Thanh Hương ·
3 năm trước
 2344

Con người là mảnh ghép quan trọng của ngôi nhà Trái Đất

Con người là mảnh ghép quan trọng tạo nên sự thay đổi vì thiên nhiên. Lựa chọn lối sống hài hòa với thiên nhiên là biện pháp tốt nhất để con người tránh được nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh mới, phát triển bền vững.

Hạnh phúc và thịnh vượng của con người có thể được cải thiện đáng kể bằng cách ưu tiên các giải pháp dựa vào thiên nhiên - Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã khẳng định như vậy tại phiên họp lần thứ năm Hội đồng Môi trường LHQ diễn ra hồi tháng 2 vừa qua. 

Thông điệp này được Tổng Thư ký LHQ nhắc lại nhân Ngày quốc tế Đa dạng sinh học 22/5 năm nay, đó là mỗi chúng ta đều đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ thiên nhiên bằng cách thiết lập sự cân bằng trong mối quan hệ giữa con người với Trái Đất.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hay nói đơn giản hơn, lựa chọn lối sống hài hòa với thiên nhiên là biện pháp tốt nhất để con người phát triển bền vững, tránh được được nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh mới, bởi con người là mảnh ghép quan trọng tạo nên sự thay đổi vì thiên nhiên. Đây cũng là chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học 22/5 năm nay: “Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên”.

Đa dạng sinh học từ lâu đã trở thành vấn đề toàn cầu. Hiện có hàng triệu loài động thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do những tác động của con người gây ra. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), có 5 nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học là thay đổi nhu cầu sử dụng đất; Khai thác quá mức động, thực vật hoang dã; Biến đổi khí hậu; Ô nhiễm môi trường và sinh vật ngoại lai xâm hại. Trong khi đó, quá trình toàn cầu hóa đang làm gia tăng sự dịch chuyển các loài vượt ra ngoài phạm vi tự nhiên vốn có thông qua các hoạt động du lịch, thương mại..., phá vỡ hệ sinh thái bản địa và môi trường. 

Năm 2021 được coi là dấu mốc quan trọng trong hoạt động bảo tồn hệ sinh thái trên Trái Đất, đánh dấu tròn 10 năm LHQ tuyên bố giai đoạn 2011-2020 là “Thập kỷ Liên hợp quốc về đa dạng sinh học”, đồng thời là bước chuyển tiếp cho một giai đoạn mới "Thập kỷ về phục hồi hệ sinh thái" (giai đoạn 2021-2030).

Cách đây 10 năm, Tổng Thư ký LHQ khi đó là ông Ban Ki-moon đã kêu gọi toàn nhân loại bảo vệ đa dạng sinh học trên Trái Đất, nhấn mạnh sự phát triển bền vững của con người phụ thuộc nhiều vào sự đa dạng này. Vào thời điểm đó, người đứng đầu LHQ nhấn mạnh con người có thể không bao giờ có được những cơ hội quý báu và những điều kỳ diệu từ thiên nhiên, như những loại thuốc từ thiên nhiên chữa khỏi các bệnh nan y, khi nhiều hệ sinh thái bị hủy hoại vĩnh viễn hoặc đất đai bị ô nhiễm không thể sử dụng được.

Từ quan điểm này đến cuộc khủng hoảng y tế liên quan tới Covid-19 mà thế giới đang vật lộn, con người ngày càng nhận thức rằng sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái gắn liền với sự sống còn của loài người và việc bảo vệ thiên nhiên, hệ sinh thái cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ cuộc sống của chính mình.  

Tuy nhiên, LHQ cảnh báo tốc độ suy thoái đa dạng sinh học đang diễn ra là chưa từng có trong lịch sử. Trong một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Frontiers in Forest and Global Change, các nhà khoa học nhận định chỉ 3% diện tích đất trên thế giới (không bao gồm Nam Cực) vẫn còn nguyên vẹn về mặt sinh thái, với các quần thể động vật nguyên thủy khỏe mạnh và môi trường sống chưa bị xáo trộn. Một triệu loài động, thực vật trong tổng số 8 triệu loài trên Trái Đất đứng trên bờ vực tuyệt chủng.

Một số nhà khoa học cho rằng đợt tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu trên Trái Đất đang bắt đầu và sẽ kéo theo những hậu quả nghiêm trọng đối với thực phẩm, nước sạch và không khí. 

Chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm nay là sự tiếp nối chủ đề xuyên suốt của năm 2020 “Các giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên”. Đây được xem như lời nhắc nhở rằng đa dạng sinh học vẫn là giải pháp quan trọng, là một lựa chọn cho sự phát triển bền vững. Do đó, từ các giải pháp dựa vào thiên nhiên cho các vấn đề khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, nước uống và sinh kế bền vững, đa dạng sinh học là nền tảng mà người dân trên toàn thế giới có thể xây dựng trở lại tốt hơn. 

