Phát biểu tại hội thảo, TS Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, trong quá trình xây dựng Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và hiện nay là Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật, Bộ TN&MT đã nhận được sự chung sức, chung lòng, chung ý chí, trí tuệ của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết với lĩnh vực môi trường. Từ đó, dự thảo Nghị định đã được xây dựng đúng với tinh thần của Luật, kết hợp cả khoa học và thực tiễn.
Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học đã được lắng nghe, cầu thị nghiên cứu và cụ thể hóa trong 13 chương 197 điều và các Phụ lục của Dự thảo Nghị định.
Góp ý cho Dự thảo Nghị định, đại diện các tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học đều ghi nhận sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo khi đã thể chế hóa cụ thể nhiều nội dung mới của Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Dự thảo Nghị định đã bám sát tinh thần của Luật, xác định rõ trách nhiệm quyền hạn của các tổ chức, cá nhân, đề cao vai trò của địa phương trong bảo vệ môi trường. Đồng thời, tập trung góp ý về bảo vệ môi trường nước, đất, không khí; cấp Giấy phép môi trường, cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, kinh tế tuần hoàn, xử lý chất thải rắn…
Nghị định này là cơ sở quan trọng để Luật Bảo vệ Môi trường 2020 chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2022 và được thực thi ngay vào cuộc sống. Đây là Nghị định có dung lượng lớn, đồ sộ, với nhiều vấn đề mới và khó, lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam.
Do đó, những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện các quy định của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Đảm bảo sớm đưa các quy định của Luật đi vào cuộc sống, phù hợp với tâm tư nguyện vọng và lợi ích của quần chúng nhân dân.
TS Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TN&MT. (Ảnh: Báo TN&MT)
Cần có hướng dẫn cụ thể về hệ thống thoát nước thải
GS.TS Nguyễn Việt Anh - Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng cho rằng, nên chỉnh sửa một số từ ngữ cho phù hợp. Cụ thể, tại Điều 59, Khoản 6 có câu “Hồ sự cố không bao gồm bể điều hòa và các công trình khác trong dây chuyền công nghệ xử lý nước thải”. Trên thực tế, công trình ứng phó sự cố sử dụng trong nhiều trường hợp, nó có thể là bể điều hòa 2 ngăn (ngăn sử dụng thường xuyên và ngăn ứng phó sự cố) được sử dụng nhiều ở các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, ở một số nước còn sử dụng hệ thống thoát nước chung thì trong dây chuyền công nghệ người ta có bố trí riêng bể tiếp nhận thì nó cũng nằm trong dây chuyền công nghệ. Do đó, có thể viết lại thành dây chuyền công nghệ hoạt động ở chế độ bình thường hoặc công trình hoạt động ở chế độ sự cố.
Không nên gọi công trình này là hồ sự cố, vì thực chất nó là công trình xây dựng đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật, nên giữ tên là công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố hoặc gọi là bể sự cố. Với nội dung “hồ sự cố kết hợp hồ sinh học” cần ghi rõ thành “hồ sự cố kết hợp hồ sinh học xử lý nước thải” để tránh nhầm lẫn với hồ điều hòa trong hệ thống thoát nước mưa.
Trong Điều 86 Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có yêu cầu đô thị, khu dân cư tập trung mới; cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, cụm công nghiệp phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa. Tuy nhiên, trong Dự thảo Nghị định không có hướng dẫn về xử lý nước thải đô thị. Trên thực tế, ở Việt Nam đang có nhiều khu vực sử dụng hệ thống thoát nước chung và có giếng tách nước mưa ở các sông, hồ và hồ tiếp nhận. Trong khi đó, chi phí xây dựng hệ thống thu gom nếu tách nước thải và nước mưa là tốn kém, cho nên tôi cho rằng việc thực thi điều này là khó cho các dự án thoát nước và xử lý nước thải trong thời gian tới. Nên quy định rõ khu vực nào có cống thu gom và nhà máy xử lý nước thải thì quy định riêng, còn công trình xử lý nước thải tại nguồn xử lý các cụm công nghiệp thì áp dụng cho những khu vực chưa có xử lý nước thải hoặc cống thu gom.
Điều 59 Dự thảo Nghị định có các quy định về tái sử dụng nước thải và khuyến khích việc tái sử dụng nước thải sau khi đã xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các mục tiêu cộng sinh công nghiệp giữa các cơ sở trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và các mục đích khác. Đây là điều rất tốt nhưng cần quy định rõ cơ quan nào sẽ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho việc tái sử dụng nước thải.
Chương VIII về quan trắc môi trường chủ yếu quy định rõ về điều kiện năng lực quan trắc và công bố thông tin, còn nội dung quan trắc còn ít. Tôi đề nghị cần nêu rõ hơn nội dung quan trắc để có thể dễ dàng áp dụng, đặc biệt là các nội dung như quan trắc liên tục, lấy mẫu, vận hành thử nghiệm.
Sắp xếp kế hoạch quản lý chất lượng không khí
PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, để bảo vệ các thành phần môi trường, Chương II của Dự thảo Nghị định quy định nội dung, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt và kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng không khí đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, cần sắp xếp lại trình tự của kế hoạch. Vì kế hoạch bao giờ cũng có đánh giá hiện trạng, dự báo, xác định các vấn đề cấp bách, quan điểm, mục tiêu, giải pháp thực hiện…
Dự thảo Nghị định quy định đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ giai đoạn tối thiểu 3 năm gần nhất; chất lượng không khí chúng ta đánh giá hiện trạng giai đoạn 5 năm gần nhất. Điều này chưa có sự nhất quán. Do vậy, tôi đề xuất chúng ta đánh giá hiện trạng và kế hoạch trong giai đoạn 5 năm.
