Bích Ngọc ·
2 năm trước
 3693

Chung cư tăng giá, môi giới cũng đau đầu vì mất khách

Giá chung cư tăng đột biến, khiến nhiều người đang có ý định mua cũng từ bỏ, theo đó, môi giới cũng bỗng dưng mất khách hàng.

Nhiều tình cảnh éo le khiến giao dịch bất động sản bị “đứt gánh giữa đường”, theo đó, môi giới bất động sản trắng tay không có tiền hoa hồng. Trong khi, trước đó môi giới phải bỏ chi phí để tìm kiếm khách hàng.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, nhà đầu tư không dám xuống tiền. Theo đó môi giới bất động sản cũng khó có giao dịch. Tuy nhiên, dù có giao dịch nhưng chưa đi đến bước cuối cùng cũng chưa thể “thở phào”.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, nhà đầu tư không dám xuống tiền.

Chia sẻ của anh K, môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, mới đây, anh có một giao dịch bị đổ vỡ, do người mua không thể xoay sở được tài chính kịp dù đã đến hạn giao dịch. Theo đó, giao dịch bị hủy nên anh không có tiền hoa hồng trong thương vụ này.

Căn chung cư anh rao bán vừa qua, rộng 82 m2, với giá 2,5 tỷ đồng, tương đương hơn 30 triệu đồng/m2, nằm tại địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội). Do hiện nay sức cầu chung cư cũ lớn nên anh nhanh chóng tìm được khách hàng là đôi vợ chồng trẻ, nhanh chóng hoàn thành bước đặt cọc với số tiền 50 triệu đồng và hẹn 1 tháng sau sẽ bàn giao nốt tiền, sang tên, anh K cho hay.

Anh K cho biết thêm: “Tuy nhiên, đến ngày giao dịch nhưng người mua vẫn chưa xoay sở được tài chính, do hiện nay khâu giải ngân của ngân hàng có lâu hơn trước. Người mua có nhờ tôi tác động với chủ nhà để kéo thêm thời gian giao dịch để chờ xoay sở tài chính. Tuy nhiên, chủ nhà đang cần tiền gấp, nên không đồng ý để lâu hơn, sau đó họ bán ngay cho một người khác”.

Đồng thời anh K chia sẻ thêm, khi nhận rao bán căn hộ, anh thương lượng với chủ nhà chi phí môi giới là 40 triệu đồng. Đến khi giao dịch “đứt gánh”, anh có trao đổi với chủ muốn hỗ trợ chi phí. Tuy nhiên, chủ nhà chỉ chấp nhận trả cho anh 10 triệu đồng, vì đã không hoàn thành được giao dịch.

Người môi giới này nói: “Thực tế, chung cư đang có tính thanh khoản tốt nhưng vẫn phải chạy quảng cáo để tìm kiếm khách hàng. Riêng căn hộ này tôi mất tới gần 8 triệu đồng để chạy quảng cáo trên mạng xã hội, nhưng tôi đã theo đuổi khách hàng tới gần 1 tháng, như vậy tính ra tôi được 2 triệu đồng tiền công, coi như trắng tay”.

Cùng chung tình cảnh giao dịch đổ vỡ như anh K, anh, môi giới bất động sản tại Hà Nội cho hay, thời gian gần đây, giá chung cư tại Hà Nội liên tục tăng mạnh, thấy bán hớ nên chủ nhà đã “quay xe”.

Anh H nói: “Căn chung cư tôi bán rộng 70 m2, với giá 1,9 tỷ đồng tại Mỹ Đình (Nam Từ Liêm). Thời điểm cuối tháng 8, người mua xuống tiền đặt cọc nhưng chủ nhà chỉ nhận 30 triệu đồng cọc và hẹn 1 tháng sau sẽ giao dịch và sang tên”.

Mặt khác, đến ngày hẹn giao dịch, chủ nhà đột ngột báo không bán với giá 1,9 tỷ đồng, với lý do chung cư tăng giá nhanh nếu mua phải 2,3 tỷ đồng mới bán, tức chênh với giá cũ là 400 triệu đồng.

Anh T cho hay: “Lúc này tôi mới hiểu lý do chủ nhà nhất quyết chỉ nhận cọc ít tiền vì còn xem xét tình hình giá cả thị trường. Nếu không bán thì họ chỉ phải bồi thường cọc với số tiền ít. Thực tế, trong một tháng qua giá chung cư tại Hà Nội cũng tăng hơn nhiều nhưng chưa nhanh tới mức giá mới mà chủ nhà đưa giá. Tuy nhiên, người mua có mức tài chính hạn chế nên không mua nổi với giá 2,3 tỷ đồng nên cũng chấp nhận đền cọc 60 triệu đồng của chủ nhà”.

Anh T cho biết, người mua yêu cầu nếu như tìm được căn hộ tương tự với mức giá dưới 2 tỷ đồng họ sẽ hỗ trợ anh 10 triệu đồng cho cả 2 lần. “Tôi cũng đã liên hệ nhiều anh em đồng nghiệp nhờ hỗ trợ những họ đều lắc đầu. Bây giờ tôi vẫn tìm kiếm thêm để có nhà bán cho người mua coi như bù lại thời gian chăm khách. Nhưng tôi cũng xác định là sẽ không được gì. Thật sự, ở khu vực này tìm được căn hộ dưới 2 tỷ đồng là điều rất khó trong thời điểm này”.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, căn hộ bình dân ngày càng hạn hẹp do giá trị đất ngày càng tăng cao, do đó, giá trị căn hộ tăng lên. Cùng đó, giá nguyên vật liệu xây dựng cũng đang tăng mạnh. Những yếu tố trên cộng với kỳ vọng về lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ làm cho giá trị của căn hộ tăng lên.

Về giải pháp, ông Đính cho rằng, để tăng cung cho phân khúc nhà ở giá thấp cần phải có sự "hợp lực" từ hai phía. Cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nhanh gọn về thủ tục hành chính. Việc tinh gọn quy trình sẽ giúp tiến độ nhanh và thuận lợi hơn để các dự án sớm được triển.