Bích Ngọc ·
1 năm trước
 1333

Có khả năng NHNN nới thêm room tín dụng hay không?

Theo chuyên gia dự báo, sẽ tương đối khó xảy ra khả năng NHNN nới thêm room tín dụng. Việt Nam đang lựa chọn giữ trần tín dụng, bảo vệ mục tiêu ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát.

Trong bối cảnh các kênh dẫn vốn đều bị ngưng trệ, thị trường và doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng khát vốn, nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện tại nhiều đề xuất về việc nới room (hạn mức) tín dụng đã được đưa ra.  

Mới đây, để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bất động sản, TP HCM kiến nghị Chính phủ xem xét nới room tín dụng thêm 2%.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ cũng được Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đề nghị xem xét nới trần tín dụng thêm khoảng 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 - 200.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, nếu NHNN nới room tín dụng thêm 1-2% thì sẽ có thêm khoảng 200.000 tỷ đồng được bổ sung vào nền kinh tế để giải 'cơn khát vốn' của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản. Trong đó, các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, nhà đầu tư và người mua nhà đều mong muốn tiếp tục được vay tín dụng dù phải chịu lãi suất vay cao hơn trước.

Về khả năng NHNN nới thêm room tín dụng, theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với nền tảng vĩ mô hiện nay, điều này sẽ khó xảy ra, trừ khi lạm phát vẫn được giữ ở mức thấp. Bên cạnh đó, NHNN cũng có đủ nguồn dự trữ ngoại hối và công cụ để ổn định tỷ giá.

Ông Trần Toàn Thắng cho biết, mục tiêu kiểm soát cung tiền, bảo vệ giá trị đồng nội tệ và đảm bảo ổn định tỷ giá, qua đó hạn chế các tác động từ lạm phát toàn cầu sẽ giới hạn khả năng nới trần tín dụng.

Áp lực với Việt Nam là rất lớn trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng rất cao, doanh nghiệp trong nước chủ yếu nhập siêu, do đó áp lực nhập khẩu lạm phát rất lớn. Bên cạnh đó, nếu để đồng tiền Việt Nam mất giá lớn sẽ tác động tiêu cực đến nhập khẩu, tác động đến mặt bằng giá trong nước. Do vậy, điều hành chính sách tiền tệ sẽ nghiêng theo giữ ổn định tỷ giá.

Khi Fed tăng nhanh, mạnh lãi suất với tốc độ tăng cao nhất trong vòng 40 năm đã dẫn đến tỷ giá toàn cầu xáo trộn, để đảm bảo tỷ giá đồng tiền không mất giá quá lớn buộc một loạt ngân hàng trung ương thế giới tăng lãi suất. Nước ta không thể cùng lúc ổn định lãi suất, tỷ giá và gia tăng tín dụng.

Theo giả định nếu NHNN nới thêm 1% hạn mức tín dụng lên mức 15% trong năm 2022, sẽ có khoảng trên 104.500 tỷ đồng vốn tín dụng được đưa vào nền kinh tế (tương đương 1,2% GDP năm 2021). Tác động có thể làm tỷ giá USD/VND gia tăng. 

Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, việc nới room không còn nhiều ý nghĩa trong thời điểm này. Từ nay đến cuối năm dư địa tín dụng vẫn còn khoảng 2%, tương đương còn hơn 230.000 tỷ đồng sẽ được bơm ra nền kinh tế. Do vậy, đưa dòng vốn này đến đúng địa chỉ là điều quan trọng

T.S Võ Trí Thành cũng nhấn mạnh, con số tăng trưởng tín dụng 14% năm nay là hợp lý và có thể xem xét mức tương đương trong năm 2023. Theo ông, dư địa chính sách tiền tệ rất hạn hẹp khi phải xử lý cùng lúc nhiều vấn đề ổn định vĩ mô, an toàn hệ thống. Việc thận trọng giữ room tín dụng ở mức 14% là phù hợp do NHNN phải cân đối các yếu tố trên. Đến khi hệ thống ngân hàng và các công cụ tiền tệ tốt hơn, biện pháp áp trần tín dụng có thể xem xét bỏ. 

Được biết, trong đợt cấp room tín dụng đầu tháng 9, quy mô tín dụng trong tháng 9 so với tháng 8 đã tăng 112.006 tỷ đồng. So với đầu năm, tăng trưởng tín dụng cải thiện từ mức 10% vào cuối tháng 8 lên 11% vào cuối tháng 9.

Tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 16,9% tính đến cuối tháng 9/2022, cao hơn mục tiêu 14% NHNN.

Theo báo cáo mới đây của nhóm phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), nhằm có thể kịp thời giải quyết các vấn đề về thanh khoản cho doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại NHNN sẽ sớm công bố hạn mức tín dụng mới cho các ngân hàng.

Tuy vậy, lưu ý rằng việc bổ sung thêm hạn mức tín dụng sẽ chỉ giải quyết một phần nhỏ vấn đề ở thời điểm hiện tại, đến từ một số yếu tố sau:

Thứ nhất, theo thông tin từ NHNN, 13% là hạn mức tín dụng đã được phân bổ cho các ngân hàng thương mại (NHTM) và so với đầu năm tăng trưởng tín dụng đến nay mới đạt 11,5%. Vì vậy, dư địa để các NHTM cấp tín dụng tại thời điểm hiện tại là có, thế nhưng vấn đề phần nhiều đến từ các tiêu chí cho việc giải ngân cho vay có được nới ra không.

Thứ hai, đối với NHNN hạn mức được phân bổ với tỷ lệ về các NHTM như thế nào cũng là một vấn đề khó khăn. Thông thường, nếu tỷ trọng nghiêng nhiều về các tổ chức tín dụng có hệ số an toàn cao thì đây sẽ là những ngân hàng thận trọng và không gặp nhiều vấn đề cho thanh khoản thắt chặt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp gây ra.

Ngoài ra, chưa có nhiều cải thiện về chênh lệch huy động vốn – tín dụng do đó việc nới trần tín dụng phù hợp hơn để gia hạn khoản vay cũ, thay vì dành cho các khoản vay mới.