Như Loan ·
3 năm trước
 3480

Có nên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người mắc bệnh tim mạch?

Người mắc bệnh tim mạch có nên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 không? Cần lưu ý những gì?

TS. BS Phạm Như Hùng - Tổng thư ký Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam cho biết người có bệnh lý tim mạch nên được tiêm sớm vắc-xin phòng Covid-19.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những bệnh nhân tim mạch có nguy cơ tăng biến chứng do Covid-19, đặc biệt những bệnh nhân này lượng vi-rút vào phổi và tim nhiều hơn so với bệnh nhân không có bệnh tim mạch. Đó là lí do những người có bệnh nền tim mạch thường bị nặng hơn và khả năng tử vong cao hơn các bệnh nhân nhiễm Covid-19 khác. Cách duy nhất để ngăn ngừa điều này là tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Vắc-xin Covid-19 không ngăn ngừa bệnh nhân tim mạch hoàn toàn khỏi nguy cơ mắc Covid-19, nhưng nó làm giảm đi các biến chứng nặng cho bệnh nhân tim mạch, làm cho bệnh nhân tim mạch ít bị tử vong hơn và tỉ lệ nhập viện cũng giảm hơn hẳn so với người không tiêm vắc-xin.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thái, Viện Tim Mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết hiện không có bằng chứng nào cho thấy bệnh tim mạch chống chỉ định đối với vắc-xin Covid-19.

bệnh tim mạch

TS. BS Phạm Như Hùng - Tổng thư ký Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam cho biết người có bệnh lý tim mạch nên được tiêm sớm vắc-xin phòng Covid-19.

Người mắc bệnh tim mạch khi tiêm vắc-xin cần lưu ý tới các vấn đề sau:

- Khai báo về tình trạng bệnh tim mạch kèm theo những bệnh lý khác nếu đang mắc phải trước khi tiêm. Bệnh nhân tim mạch nên lưu ý với các cơ sở tiêm chủng là mình có bị dị ứng nặng hay không, với những trường hợp dễ bị dị ứng cần cẩn trọng và khám sàng lọc kĩ trước khi tiêm để bác sĩ kết luận có được tiêm hay không. Ngoài ra, cần thông báo với cán bộ y tế về các thuốc đang sử dụng.

- Không dừng bất cứ các thuốc tim mạch nào trước và sau khi tiêm vắc-xin Covid-19. Một số bệnh nhân có thể tụ máu nhỏ ở chỗ tiêm khi dùng các thuốc chống đông, các bệnh nhân không cần ngừng các thuốc chống đông. 

- Khi đi tiêm cần tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ y tế về các nguyên tắc theo dõi, báo cáo và xử trí.

- Ngoài những tác dụng phụ thường gặp như đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ hoặc ớn lạnh, có thể có sốt tương tự như bị cúm, cánh tay nơi tiêm có thể cứng và đau nhức,… Khi tiêm liều thứ 2 của vắc-xin, bệnh nhân mắc bệnh nền tim mạch nặng có thể sẽ có cảm giác khó thở khi gắng sức và có thể thấy sốt nhẹ như cúm. Tuy nhiên, những tác dụng phụ này thường chỉ kéo dài 1-2 ngày.

Đa phần các bệnh nhân tim mạch là người lớn tuổi. Các dữ liệu lâm sàng cho thấy tất cả các vắc-xin đều có lợi khi tiêm cho người lớn tuổi. Hiện nay cũng không có bằng chứng nào cho thấy bệnh tim mạch chống chỉ định đối với vắc-xin Covid-19. Các bệnh nhân tim mạch hoàn toàn có thể yên tâm tiêm vắc-xin Covid-19 khi đã thăm khám sàng lọc kĩ lưỡng trước tiêm chủng.

Nguồn