang là những câu chuyện kéo dài trong nhiều năm.
Mới đây, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã ra Quyết định 492 thành lập đoàn kiểm tra, xác minh tố cáo tại Công ty Xăng dầu Tuyên Quang. Mục đích xác minh, làm rõ trách nhiệm của ông Ngô Quang Vinh - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu Tuyên Quang khi đã để nhiều cửa hàng trưởng chiếm dụng hàng tỉ đồng của Nhà nước nhưng không có biện pháp xử lý phù hợp.
Cụ thể, theo Lao Động, trong giai đoạn làm Cửa hàng trưởng CHXD số 4, bà Phạm Thị Vân Trang đã chỉ đạo nhân viên phát hành hoá đơn khống, ghi nhận sai thực tế các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lấy tiền bán hàng của công ty cho mục đích cá nhân. Vụ việc có dấu hiệu chiếm đoạt hơn 3 tỉ đồng và có sự tiếp tay của một số cán bộ, công nhân viên cửa hàng.
Tuy nhiên, sau đó bà Trang chỉ bị cách chức cửa hàng trưởng và giải quyết chấm dứt hợp đồng. Lãnh đạo Công ty Xăng dầu Tuyên Quang không chuyển vụ việc sang Cơ quan Công an để điều tra, làm rõ theo đúng quy định mặc dù trong văn bản số 549 ngày 19/6/2020 do chính ông Ngô Quang Vinh ký ghi rõ kết luận "Hành vi của bà Phạm Thị Vân Trang là hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của công ty, có dấu hiệu tội phạm hình sự..."
Chưa hết, trước đó, vào năm 2018, tại CHXD Vinh Quang, ông Lý Văn Cường (cửa hàng trưởng) đã tự điều chỉnh lùi số bơm các cột với khối lượng gần 20.000 lít xăng, dầu (quy ra tiền gần 334 triệu đồng) để rút tiền hàng ra sử dụng mục đích cá nhân. Tuy nhiên, cũng giống như trường hợp của bà Trang, ông Cường cũng chỉ bị cách chức Cửa hàng trưởng và điều chuyển làm việc khác. Hồ sơ vụ việc không được chuyển qua cơ quan Công an.
Với 2 trường hợp kể trên, cả 2 cá nhân mặc dù vi phạm nghiêm trọng nhưng hình thức xử lý chưa phù hợp, không chuyển sang cơ quan Công an để điều tra làm rõ, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Có hay không việc các cá nhân sai phạm này đã được "nương tay" để tránh việc đối mặt với pháp luật?
Ông Ngô Quang Vinh - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu Tuyên Quang
Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty Xăng dầu Tuyên Quang còn gây thêm khó hiểu khi nghiêm trọng hóa một việc tưởng chừng rất đơn giản.
Vào tháng 3/2021, tại CHXD số 2, hai nhân viên là ông Vương Ngọc An và Đặng Tuấn Hiệp đã bán trộm 6 nắp đậy bể xăng dầu bằng gang (từ năm 1996, đã han rỉ, không sử dụng) và một số phế liệu khác lấy 3 triệu đồng.
Đến tháng 7/2021, đại diện công ty này đã làm đơn tố giác gửi Công an TP Tuyên Quang. Sau đó Cơ quan Công an kết luận giá trị 6 chiếc nắp gang là 1.872.000 đồng, không đủ cấu thành tội phạm hình sự, nên chỉ xử phạt hành chính.
Ngày 25/8/2021, ông Ngô Quang Vinh đã ban hành hình thức kỷ luật với ông An và ông Hiệp bằng việc kéo dài thời hạn nâng lương 6 tháng, cho tiếp tục đi làm.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận cảm thấy khó hiểu nhất chính là trường hợp của ông Lê Thanh Sơn - Cửa hàng trưởng CHXD số 2 thời điểm xảy ra vụ việc đã bị mức kỉ luật rất nặng, cách chức xuống làm nhận viên mặc dù văn bản của số 873 ngày 17/8/2021 của Công an TP Tuyên Quang cho biết "không đủ cơ sở kết luận ông Lê Thanh Sơn đồng phạm với ông An và ông Hiệp.
Được biết, ông Lê Thanh Sơn là người thường xuyên đấu tranh cho quyền lợi của người lao động cũng như có nhiều kiến nghị về những bất cập trong công tác cán bộ, cách trả lương, thưởng, cách điều hành quản lý của lãnh đạo Công ty Xăng dầu Tuyên Quang...
Đây là toàn bộ thông tin chính xác đăng trên báo Lao Động, tôi đặt ra câu hỏi rằng với việc cách chức bất hợp lý cửa hàng trưởng là ông Lê Thanh Sơn khi thiếu cơ sở, bằng chứng, thì ông Ngô Quang Vinh có vi phạm luật lao động? Nếu có, ông Ngô Quang Vinh phải tiến hành bồi thường như thế nào?
Tiếp theo, có thể thấy rõ 2 sự việc nghiêm trọng liên quan đến bà Phạm Thị Vân Trang và vụ việc liên quan đến ông Lý Văn Cường gây thất thoát hàng tỉ đồng được "nương tay" không chuyển qua Cơ quan Công an, nhưng sự việc về 6 chiếc nắp gang bị đánh cắp trị giá gần 2 triệu đồng lại được chuyển sang cơ quan công an, xử phạt hành chính và cách chức một cửa hàng trường đương nhiệm.
Ông Ngô Quang Vinh đã thể hiện sự thiếu nhất quán trong công tác quản lý, xử phạt không đúng quy trình, với sự việc nghiêm trọng thì nương nhẹ, và nghiêm trọng hóa một sự việc chỉ cần dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Vậy, tôi đặt ra câu hỏi rằng những trong việc xử phạt được cho là thiếu phù hợp, khách quan này, ông Ngô Quang Vinh có lý do gì để thực hiện những việc này? Và ông Vinh sẽ khắc phục ra sao để đảm bảo công bằng cho nhân viên, xử lý đúng người, đúng tội, tránh tiền lệ xấu cho người lao động trong doanh nghiệp mình trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang yên tâm công tác?