Hoài Thu ·
2 năm trước
 14033

Có bất thường trong kiểu gọi vốn của Công ty bất động sản Nhật Nam?

Với mức lãi suất “trên trời”, thậm chí được tặng thêm cả bất động sản khi tham gia đầu tư, Công ty cổ phần đầu tư - thương mại bất động sản Nhật Nam đang khiến nhiều người bất ngờ trong cách gọi vốn.

Đầu tư thu lãi “khủng”

Bất động sản Nhật Nam được thành lập vào đầu tháng 7/2019 với hoạt động kinh doanh chính nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động. Vốn điều lệ đăng ký ban đầu ở mức 50 tỉ đồng do bà Vũ Thị Thúy sở hữu. Nữ doanh nhân này sinh năm 1983 có hộ khẩu thường trú ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Theo quảng cáo trên trang web của công ty, người đầu tư có thể gửi vào Nhật Nam tối thiểu 20 triệu đồng, tối đa 5 tỉ đồng, lãi suất được nhận theo ngày. Cụ thể, nếu đầu tư gói 20 triệu đồng, mỗi ngày, người đầu tư sẽ được phân phối lợi nhuận 60.000 đồng, mỗi tuần được 300.000 đồng (5 ngày làm việc, trừ thứ 7 và chủ nhật), sau 24 tháng sẽ nhận được lợi nhuận 28,8 triệu đồng.

Các gói đầu tư khi mua bất động sản có thời hạn hợp đồng 24 tháng.

Ngoài ra, Nhật Nam còn tặng cho người đầu tư 1 voucher trị giá đúng bằng số tiền gốc dùng mua bất động sản của công ty (20 triệu đồng), nghĩa là chỉ đầu tư 20 triệu đồng, sau 24 tháng sẽ nhận được 48,8 triệu đồng. Đối với gói 5 tỉ đồng, lợi nhuận mỗi ngày được 15 triệu đồng, mỗi tuần là 75 triệu đồng, sau 24 tháng sẽ nhận được lợi nhuận là 7,2 tỉ đồng và được tặng 1 voucher tương ứng dùng mua bất động sản của công ty. Đối với mức đầu tư 50 triệu đồng, cả gốc và lãi mỗi ngày nhà đầu tư nhận được là 175.000 đồng, sau 24 tháng là 84 triệu đồng. Tính ra mức lãi suất mà Bất động sản Nhật Nam trả cho nhà đầu tư cao hơn 34%/năm. Đây là chiêu đòn bẩy kích thích kinh tế để “hút” người đầu tư. người đầu tư càng bỏ tiền vào nhiều thì càng nhận được số tiền thưởng lớn.

Thông tin quảng cáo chính thức trên website của công ty này cũng cho biết, đây là “một doanh nghiệp tuy mới thành lập nhưng có ban lãnh đạo và đội ngũ nhiều kinh nghiệm. Với gói đầu tư an toàn, lãi suất cực kỳ hấp dẫn, nhận lợi nhuận mỗi ngày về tài khoản ngân hàng”. Đến với Nhật Nam là khách hàng có cơ hội “làm giàu nhanh chóng, tăng giá trị tài sản trong tương lai”…

Nhật Nam cũng liên tục khẳng định không hoạt động lừa đảo như Alibaba, không bán đất nền nông nghiệp khi chưa tách sổ riêng mà tất cả các nền đã có sổ riêng sẵn và không triển khai cơ chế thanh toán theo đợt như các công ty khác. người đầu tư có thể tùy ý rút vốn nếu không muốn tiếp tục tham gia.

Tuy nhiên, thực tế, theo hợp đồng ký kết, bên A (Nhật Nam) được toàn quyền sử dụng vốn của bên B (Nhà đầu tư - người đầu tư) trong kinh doanh thương mại, tài chính và bất động sản. Người đầu tư có quyền chuyển nhượng hợp đồng cho bên thứ 3 với điều kiện phải mất 10% phí chuyển nhượng (điều 6.3). Người đầu tư cũng có thể rút vốn trước thời hạn (trước 24 tháng) nhưng phải chịu mất phí 30% và hoàn trả lại số tiền lãi do bên chi trả (điều 7 và 7.3). Hợp đồng cũng quy định rõ, bên A được toàn quyền sử dụng vốn của bên B, bên B không được can thiệp vào quá trình kinh doanh của bên A nhưng sẵn sàng và tự nguyện chia sẻ với bên A những thiệt hại có thể xảy ra việc đầu tư kinh doanh gặp biến động tiêu cực từ thị trường bất động sản, thị trường tài chính và sự kiện bất khả kháng (điều 9.8 – Quyền và nghĩa vụ của bên B).

Nhiều bất động sản là... đất trồng lúa?

Trên một số phương tiện truyền thông có đưa, chia sẻ tại cuộc họp cổ đông ngày 11 - 12/1/2020, bà Vũ Thị Thúy cho biết, công ty không có dự án, mà chỉ toàn bất động sản đã có sổ đỏ. Cụ thể, có 23.000 m2 đất tại Buôn Đôn, Đắk Lăk đã ra 41 sổ đỏ; sở hữu 70.000 m2 đất đã có sổ tại Phú Quốc; 35 lô đã có sổ đỏ - mỗi sổ trị giá 6,7 tỉ đồng/lô diện tích 300 m2 tại Bãi Trường, Dương Đông, Phú Quốc; có 120.000 m2 đất tại Bến Cầu, Tây Ninh; 20 lô đất đã có sổ tại Mỹ Đức, Hà Nội.

