Bích Ngọc ·
2 năm trước
 6974

Cổ phiếu FLC đứng trước nguy cơ bị đình chỉ giao dịch

Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa có công văn gửi Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) về khả năng cổ phiếu của doanh nghiệp này bị đình chỉ giao dịch.

Ngày 16/8, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã có công văn gửi Công ty CP Tập đoàn FLC (mã CK: FLC) cho biết, đến ngày 15/8, doanh nghiệp này vẫn chưa tổ chức Đại hội cổ đông thường niên (quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 31/12/2021); chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm nay.

Trước đó, ngày 11/7, HoSE đã đưa cổ phiếu FLC vào diện cảnh báo vì chưa họp đại hội đồng cổ đông thường niên, quá thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 31/12/2021; chưa công bố thông tin Báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2021, đồng thời chưa lựa chọn đơn vị kiểm toán BCTC năm 2022.

Do vậy, lần này, HoSE sẽ "nâng lên diện đình chỉ giao dịch". Thời gian đình chỉ chưa được công bố.

Cổ phiếu FLC đứng trước nguy cơ bị đình chỉ giao dịch. 

Ngoài ra, một doanh nghiệp khác có liên quan đến Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Nông dược HAI (mã CK: H.A.I) cũng nhận được thông báo từ HoSE về khả năng đình chỉ giao dịch với lý do tương tự.

Để đảm bảo quyền lợi cổ đông, HoSE yêu cầu Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Nông dược HAI có văn bản giải trình về lộ trình tổ chức Đại hội đồng cổ đông cũng như việc lựa chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 về Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM trước ngày 19/8.

Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) ban hành quyết định chuyển cổ phiếu ROS của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã: ROS) từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch. Quyết định này sẽ được áp dụng từ ngày 12/8 vì tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa cổ phiếu vào diện hạn chế giao dịch.

Công ty Xây dựng này lý giải về việc chưa thể phát hành báo cáo tài chính quý II theo đúng thời hạn là do bất khả kháng. Công ty vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi người đại diện theo pháp luật để có người ký báo cáo tài chính.

Cổ phiếu ROS đóng cửa phiên cuối cùng rơi mạnh về mức 2.510 đồng, tức mất hơn 80% giá trị so với thời điểm đầu năm. Trong khi đó FLC hôm qua đóng cửa tại 5.710 đồng và HAI chốt ở mức 2.620 đồng, cùng mất gần 70% so với đầu năm.

FLC tiếp tục báo lỗ trong quý II

Về hoạt động của FLC, doanh nghiệp này vừa công bố báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất quý II và nửa đầu năm 2022.

Theo báo cáo riêng của công ty mẹ, FLC ghi nhận doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng như giá vốn đều giảm mạnh trong quý II. Đáng chú ý, mức giảm giá vốn lên đến 75%, trong khi doanh thu chỉ giảm 50%. Nhờ vậy, việc kinh doanh trên giá vốn vẫn giúp công ty mẹ FLC ghi nhận lợi nhuận gộp gần 88 tỷ đồng.

Sau khi hợp nhất kết quả kinh doanh với các đơn vị thành viên, đơn vị liên kết, FLC ghi nhận doanh thu bán hàng quý II trên 623 tỷ đồng, và nửa đầu năm trên 1.700 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp về bán hàng đạt hơn 104 tỷ đồng trong quý này, tăng mạnh so với lợi nhuận gộp âm gần 149 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, mức lợi nhuận này khó bù đắp được khoản lỗ từ việc đầu tư các đơn vị liên doanh, liên kết. Cụ thể, lỗ trong công ty liên doanh liên kết ghi nhận hơn 317 tỷ đồng trong quý II và 582 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Kết hợp với sự gia tăng của các loại chi phí, FLC tiếp tục báo lỗ sau thuế quý II hơn 640 tỷ đồng và lỗ lũy kế đến 30/6 là 1.105 tỷ đồng.

Cổ phiếu chưa thể phụ hồi

Theo ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ đầu tư & Quản lý tài sản, Công ty Chứng khoán Tân Việt cho rằng, định giá cổ phiếu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như lãi suất, tỷ giá hay tăng trưởng. Ở thị trường Việt Nam, giai đoạn trước lãi suất thấp nhưng khi lãi suất lên 7%-8%, P/E phải khoảng 12 lần thì cổ phiếu mới hấp dẫn. Đối với những nhóm ngành có tính chu kỳ, P/E càng cao sẽ giúp mở ra một chu kỳ tăng trưởng mới.

“Chứng khoán là thị trường của kỳ vọng và niềm tin. Nếu ta tin năm sau sẽ tích cực hơn so với năm nay thì mặt bằng định giá hiện tại đang quá rẻ. Về cơ sở để đặt niềm tin, ta cần xem lại tất cả các quốc gia trong 100 năm qua: Nhật, Mỹ hay Việt Nam đều phải đối mặt với rất nhiều cuộc chiến tranh tuy nhiên chỉ sau 10 – 30 năm thì tất cả đều đi lên, doanh nghiệp phát triển mạnh, người dân trở nên giàu có.

Doanh nghiệp là bộ phận sản xuất của cải vật chất vì vậy doanh nghiệp sẽ song hành cùng nền kinh tế. Đầu tư khác với đầu cơ bởi đầu tư nhìn vào đích đến còn đầu cơ sẽ đoán cách đi”, ông Du cho hay.

Theo ông Du, tất cả cổ phiếu tăng trưởng đều cần giai đoạn nghỉ ngơi. Thông thường, một chu kỳ tích luỹ sẽ khoảng 6 tháng cho đến 1 năm. Ở Việt Nam, so với tỷ lệ dân số thì số lượng tài khoản chứng khoán đang chiếm khoảng 5%-6%.

"Tâm lý luôn có sự phân tán. Những người lo ngại sẽ đứng ngoài còn những người lạc quan hơn thì sẽ tham gia cho nên thanh khoản mới trở nên thấp trong thời gian qua", ông Du cho biết.