Theo LHQ, kế sinh nhai của hơn 3 tỉ người trên thế giới phụ thuộc vào sự đa dạng sinh học biển và ven biển, trong khi 1,6 tỉ người kiếm sống nhờ vào rừng. Việc bảo tồn các loài sinh vật trên Trái Đất không còn trong khuôn khổ "lòng vị tha" mà có vai trò quan trọng để đảm bảo sự sống của con người. Trên thực tế, đại dịch Covid-19 buộc con người phải nhìn lại vai trò bảo vệ của đa dạng sinh học trước các bệnh truyền nhiễm.

Nhiều bằng chứng cho thấy việc mất đa dạng sinh học có thể làm tăng số trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Trên thực tế, 70% các bệnh truyền nhiễm đang lây lan trong những năm gần đây bắt nguồn từ động vật. Do vậy, “sức khỏe” của hệ sinh thái càng suy giảm sẽ khiến "bức tường" miễn dịch giữa con người và mầm bệnh càng mong manh.

rừng ngập mặn tại Thừa Thiên Huế

Rừng ngập mặn nguyên sinh Rú Chá thuộc xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế (Việt Nam) có diện tích khoảng 5 ha, có chức năng ngăn mặn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đất liền. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Nhìn lại 10 năm triển khai "Thập kỷ Liên hợp quốc về đa dạng sinh học”, thế giới đã ghi nhận những tiến bộ đáng khích lệ của con người trong việc bảo tồn và khôi phục đa dạng sinh học. Đáng nói hơn, đây là những kết quả đạt được nhờ biện pháp dựa vào tự nhiên. Theo báo cáo của Trung tâm giám sát bảo tồn thế giới thuộc UNEP và Liên hiệp thế giới vì sự bảo tồn thiên nhiên, 22,5 triệu km2 đất liền và hệ sinh thái nội thủy cùng với 28,1 triệu km2 vùng bờ biển và đại dương đã được bảo tồn trong 10 năm trở lại đây.

Một kết quả khác đáng khích lệ cũng được Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) ghi nhận, đó là 59 triệu ha rừng đã tái sinh kể từ năm 2000, đủ để phủ kín nước Pháp. WWF nhấn mạnh việc bảo vệ và khôi phục rừng là giải pháp chống biến đổi khí hậu tốt hơn trồng cây bởi những khu rừng hiện nay không chỉ hấp thụ khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều hơn mà còn bảo vệ động vật hoang dã và đa dạng sinh thái.

Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ sinh thái đa dạng sinh học và quan trọng nhất trên thế giới, cả về hệ sinh thái biển và trên cạn (đặc biệt là hệ sinh thái rừng và rừng ngập mặn). Để bảo vệ "kho báu" thiên nhiên này, Việt Nam chính thức phê chuẩn Công ước Đa dạng sinh học ngày 17/10/1994, đồng thời có những bước tiến lớn trong công cuộc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. 

Kết quả nỗ lực không ngừng nghỉ này là một số khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục LHQ (UNESCO) công nhận về giá trị tự nhiên, trong đó phải kể đến 3 di sản thiên nhiên, 2 công viên địa chất toàn cầu, 9 khu bảo tồn sinh quyền và 2 khu đất ngập nước nằm trong hai khu dự trữ sinh quyền thế giới. Việt Nam cũng khuyến khích áp dụng các giải pháp công trình để có hiệu quả và bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường tự nhiên; Thúc đẩy việc thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững, áp dụng tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý tổng hợp đới bờ, lưu vực sông, quản lý rừng bền vững, chú trọng vai trò và quyền lợi của cộng đồng. Tuy nhiên, các nỗ lực bảo tồn của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với không ít thách thức, như nạn phá rừng, khai thác gỗ bất hợp pháp, khai thác quá mức, tăng trưởng kinh tế và áp lực dân số...

Covid-19 hoành hành hơn 1 năm nay là lời nhắc nhở về mối quan hệ mật thiết giữa con người và thiên nhiên, khi mà chính con người đã làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên nhanh hơn mức thiên nhiên có thể tái tạo. Bởi vậy, chỉ có con người mới có thể tạo nên sự thay đổi vì thiên nhiên, nói cách khác, con người là mảnh ghép quan trọng nhất trong các giải pháp để bảo vệ đa dạng sinh học và thiên nhiên trên Trái Đất.

hưởng ứng ngày quốc tế đa dạng sinh học 22/5

 

Nguồn