Tuy nhiên, theo điều ra của báo Lao Động, quỹ đất được nằm tại xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, nơi mà theo Nhật Nam thì công ty này sở hữu 3 thửa đất với tổng diện tích gần 15.000 m2.

Thửa đất số 563, một trong số 3 thửa đất nói trên, có diện tích 4.189,6 m2, mục đích sử dụng là “Đất trồng lúa nước còn lại”, thời hạn sử dụng đến ngày 1/7/2064. Đại diện UBND xã Long Vĩnh cho biết thửa đất này trước đây thuộc quyền sử dụng của một người dân ở huyện Hoà Thành (Tây Ninh). Người dân mua thửa đất trên với mục đích khai thác đất phục vụ làm lò gạch, tuy vậy sau đó không xin được giấy phép nên đã chuyển nhượng lại cho một người tại TP.HCM có tên Mai Thanh Tùng. Hiện tại, theo người dân địa phương, thửa đất bỏ hoang hoá đã lâu, một số cây tràm mọc dại chứ không phải trồng để thu hoạch.

Tương tự, hai thửa đất còn lại của Nhật Nam tại đây, gồm thửa đất 566 và 567 cũng nằm ngay gần đó, có thời hạn sử dụng đến năm 2066. Do là đất trồng lúa nước nên xung quanh đều là ruộng của người dân và đất sình lầy. Đầu ngõ dẫn vào 3 thửa đất này có nghĩa địa của người dân địa phương. Hai thửa đất này cũng đều đứng tên cá nhân chứ không phải đứng tên của Công ty Nhật Nam.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ThS.LS Hà Huy Phong, Trưởng ban Pháp chế TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Giám đốc điều hành hãng luật Inteco cho biết: Hiện nay nở rộ nhiều hoạt động huy động vốn với danh nghĩa để đầu tư vào các dự án bất động sản, thu hút rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, các hoạt động huy động vốn như vậy rất ảo và tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Đã xuất hiện những trường hợp lừa đảm để chiếm dụng vốn hoặc chiếm đoạt tài sản.

ThS.LS Hà Huy Phong, Trưởng ban Pháp chế TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Giám đốc điều hành hãng luật Inteco.

Luật Kinh doanh bất động sản quy định rõ việc “Huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết” là hành vi bị cấm. Đối với dự án nhà ở thương mại, điều kiện huy động vốn được quy định khá chặt chẽ tại Điều 69, Nghị định 99/2015.

Đối với hoạt động ủy thác đầu tư, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà chỉ một số tổ chức được cấp phép mới được phép thực hiện. Doanh nghiệp thông thường nhận ủy thác đầu tư sẽ bị coi là trái phép.

Trên phương diện pháp lý, hầu hết các hoạt động huy động vốn như báo chí đề cập thời gian vừa qua đều không đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Rủi ro với nhà đầu tư không chỉ là rủi ro về mặt pháp lý, mà còn rủi ro về nguy cơ bị lừa đảm chiếm đoạt tài sản. Có một số rất ít nhà đầu tư tham gia ở giai đoạn mồi nhử có thể thu hồi tiền đầu tư và tiền lãi như cam kết, nhưng hầu hết các nhà đầu tư ở giai đoạn sau sẽ bị mất trắng.

Kinh doanh thì phải chấp nhận có rủi ro, và ở đâu có rủi ro thì ở đấy có lợi nhuận, nhưng rủi ro đó phải là rủi ro có tính thương mại, chứ không phải là rủi ro từ các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. Những mức lợi nhuận khủng chỉ có thể tồn tại ở các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, mà ít khi tồn tại ở các dự án nghiêm túc. Do đó, nhà đầu tư nên cảnh giác cao độ, và chủ động tránh xa các hoạt động huy động vốn có tính bầy đàn.

Công ty Bất động sản Nhật Nam được thành lập vào đầu tháng 7/2019 với hoạt động kinh doanh chính nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động. Vốn điều lệ đăng ký ban đầu ở mức 50 tỉ đồng.

Cuối tháng 8/2019, công ty tăng vốn điều lệ đăng ký lên mức 200 tỉ đồng. Trong đó, ngoài việc bà Thúy đăng ký góp thêm 50 tỉ đồng thì 2 cổ đông cá nhân khác mỗi người góp 50 tỉ đồng là Mai Thanh Tùng và Vũ Đức Tại. Được biết, bà Thúy và ông Tùng trong thời gian này đã cầm cố 1 chiếc xe ô tô nhãn hiệu MERCEDES-BENZ để vay vốn tại Ngân hàng VPBank. Kể từ đó, ngành nghề kinh doanh chính của Bất động sản Nhật Nam được đổi thành kinh doanh bất động sản.

Đồng thời, Công ty cũng mở ra một loạt văn phòng ở các tỉnh Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, TP.HCM, Thanh Hóa, Phú Quốc (Kiên Giang)...

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/co-bat-thuong-trong-kieu-goi-von-cua-cong-ty-bat-dong-san-nhat-nam-54362.html