Song Vũ ·
1 năm trước
 5608

Cô Tô nói không với chai nhựa, túi nilon: Chuyên gia chỉ ra cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng

“Dưới góc nhìn kinh tế môi trường, tôi cho rằng cần phải nghiên cứu thật kỹ và đánh giá một cách nghiêm túc vấn đề này, bởi nguồn thu từ du lịch chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế của Cô Tô”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ.

Để xây dựng môi trường du lịch xanh bền vững, từ 1/9, UBND huyện Cô Tô (Quảng Ninh) sẽ triển khai thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon và các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch đến huyện đảo này.

Việc thí điểm được triển khai trong khoảng vài tháng, sau đó sẽ tổng kết để tiến tới áp dụng chính thức quy định này, bởi hiện nay tại huyện đảo Cô Tô các nhu yếu phẩm cơ bản đã được chuẩn bị đầy đủ để có thể đáp ứng nhu cầu của du khách.

Cần nghiên cứu kỹ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, GS.TS Hoàng Xuân Cơ -  Trưởng ban nghiên cứu khoa học, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đánh giá cao về ý tưởng cũng như mục đích tốt đẹp mà UBND huyện Cô Tô hướng đến. Đặc biệt là trong bối cảnh, ô nhiễm môi trường biển nói chung và rác thải đại dương nói riêng đang trở thành vấn đề nóng.

"Ô nhiễm môi trường biển và rác thải đại dương là vấn đề mang tính toàn cầu chứ không chỉ đối với riêng Việt Nam. Hạn chế rác thải nhựa và các vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển là hành động thiết thực, vì một hành tinh xanh", GS.TS Hoàng Xuân Cơ nhấn mạnh.

Theo Trưởng ban nghiên cứu khoa học VIASEE, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai việc cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần tại các bãi biển, thậm chí còn đưa những quy định này vào Luật và có những hình thức xử lý nghiêm khắc đối tới những cá nhân, tổ chức vi phạm.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ -  Trưởng ban nghiên cứu khoa học, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE).

Quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon và các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể nghiên cứu để nhân rộng tại các điểm du lịch trên cả nước, không chỉ áp dụng riêng tại huyện đảo Cô Tô. Tuy nhiên, Do quy định này chỉ mang tính cục bộ, cũng không phải là một lệnh cấm nên có thể sẽ vấp phải một số khó khăn khi triển khai thực hiện.

"Điều mà tôi khá băn khoăn đó là Cô Tô đã có những vật liệu thay thế cho du khách sử dụng sau khi áp dụng quy định không mang chai nhựa, túi nilon và các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch đến huyện đảo hay chưa?

Dưới góc nhìn kinh tế môi trường, tôi cho rằng cần phải nghiên cứu thật kỹ và đánh giá một cách nghiêm túc vấn đề này, bởi nguồn thu từ du lịch chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế của Cô Tô.

Hi vọng rằng, tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện đảo Cô Tô nói riêng sẽ có những sáng kiến, giải pháp hợp lý để áp dụng thành công quy định này. Trên cơ sở đó, nhân rộng mô hình, nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch trong vấn đề bảo vệ môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, phát triển bền vững", GS.TS Hoàng Xuân Cơ kỳ vọng.

Nỗi trăn trở

Là một người luôn trăn trở với vùng đất Cô Tô, ông Đỗ Huy Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô nhận định, hai vấn đề khó khăn nhất của địa phương trong thời điểm hiện tại là giao thông và rác thải. Những vấn đề này đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế của huyện đảo. Trong đó, rác thải, rác thải đại dương không chỉ là vấn nạn đối với riêng Cô Tô, nhiều địa phương khác như Phú Quốc, Nha Trang... cũng đang phải chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Theo lãnh đạo huyện Cô Tô, từ chủ trương chung của Nhà nước liên quan đến vấn đề rác thải và biến đổi khí hậu, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, UBND huyện đã ra Thông báo số 58, trong đó có đề cập đề việc áp dụng thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon, các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch tới địa phương.

Quy định trên được đưa ra sau buổi làm việc với các doanh nghiệp và hiệp hội du lịch, trên cơ sở tham gia ý kiến của các hộ kinh doanh, các ban ngành liên quan. Sự đồng thuận của người dân, du khách và doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết làm nên thành công cho việc triển khai thí điểm quy định tại huyện đảo Cô Tô.

Người dân Cô Tô tham gia thu gom rác thải nhựa, túi nilon tại bờ biển.

"Cô Tô không phải là huyện đầu tiên áp dụng thí điểm quy định này, trước đó thì một xã của huyện đảo Lý Sơn đã áp dụng. Mục tiêu khi triển khai thí điểm quy định là tuyên truyền cộng đồng doanh nghiệp tích cực nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chú trọng công tác vệ sinh môi trường, hình thành thói quen trong nhân dân và du khách về việc sử dụng vật liệu tái chế, thân thiệt với môi trường trong hoạt động du lịch.

Để triển khai hiệu quả quy định này, huyện Cô Tô yêu cầu các hãng vận chuyển và công ty lữ hành hướng dẫn cho du khách ngay từ khi bán vé, và khi đến cầu cảng Vân Đồn để ra đảo Cô Tô thì sẽ yêu cầu mọi người để lại chai nhựa, túi nilon cùng những vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, huyện cũng kêu gọi mỗi người dân trên đảo cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các hành động cụ thể, thiết thực.

Trong đó, thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống", ông Đỗ Huy Thông chia sẻ thêm.

Nguồn: Kinh tế Môi trường