Vương Liễu ·
3 năm trước
 1405

Chuyện ở Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: Một dự án 'chết yểu' đang đứng trước nguy cơ bị khởi tố

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang giải quyết nguồn tin về tội phạm của Kiểm toán Nhà nước về việc làm rõ sai phạm, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan hoạt động xây dựng, quản lý và sử dụng vốn đầu tư dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.

“Đầm lầy” dưới thời Chủ tịch Nguyễn Quốc Tuấn

Được biết, dự án nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám Ninh Bình (gói thầu EPC) công suất 1.760 tấn ure/ngày được đầu tư theo Quyết định số 968/QĐ-HĐQT ngày 29/8/2005 của HĐQT Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (nay là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem), đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Nhà máy đạm Ninh Bình (Ban QLDA), Tổng công ty Thiết kế và Thầu khoán Hoàn Cầu – HQCEC (Trung Quốc) là nhà thầu thực hiện dự án.

Dự án nhằm cung cấp phân đạm cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc, thay thế phân đạm nhập khẩu, tạo sự ổn định về nguồn cung cấp dài hạn và giá cả cho ngành nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, sử dụng có hiệu quả nguyền tài nguyên trong nước (than mỏ).

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình được xem là một công trình trọng điểm của ngành hóa chất Việt Nam. 

Theo Quyết định phê duyệt Báo cáo NCKT số 968/QĐ-HĐQT ngày 29/8/2005, thời gian xây dựng, đưa nhà máy vào hoạt động là 36 tháng. Theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi số 555/QĐ-HĐQT ngày 25/11/2006, thời gian xây dựng, đưa nhà máy vào hoạt động 42 tháng (bao gồm cả 3 tháng trợ giúp vận hành). Dự án có tổng mức đầu tư 667.046.503 USD tương đương 10.806.153.350.000 đồng.

Thế nhưng trên thực tế, ngày khởi công dự án (gói thầu EPC) là 10/5/2008, đến ngày 24/9/2012, nhà thầu bàn giao quyền điều hành nhà máy cho Ban QLDA. Ngày 15/10/2012, Ban QLDA bàn giao nguyên trạng nhà máy cho Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình để đưa vào vận hành khai thác thương mại. Ban QLDA đề nghị quyết toán 12.431.696.000.000 đồng.

Báo cáo kiểm toán ngày 3/12/2019 của Kiểm toán Nhà nước đã xác định trong quá trình đầu tư, thực hiện dự án có rất nhiều sai phạm nghiêm trọng trong tất cả các khâu thẩm định, đàm phán và ký hợp đồng; triển khai, đầu tư, thi công; huy động, thu xếp vốn cho dự án; công tác quản lý sử dụng vốn đầu tư; bàn giao/vận chuyển, vận hành, khai thác, thanh quyết toán; hậu quả dự án chậm tiến độ 729 ngày; công suất nhà máy không đạt theo thiết kế; kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy từ khi đưa vào hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, thời gian dừng, nghỉ máy để khắc phục sự cố, hỏng hóc nhiều lần. Lỗ lũy kế của nhà máy đến ngày 31/12/2018 là 4.9946,94 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 2.633.211 triệu đồng. Như vậy, rõ ràng kết quả đạt được đều đi ngược lại so với mục tiêu ban đầu.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Luật sư Đặng Xuân Cường - Trưởng Ban hình sự TAT Law Firm cho rằng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam do Nhà nước làm chủ sở hữu, với vai trò chủ đầu tư vào dự án và để xảy ra thiệt hại mà chính đại diện của Vinachem cũng từng phải lên tiếng rằng, nếu cứ tiếp tục sẽ làm ảnh hưởng tới chính Vinachem, đủ để thấy những hệ lụy nặng nề kéo theo sau đó.

Luật sư Đặng Xuân Cường - Trưởng Ban hình sự TAT Law Firm

Ngoài mục tiêu ban đầu đề ra, việc đầu tư thực hiện dự án mang tính chất công như dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình còn được kỳ vọng đem lại lợi nhuận cho chủ đầu tư, góp phần tăng cường mức độ uy tín của Nhà nước đối với người dân. Do đó, việc để dự án thua lỗ kéo dài dẫn tới rất nhiều hệ lụy như không đủ sức cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập về giá, không tận dụng được nguồn tài nguyên sẵn có của quốc gia, việc nhà máy không hoạt động như công suất thiết kế là một sự lãng phí.

