Hồ Hằng ·
1 năm trước
 1395

Công bố thông tin không đúng hạn, Golden Gate bị UBCKNN xử phạt

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate).

Xử phạt gần 200 triệu đồng

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 782/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cổng Vàng (địa chỉ trụ sở chính: Số 60 Giang Văn Minh, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội).

Cụ thể, UBCK đã quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cổng Vàng 70.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 43 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật. Cụ thể, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cổng Vàng báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không đúng thời hạn báo cáo tài chính (BCTC) riêng và hợp nhất năm 2020 đã kiểm toán; nghị quyết và biên bản họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021; báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2021; báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2021.

Chuỗi cửa hàng Vuvuzela của Golden Gate. 

Đồng thời, phạt 125.000.000 đồng theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung theo khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông. Cụ thể: Năm 2018, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cổng Vàng cho vay dài hạn đối với Công ty Cổ phần Golden Gate Partner là cổ đông với số tiền là 29.149.342.000 đồng. Theo BCTC năm 2021 đã kiểm toán, đến thời điểm 31/12/2021, số dư khoản phải thu về cho vay dài hạn đối với Công ty Cổ phần Golden Gate Partner là 14.749.342.000 đồng.

Trước đó, UBCKNN cũng đã xử phạt Golden Gate 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán theo quy định. Doanh nghiệp này phải nộp phạt thêm 85 triệu đồng do mua lại cổ phiếu nhưng không báo cáo UBCKNN theo quy định pháp luật.

Năm 2021, Golden Gate đã thu hồi cổ phiếu của người lao động nghỉ việc làm cổ phiếu quỹ nhưng không báo cáo cơ quan quản lý.

Để khắc phục hậu quả, UBCKNN yêu cầu Golden Gate nộp hồ sơ đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán cho Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con trong thời hạn tối đa 60 ngày. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 20/7.

Ông chủ của Golden Gate là ai?

Golden Gate đăng ký trụ sở chính tại số 60 Giang Văn Minh, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội. Doanh nghiệp được thành lập vào năm 2005 và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực F&B. Golden Gate hiện sở hữu chuỗi nhà hàng mang thương hiệu Manwah, isushi, Kichi-Kichi, Gogi… với 400 nhà hàng, hiện diện trên 40 tỉnh thành.

Nhìn lại năm 2021, trước tác động của dịch Covid-19, doanh thu của Golden Gate giảm mạnh 27% so với năm 2020, về còn 3.320 tỷ đồng. Các chi phí tăng cao khiến doanh nghiệp lỗ trên 430 tỷ đồng, là năm duy nhất thua lỗ kể từ khi thành lập.

Tính đến cuối năm 2021, vốn điều lệ của Golden Gate đạt 76,3 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm Công ty Cổ phần Golden Gate Partners (44,22% cổ phần), Công ty TNHH Prosperity Food Concepts (32,92% cổ phần), ông Đào Thế Vinh (5,11% cổ phần), ông Trần Việt Trung (4,43% cổ phần), ông Nguyễn Xuân Tường (3,98% cổ phần), các cổ đông khác (8,53% cổ phần) và cổ phiếu quỹ (0,81% cổ phần).

Ông Trần Việt Trung là một trong 3 nhà sáng lập của Golden Gate, hiện là Chủ tịch HĐQT. Hai nhà sáng lập khác là Đào Thế Vinh và Nguyễn Xuân Tường lần lượt đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc.

Giữa tháng 3, hàng loạt cổ đông của Golden Gate tiến hành thoái vốn, điển hình như Công ty TNHH Prosperity Food Concepts bán ra toàn bộ hơn 2,513 triệu cổ phần; ông Trần Việt Trung bán 161.871 cổ phần (2,12% vốn điều lệ), giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 2,306%; ông Nguyễn Xuân Tường bán 69.373 cổ phần (0,909% vốn điều lệ), giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 3,075%.

Ba cổ đông lớn giao dịch tổng cộng 2,744 triệu cổ phần, tương đương 35,95% vốn điều lệ của công ty. Tuy nhiên, số cổ phần sẽ được sang tay 3 cổ đông khác là Teamasek, Seatown Private Capital Master Fund và Periwinkle Pte Ltd.

Vào cuối năm ngoái, ông Đào Thế Vinh cũng chuyển nhượng 371.139 cổ phần (4,86% vốn điều lệ) theo hình thức thỏa thuận).

Năm 2022, doanh nghiệp đặt kế hoạch thu về 6.878,4 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2021 và lãi sau thuế 375,6 tỷ đồng.