Chính quyền Bangkok và các khu vực khác ở miền trung Thái Lan ban bố cảnh báo lũ mới, trong bối cảnh lũ lụt đã nhấn chìm nhiều khu vực.
Ít nhất 7 người chết và hai người mất tích từ 26/9 do lũ lụt sau bão Dianmu, Cục Phòng chống và Giảm nhẹ Thiên tai Thái Lan hôm qua cho biết.
Gần 198.000 hộ gia đình ở 30 tỉnh, chủ yếu ở miền bắc, đông bắc và miền trung đã bị ảnh hưởng, tăng 56% so với 126.781 hộ được báo cáo một ngày trước đó. Theo dự báo, mưa lớn vẫn xảy ra ở nhiều khu vực, dù giới chức cho biết nguy cơ đã giảm ở 13 trong 30 tỉnh bị ảnh hưởng thì mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra tại các vùng miền bắc, đông bắc và miền trung nước này trong vài ngày tới.
Người dân lội qua dòng nước lũ ở tỉnh Chaiyaphum, phía đông bắc Bangkok, Thái Lan đầu tuần này. Ảnh: AP
Lượng nước lớn đổ từ phía bắc xuống Chao Phraya, sông chính ở Thái Lan, gây tràn các đập và hồ chứa. Cảnh báo lũ lụt ngay lập tức được ban hành với thủ đô Bangkok và các tỉnh Lopburi, Saraburi, Ayutthaya, Pathum Thani và Nonthaburi.
Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang hôm 29/9 thừa nhận trên Facebook rằng vì thủ đô nằm ở vùng đất trũng nên dễ bị lũ lụt từ sông Chao Phraya và không thể thoát nước nhanh chóng. Các khu vực của thành phố bị ngập trong trận lụt lớn năm 2011 cũng chủ yếu do nước xả từ các hồ chứa ở phía bắc.
Thống đốc đã liệt kê các biện pháp thành phố đang thực hiện để đối phó lũ lụt, gồm chuẩn bị các máy bơm nước kết nối với đường ống thoát nước lớn.
Một điểm khủng hoảng khác là ở phía đông bắc, nơi hàng nghìn người đã phải di dời vì nước lũ. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha hôm qua thăm Chaiyaphum, một tỉnh đông bắc bị ảnh hưởng nặng nề, và công bố các gói viện trợ.
Bangkok từng hứng chịu thảm họa ngập lụt tồi tệ vào năm 2011, diễn biến mưa lũ nghiêm trọng nhất trong hàng thập kỷ, nhấn chìm 1/5 thành phố và khiến hơn 500 người chết. Nguyên nhân được cho là do phát triển nóng, ồ ạt, khiến các vùng đất ngập nước có vai trò trữ nước bị biến thành các dự án bất động sản.