“Hơn nữa, việc thua lỗ kéo dài dẫn tới khó khăn về tài chính cho dự án, việc chậm trả lãi vay cùng khả năng khó thanh toán nợ gốc đúng hạn, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Vinachem trong việc huy động vốn từ những tổ chức tín dụng trong và ngoài nước cho các dự án tiếp theo. Nghiêm trọng hơn cả là việc ảnh hưởng tới ngân sách mà Nhà nước đã đầu tư, khó thu hoàn được vốn chứ chưa nói tới lợi nhuận đã kỳ vọng, đồng thời gây ảnh hưởng tới hình ảnh và uy tín của Nhà nước đối với nhân dân trong việc đầu tư thực hiện các dự án công”, Luật sư Đặng Xuân Cường

Đáng chú ý, dù Khoản 20, Điều 4, Điều kiện riêng Hợp đồng EPC, chủ đầu tư có trách nhiệm cấp 120.000 tấn than để phục vụ cho quá trình chạy thử bằng chi phí của chủ đầu tư trước khi nghiệm thu, bàn giao nhà máy. Tuy nhiên, thực tế Ban QLDA Nhà máy Đạm Ninh Bình và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã cấp, sử dụng vượt ngoài Hợp đồng EPC 251.469,37 tấn than. Kiểm toán Nhà nước xác định có sai phạm và trách nhiệm của Ban QLDA Nhà máy Đạm Ninh Bình và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đối với hoạt động chạy thử (việc cấp, quản lý, sử dụng 120.000 tấn than chạy thử theo Hợp đồng EPC và việc cấp, quản lý, sử dụng 251.469,37 tấn than chạy thử vượt ngoài Hợp đồng EPC).

Đối với việc cấp, quản lý, sử dụng 120.000 tấn than chạy thử theo Hợp đồng EPC, “Ban QLDA chưa thể hiện trách nhiệm giám sát việc sử dụng than dùng chạy thử của Nhà thầu EPC để đảm bảo việc sử dụng than đúng mục đích và đảm bảo tính kinh tế theo quy định của Hợp đồng EPC… Sản phẩm than mịn thu được sau quá trình chạy thử đơn động máy nghiền than CMD là 16.619 tấn than cám 4A không được Ban QLDA theo dõi, trên hệ thống báo cáo tài chính không thể hiện khoản doanh thu từ việc bán sản phẩm này, chủ đầu tư chưa có giải trình đối với nội dung này, vì vậy số tiền bán than chưa được xác minh, có dấu hiệu bảo ngoài sổ sách kế toán”, Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cho biết.

Đối với việc cấp, quản lý, sử dụng 251.469,37 tấn than chạy thử vượt ngoài Hợp đồng EPC, Kiểm toán Nhà nước xác định: “Ban QLDA cấp cho Nhà thầu EPC khối lượng than phục vụ chạy thử vượt so với quy định của Hợp đồng là không đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và Hợp đồng… Số than vượt so với Hợp đồng EPC đã ký gây ra rủi ro hiện hữu thiệt hại kinh phí của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khoảng 661,319 tỉ đồng”…

Theo tìm hiểu, Quyết định số 362/QĐ-HCVN ngày 18/10/2011 phê duyệt kế hoạch tạm thời chạy máy với các mốc thời gian hoàn thành của các hạng mục công trình từ ngày 31/8/2011 đến ngày 25/3/2012 do ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ký. Trước đó, ngày 24/2/2011, ông Nguyễn Quốc Tuấn cũng ký văn bản số 77/QĐ-HCVN ngày 13/3/2011, ủy quyền cho Giám đốc Ban QLDA ký Hợp đồng mua than với Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) mua 120.000 tấn than phục vụ công tác chạy thử và giao Tổng Giám đốc Tập đoàn, Giám đốc Ban QLDA – Ông Chu Văn Tuấn chịu trách nhiệm thi hành. 

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

Theo đó kết quả điều tra xác minh của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, các văn bản liên quan sự việc từ 5/2012 - 6/2012 được ông Ngô Mạnh Hoài – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ký thay cho Tổng Giám đốc Tập đoàn; Từ 28/5/2012, ông Nguyễn Anh Dũng ký các văn bản thuộc thẩm quyền Chủ tịch HĐTV; Từ 12/9/2012, ông Nguyễn Đình Khang – Tổng Giám đốc tham gia ký các văn bản thuộc thẩm quyền. 

Có nhiều dấu hiệu của tội phạm, bị kiến nghị khởi tố

Với hàng loạt sai phạm nêu tại Báo cáo kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị khởi tố đối với dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham những, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang giải quyết nguồn tin về tội phạm của Kiểm toán Nhà nước về làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các nhân, tổ chức liên quan hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình nêu tại Báo cáo kiểm toán ngày 3/12/2019 của Kiểm toán Nhà nước. Được biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã có được những kết quả điều tra xác minh ban đầu.

