Những gam màu tươi sáng trên thị trường bất động sản thời gian tới
Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam khi dự báo xu hướng phát triển bất động sản cho rằng, thời gian tới, phân khúc bất động sản nhà ở tiếp tục phát triển. Nhu cầu nhà ở trung bình và thấp, nhà ở công nhân tiếp tục là xu hướng chủ đạo của thị trường cùng với nhu cầu về không gian xung quanh, đa tiện ích, hạ tầng cơ sở đầy đủ. Mô hình bất động sản xanh, đa tiện ích, hạ tầng cơ sở đầy đủ.
Dự báo xu hướng phát triển bất động sản cho rằng, thời gian tới, phân khúc bất động sản nhà ở tiếp tục phát triển. (Ảnh minh họa)
Về mô hình bất động sản xanh, bất động sản sinh thái ở các khu vực ngoại ô thành phố sẽ thu hút nhà đầu tư vì vừa đáp ứng nhu cầu môi trường số trong lành, vừa đáp ứng xu hướng đầu tư căn nhà thứ hai của người dân đô thị.
Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam trình bày báo cáo tại đại hội. (Ảnh: Reatime)
Phân khúc bất động sản công nghiệp được dự báo tiếp tục phát triển, cùng đó phân khúc bất động sản văn phòng, bán lẻ và nghỉ dưỡng sẽ có nhiều thay đổi. Bất động sản du lịch sau khi hoàn thiện khung pháp lý sẽ có sự điều chỉnh theo hướng phát triển kinh doanh du lịch, ông Chiến cho hay.
Phân khúc bất động sản logistics trong tương lai theo hướng phát triển các dự án gần nguồn sản xuất, đa dạng hóa nguồn đầu vào, tăng tính tiện nghi, linh hoạt, ứng dụng công nghiệp lần thứ tư vào cấu trúc vận hành của các trung tâm logistics.
Những năm tới, nguồn cung mới tập trung ở các vùng lân cận ngoại ô của các thành phố lớn và lân cận các khu đô thị vệ tinh và bám bên các đường vành đai lớn của các đô thị. Ngoài ra, phân khúc bất động sản nông nghiệp, lâm nghiệp sinh thái phát triển khi có cơ chế chính sách hoàn thiện cho loại hình bất động sản này.
Có sự cân đối cung cầu các phân khúc bất động sản
Đề cấp đến định hướng, giải pháp về cơ cấu sản phẩm và nguồn cung để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Ông Chiến cho rằng, trước tiên về nhóm giải pháp phát triển cơ cấu và nguồn cung các phân khúc bất động sản, các địa phương cần xây dựng chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở phù hợp chiến lược phát triển nhà quốc gia ở 2030-2045, có sự cân đối cung cầu các phân khúc bất động sản; kế hoạch phát triển nhà ở là có sự cân đối cung – cầu trong các phân khúc bất động sản; quy hoạch, nguồn lực...
Nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội, cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về cách thức huy động các nguồn lực khác từ xã hội và có giải pháp hữu hiệu để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ phù hợp khả năng chi trả theo cơ chế thị trường.
Cùng với đó, cần tăng cường hỗ trợ, ưu đãi nhất định về đất đai, thuế và các chính sách ưu đãi khác về đầu tư nhà ở xã hội. Bố trí đầy đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị.
Đưa chỉ tiêu bắt buộc phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm của từng tỉnh, quốc gia như Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Với các địa phương rà soát đẩy mạnh thực hiện quỹ đất nhà ở xã hội trong dự án thương mại, khó khăn thì đề xuất từng dự án, phân loại. Đồng thời nghiên cứu bố trí khu nhà ở tập trung như TP.HCM, Hà Nội.
Đối với bất động sản công nghiệp cần chủ động về chính sách và tầm nhìn, phương thức quản lý và điều tiết thị trường bất động sản công nghiệp trước những cơ hội và thách thức mới.
Trong các phân khúc của thị trường bất động sản Việt Nam, bất động sản công nghiệp đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế và từ kết quả khảo sát, phân tích theo nghiên cứu của các chuyên gia, bất động sản công nghiệp còn nhiều dư địa phát triển.
Ông Chiến nói về bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, cho rằng, cần nhanh chóng ban hành chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng để huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Ông chiến cho hay: “Thị trường bất động sản đang nạp thêm nhiều loại hàng hóa được sử dụng đa công năng như Condotel, Shophouse, Resort Villa... Pháp luật chưa có quy định cụ thể về cơ chế quản lý, sử dụng đất vào mục đích hỗn hợp. Một số doanh nghiệp bất động sản du lịch có kiến nghị các Bộ, ngành nghiên cứu giải quyết vấn đề giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu… để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư dự án”.
Theo vị chuyên gia, bất động sản du lịch chịu sự điều tiết của ít nhất 5 luật (Đất đai, Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Du lịch), đây là sản phẩm đã hình thành trong thực tế nhưng chưa được pháp luật điều tiết chưa được định danh như sản phẩm condotel. Sản phẩm này chưa nằm trong quy hoạch phát triển tổng thể du lịch quốc gia; chưa được cấp giấy chứng nhận sở hữu sổ đỏ, sổ hồng; chưa theo kịp nhu cầu năng lực cạnh tranh quốc tế; chưa đồng bộ, thiếu nhất quán, đang là vấn đề tồn tại ảnh hưởng trực tiếp công tác quản lý nhà nước, kế hoạch kinh doanh của các nhà đầu tư; rủi ro cho các tổ chức tín dụng trong tài trợ vốn, nợ xấu; do đó cần được Chính phủ, cơ quan chức năng quan tâm tháo gỡ.
Nói về bất động sản nông nghiệp, bất động sản lâm nghiệp: giải pháp cơ bản nhất là phải sửa đổi Luật Đất đai 2013 để giải quyết bài toán tập trung hay tích tụ đất đai dựa trên mối liên kết doanh nghiệp – nông dân hoặc liên kết cộng đồng nông dân. Mối liên kết tạo nên sức mạnh về cả đất đai quy mô lớn và nâng cao năng lực tài chính để đầu tư dài hạn và có chiều sâu công nghệ. Tương lai cần xem xét luật tích tụ đất đai, giải quyết bài toán lao động việc làm, xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư.
Nguồn: Kinh tế môi trường