Điều 59, Khoản 6, các hồ sự cố phải có tổng khả năng lưu chứa nước thải tối thiểu là 1 ngày, tính theo lưu lượng xả nước thải tối đa của dự án vì nó phụ thuộc. Tôi cho rằng không nên quy định tối thiểu 1 ngày vì nó phụ thuộc vào từng công nghệ khác nhau và sẽ khó khăn cho doanh nghiệp khi không có mặt bằng và với những doanh nghiệp có nguồn xả thải lớn. Bên cạnh đó, tôi cho rằng việc kết hợp thiết kế hồ sự cố với hồ sinh học là khó, cần xem xét lại.
Điều 62 khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư, tôi cho rằng việc xác định rất khó vì có nhiều nguồn thải ra ngoài không khí khác nhau. Do đó, tôi đề nghị xem xét lại cách xác định khoảng cách an toàn. Chúng ta có thể ấn định một khoảng cách nhất định trên cơ sở lý thuyết tính phát tán hơn là dựa vào kết quả đo mức độ ô nhiễm bên ngoài để đánh giá.
Từng bước chuyển sang người gây ô nhiễm phải trả tiền
TS Nguyễn Ngọc Lý - Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho biết, quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Mục 1, Chương VI, điều 69 có nội dung: Giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, UBND các cấp phải trả cho nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt và sau đó có đề ra các nguyên tắc định giá. Theo tôi, nếu chúng ta vẫn để chính quyền trả cho nhà đầu tư xử lý rác như hiện nay thì sẽ khó thực hiện việc người gây ô nhiễm phải trả tiền, và sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến chương EPR và tuần hoàn kinh tế. Tôi đề xuất không nên để chính quyền trả mà phải từng bước chuyển sang người gây ô nhiễm phải trả.
Về bảo vệ nguồn nước mặt (Mục 1, Chương II), cần đưa thêm định nghĩa về quản lý chất lượng môi trường nước mặt, làm rõ định định nghĩa môi trường nước mặt bao gồm những gì. Vì đây là khái niệm quan trọng, nếu không có định nghĩa thì mỗi người sẽ có cách hiểu khác nhau khi thực hiện. Thể hiện rõ hơn mục tiêu chính của kế hoạch quản lý chất lượng môi trường và quy mô của nó cho cả lưu vực hay chỉ sông, hồ.
Về đánh giá, dự báo xu hướng thay đổi chất lượng môi trường nước mặt; xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước mặt; xác định khu vực sinh thủy. Tôi cho rằng cần làm rõ khu vực sinh thủy là gì. Về ô nhiễm diện thì vấn đề lớn nhất hiện nay của ô nhiễm diện chính là rác thải, tôi đề xuất cân nhắc đưa thêm rác thải vào ô nhiễm diện. Đồng thời, khi xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước mặt phải đánh giá tổng lượng ô nhiễm để xác định khả năng chịu tải. Theo tôi, cần làm rõ khu vực nhất định cần đánh giá khả năng chịu tải hay cứ có thủy vịnh là chúng ta đánh giá khả năng chịu tải.
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, đến nay, Tổng cục đã xây dựng được 14 dự thảo Quy chuẩn của Việt Nam (QCVN). Trong đó, 5 dự thảo Quy chuẩn về chất lượng môi trường, gồm: Dự thảo QCVN về chất lượng môi trường không khí xung quanh; Dự thảo QCVN về chất lượng môi trường nước mặt; Dự thảo QCVN về chất lượng môi trường nước dưới đất; Dự thảo QCVN về chất lượng môi trường nước biển; Dự thảo QCVN về chất lượng môi trường đất. 3 QCVN về chất thải, gồm: Dự thảo QCVN về nước thải công nghiệp; Dự thảo QCVN về khí thải công nghiệp; Dự thảo QCVN về nước thải chăn nuôi. 6 QCVN về phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, đối với các đối tượng: Sắt, thép nhập khẩu; phế liệu nhựa nhập khẩu; phế liệu giấy nhập khẩu; phế liệu thủy tinh nhập khẩu; phế liệu kim loại màu nhập khẩu; phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu. Đến nay, Tổng cục đã gửi dự thảo 5 QCVN về chất lượng môi trường để xin ý kiến các Bộ, ngành và địa phương và đăng tải trên Công thông tin điện tử Chính phủ và Công thông tin điện tử của Bộ TN&MT. Tổng cục Môi trường đã tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các bên có liên quan để hoàn thiện 5 dự thảo QCVN. Đối với 03 dự thảo QCVN về chất thải, Tổng cục Môi trường đã hoàn thiện các dự thảo, dự kiến gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, và địa phương và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ trong tháng 5 năm 2021. Đối với dự thảo 6 QCVN về phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Tổng cục đã hoàn thiện các dự thảo và hồ sơ thẩm định. Bộ TN&MT đã gửi hồ sơ đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thẩm định đối với 6 QCVN này. Tổng cục Môi trường sẽ trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành trong tháng 6 năm 2021 sau khi nhận được văn bản thẩm định của Bộ KH&CN. |