Huyền My ·
1 năm trước
 3609

Chú trọng đến việc giảm thiểu rác thải nhựa và tăng cường tái chế

Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng, nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35-50%/năm, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%. Rác thải nhựa chiếm tỷ trọng cao, chỉ sau rác thực phẩm trong chất thải rắn đô thị.

Sẽ chú trọng chính sách về hạn chế chất thải nhựa

Kinh tế tuần hoàn hiện nay trở thành phương thức và mục tiêu để các nền kinh tế và tổ chức trên toàn cầu hướng đến trong quản lý rác thải. Xây dựng kinh tế tuần hoàn sẽ chú trọng ngay từ quá trình phân loại, xử lý rác đúng cách, và lâu dài hơn, chính là quản lý nguồn nguyên vật liệu, sử dụng tối ưu sản phẩm. Sở dĩ điều này được ủng hộ, bởi nó cho thấy sự chuyển dịch ý thức từ việc xem rác thải là nguồn gây ô nhiễm thành tài nguyên mới.

Nhằm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, Luật Bảo vệ môi trường đã dành điều 73 quy định về chính sách.

Nhằm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa… Luật Bảo vệ môi trường đã dành điều 73 quy định về chính sách. (Ảnh minh họa)

Luật đã thể hiện trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương.

Vấn đề chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý.

Các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học được chứng nhận thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Chất thải nhựa phải được thu gom, phân loại để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Chất thải nhựa không thể tái chế phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định. Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động kinh tế trên biển phải được thu gom để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý và không được xả thải xuống biển.

Nhà nước khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng, công trình giao thông; khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa trôi nổi trên biển và đại dương; có chính sách thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn; tuyên truyền, vận động việc hạn chế sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; tuyên truyền về tác hại của việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển, rác thải nhựa đối với hệ sinh thái.

Phát triển ngành tái chế để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường

Phát triển ngành tái chế chất thải tại Việt Nam tiềm năng là rất lớn, song theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, quan trọng là các cơ quan chức năng liên quan cần thực hiện hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn. Muốn tái chế và phát triển ngành tái chế để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, đưa rác thải quay lại phục vụ đời sống thì chúng ta phải làm tốt phân loại rác thải tại nguồn. Đây là khâu quan trọng nhất. Thế nhưng hiện nay ở nước ta, nhựa phế liệu phần lớn đang trộn lẫn với rác thải sinh hoạt và được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Số ít thu gom được từ hoạt động ve chai, nhưng không đáng kể.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào tái chế: Từ năm 2016, TP.HCM đã có hướng chuyển đổi xử lý rác thải thành đốt phát điện. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu không có chủ trương khuyến khích, phân loại rác thải tái chế thì việc chuyển đổi cũng gặp nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư. Mặt khác, tỷ lệ rác thải có khả năng tái chế được tận dụng cũng sẽ không cao. Theo Sở TN&MT TP.HCM, với các phân tích về tỷ trọng, thành phần chất thải rắn, có thể thấy rằng, việc đốt hỗn hợp chất thải rắn sinh hoạt để sinh nhiệt và tạo năng lượng không mang lại giá trị kinh tế, trừ khi các chất có nhiệt trị cao hơn và có độ ẩm thấp hơn, như thành phần nhựa, gỗ, vải, giấy, cao su, da, băng tã… được tách riêng để đốt.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc đầu tư công nghệ để tái chế chất thải không phải là vấn đề khó, mà rào cản hiện nay là định kiến của lãnh đạo địa phương đối với đầu tư lĩnh vực này. Hiện các địa phương đều từ chối cấp phép đầu tư ngành nghề xử lý chất thải. Số ít doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TP.HCM do Sở TN&MT, Bộ TN&MT cấp phép, nhưng phải hoạt động với quy mô rất hạn chế. Phần lớn các cơ sở tái chế chất thải lại hoạt động ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, tập trung nhiều nhất tại vùng ven. Các cơ sở trên cũng chưa có thực lực tài chính đủ để cải tạo, đổi mới quy trình tái chế đáp ứng xu hướng chất thải phát sinh thực tế.

Cùng với đó, những chính sách ưu đãi đầu tư từ phía Chính phủ, bộ ngành liên quan phải được các địa phương triệt để triển khai, kết hợp với công tác hậu kiểm. Đây là cơ sở để đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa đầu tư hạ tầng tiếp nhận và xử lý chất thải nói chung, từng bước đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải ngày càng nhiều của doanh nghiệp với giá thành hợp lý, giảm nguy cơ chất thải đang bị đổ bừa bãi ra môi trường do thiếu đơn vị xử lý.

Ở lĩnh vực hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong lĩnh vực tái chế chất thải nhựa, hiện nay Quỹ Bảo vệ Môi trường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực tái chế nhựa tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với lãi suất chỉ từ 2,6-3,6%/năm, mức cho vay tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án.