Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, bước đầu đã hoàn thành việc chia sẻ CSDL từ Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước với Tổng cục Thuế. Cụ thể gồm dữ liệu của 929 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; dữ liệu về 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực: viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình; dữ liệu về 144 triệu tài khoản thanh toán gồm 10 triệu tài khoản của tổ chức và trên 134 triệu tài khoản của cá nhân tại 96 ngân hàng thương mại.
Trong 6 tháng đầu năm nay, cơ quan thuế đã đẩy mạnh quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, mua bán online.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Kết quả, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã xử lý vi phạm 4.560 người nộp thuế (gồm 1.274 doanh nghiệp, 3.286 cá nhân) với số thuế xử lý truy thu và phạt là 297 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tiếp tục vận hành hiệu quả Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) để hỗ trợ các nhà cung cấp nước đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam từ ngày 21/3/2022.
Đến nay, đã có 101 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế. Trong 6 tháng đầu năm nay, các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp thuế hơn 4.039 tỷ đồng.
Lũy kế từ thời điểm triển khai Cổng đến nay, số thu ngân sách Nhà nước từ các nhà cung cấp nước ngoài là 15.613 tỷ đồng.
Với việc triển khai các giải pháp nêu trên, trong 6 tháng đầu năm 2024, số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là khoảng 50.000 tỷ đồng, tăng 23% so với số thuế bình quân 6 tháng năm 2023.
Cùng với đó, Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan thuế đã ban hành gần 32 triệu lượt thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp gửi đến người nộp thuế, đạt 100% số người nộp thuế phải thông báo.
Cơ quan thuế cũng đã ban hành 174.492 quyết định cưỡng chế. Trong đó có 151.604 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản; 21.019 quyết định cưỡng chế hóa đơn; 251 quyết định cưỡng chế kê biên tài sản, thu tiền tài sản bên thứ 3 nắm giữ; 1.542 quyết định cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Thực hiện đăng công khai thông tin, công khai số tiền nợ thuế của 631.777 người nộp thuế chây ỳ, không nộp tiền thuế đúng hạn với tổng số tiền 229.294 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng đã áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân vi phạm; cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, nhất là các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Với biện pháp trên, cơ quan thuế đã ban hành gần 16.900 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với người đại diện pháp luật của các doanh nghiệp nợ thuế, với số tiền nợ hơn 24.100 tỷ đồng. Qua đó, trực tiếp thu hồi gần 920 tỷ đồng của gần 1.500 doanh nghiệp nợ thuế.
Tại hội nghị sáng 15/7, Tổng cục Thuế cho hay, cùng với việc tập trung nuôi dưỡng và quản lý tốt nguồn thu, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã giao chỉ tiêu thu nợ, chỉ tiêu xử lý nợ và chỉ tiêu giảm nợ cho cơ quan thuế, cơ quan hải quan để lập kế hoạch từng tháng, từng quý, giao chỉ tiêu thu nợ đến từng cán bộ, công chức quản lý nợ và gắn trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị với nhiệm vụ thu hồi nợ thuế của đơn vị. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, đẩy mạnh điện tử hóa việc ban hành thông báo nợ thuế. Đối với những trường hợp chây ỳ nợ thuế, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn sẽ kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ. Công khai thông tin người nộp thuế dây dưa, chây ỳ nợ thuế lên báo, đài, website của cơ quan thuế các cấp... |
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/8112153022177716