Để có căn cứ xác định trách nhiệm, sai phạm của các tập thể, cá nhân liên quan và làm rõ hậu quả thiệt hại phục vụ yêu cầu giải quyết kiến nghị khởi tố, ngày 24/9/2020, Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có văn bản số 3640/CSKT-P10 đề nghị Bộ Tài chính cử Giám định viên tiến hành giám định theo các nội dung yêu cầu kèm theo.

Đạm Ninh Bình cũng là dự án thua lỗ tiêu biểu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

Đánh giá về mức độ nghiêm trọng của vụ việc, Luật sư Đặng Xuân Cường - Trưởng Ban hình sự TAT Law Firm nhận định, bản chất vụ việc tương tự các vụ đại án vừa được xét xử trong thời gian vừa qua, đơn cử như dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên - đều là những dự án trọng điểm của Nhà nước, được Nhân dân đặc biệt quan tâm, sử dụng nguồn vốn ngân sách,…

“Tôi cho rằng ngoài thiệt hại về vật chất đã có trong kết luận của Kiểm toán Nhà nước thì hình ảnh của quốc gia, ngoài ra còn cho thấy phần nào đó trong việc giám sát, kiểm tra và quản lý chưa chặt chẽ của một bộ phận cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tinh thần trách nhiệm chưa được đề cao và xuyên suốt trong việc quản lý các dự án công”, Luật sư Đặng Xuân Cường nói.

Đồng thời, Luật sư Cường cũng cho rằng, không sai khi nói việc để xảy ra các sai phạm mà Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra, trách nhiệm liên quan phải kể đến Ban QLDA, chủ đầu tư, nhà thầu thi công. Từ việc chọn nhà thầu có năng lực, thương thảo ký kết hợp đồng, đến quản lý giám sát việc thực hiện hợp đồng…, nếu tất cả các giai đoạn đều được đảm bảo diễn ra theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật, những sai phạm sẽ không xảy ra hoặc có thể hạn chế được sai phạm.

Chia sẻ với phóng viên, một luật sư khác cho biết, trường hợp kết quả giám định cho thấy có những hành vi vi phạm và hành vi vi phạm đó dẫn tới những thiệt hại, thì cơ quan cảnh sát điều tra sẽ hoàn tất kết luận điều tra và chuyển sang Viện kiểm sát nhân dân để truy tố, sau đó chuyển sang Tòa án nhân dân cùng cấp để xét xử theo luật định.

“Với kinh nghiệm cá nhân của mình, tôi nhận thấy đã có nhiều dấu hiệu của tội phạm và cần thiết phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên can để tiếp tục điều tra và xử lý. Cá nhân nào bị khởi tố và hành vi phạm tội cụ thể thì phải căn cứ vào kết luận điều tra, nên chưa thể kết luận ở thời điểm này”, vị luật sư nói.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2020 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, nửa đầu năm, Vinachem báo lỗ gần 860 tỉ đồng. Theo đó, lỗ lũy kế tăng lên mức gần 3.965 tỉ đồng. Trong đó, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình không có khả năng thanh toán đầy đủ toàn bộ các khoản nợ vay và lãi vay đến hạn. Đồng thời, đơn vị này cũng chưa xử lý hết tồn đọng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công Thương.

Cân đối kế toán của Vinachem tại ngày 30/6/2020. Đơn vị: Tỉ đồng

Ngoài ra, tại thời điểm 30/6/2020, Báo cáo tài chính giữa niên độ của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình phản ánh nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn, lỗ lũy kế âm vốn chủ sở hữu. Đây là một trong những sự kiện khiến đơn vị kiểm toán nhận thấy sự tồn tại của những yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến khả năng hoạt động liên tục của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.

Tại đây, đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh, một số khoản vay Ngân hàng của Vinachem đã quá hạn thanh toán. Trong đó, số dư nợ gốc quá hạn hơn 1,064 tỉ đồng và lãi quá hạn, lãi phạt chậm nộp tương ứng gần 609 tỉ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1,760 tấn ure/ngày (560,000 tấn ure/năm) đã tạm bàn giao cho Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình quản lý, vận hành từ năm 2012 nhưng chưa được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành.

Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2020 cho thấy, hiện ông Nguyễn Phú Cường đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam, ghế Tổng Giám đốc do ông Phùng Quang Hiệp đảm nhiệm.

Nguồn