Thanh Tâm ·
2 năm trước
 3839

Công nghệ xử lý rác nào cũng có ưu điểm và nhược điểm

Chia sẻ về công nghệ xử lý rác tại buổi Tọa đàm “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp”, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, về mặt công nghệ, chúng ta cần quan tâm đến hai mặt, đó là những ưu điểm, nhược điểm của từng công nghệ cụ thể, bởi không có công nghệ nào đều là ưu điểm.

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), hiện nay mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn rác, trong đó, rác thải đô thị chiếm khoảng 60%. Theo dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10 - 16%/năm. Riêng các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, dự báo mỗi ngày sẽ phát sinh từ 7.000 - 9.000 tấn rác thải.

Trong hoàn cảnh hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa được phát triển đồng bộ, trình độ và năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của quá trình đô thị hóa thì rác thải đã làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng.

Nhiều chuyên gia khẳng định, việc triển khai các biện pháp xử lý rác thải theo phương thức hiện đại thay thế dần biện pháp chôn lấp lạc hậu là hết sức cần thiết. Song, lựa chọn phương pháp nào cho hiệu quả đang là vấn đề làm đau đầu các cơ quan quản lý địa phương.

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay, về mặt công nghệ, chúng ta cần quan tâm đến hai mặt, đó là những ưu điểm, nhược điểm của từng công nghệ cụ thể, bởi không có công nghệ nào đều là ưu điểm. Chúng ta phải khẳng định, mỗi một công nghệ đều có ưu và nhược điểm khác nhau. Tùy vào thành phần, tính chất của chất thải để chúng ta lựa chọn công nghệ phù hợp.

Thứ hai, liên quan đến áp lực về tốc độ đô thị hóa. Khi đời sống người dân được nâng cao, tốc độ phát triển kinh tế, xã hội nhanh tạo áp lực cho việc phân loại, xử lý rác thải từ các đô thị. Trong khi đó, việc phân loại chất thải sinh hoạt, chất thải ngầm tại nguồn chưa tốt. Đây là vấn đề khó tháo gỡ bậc nhất hiện nay ở các đô thị.

Toàn cảnh nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn.

Ông Hiền cho rằng, vấn đề về hạ tầng kỹ thuật và việc bố trí các địa điểm lưu giữ, thu gom rác thải phải phù hợp với các khu dân cư. Tiếp đó là việc lựa chọn công nghệ xử lý như thế nào cho phù hợp cũng đang là vấn đề cấp bách. Chúng ta nên lựa chọn các công nghệ xử lý khác nhau để phù hợp với tính chất, thành phần và điều kiện tự nhiên của các địa phương.

Nhiều chuyên gia đã đề cập đến công nghệ đốt rác để phát điện. Theo ông Hiền, đốt rác và tạo điện một cách hiệu quả thì tối thiểu phải thực hiện phân loại rác một cách phù hợp trước. Phân loại rác có thể cháy được thì chắc chắn công nghệ chúng ta sử dụng đốt rác để thu hồi phát điện sẽ tốt hơn khi rác không phân loại.

Một thực trạng nữa mà cả khu vực đô thị và vùng nông thôn đang phải đối mặt là nhiều người dân đang xả rác bừa bãi và lượng rác xả ra không tỷ lệ thuận với lượng rác các nhà máy, đô thị, hộ gia đình xả ra. Hiện nay, chúng ta chỉ phải chi trả một khoản tiền nhất định theo hộ gia đình. Mặt khác, Luật Bảo vệ môi trường cũng đã có quy định rất rõ chúng ta không thực hiện việc phân loại rác tại nguồn hoặc xả rác quá nhiều thì chúng ta phải trả tiền nhiều hơn.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường kỳ vọng, đến 1/1/2025 việc phân loại rác tại nguồn được áp dụng trên phạm vi toàn quốc sẽ giảm được áp lực về vấn đề xử lý rác thải. Và chúng ta cần có lộ trình dài hơi cho các địa phương chuẩn bị các hạ tầng kỹ thuật liên quan đến thiết kế các điểm thu gom, lưu giữ, vận chuyển và trang bị các phương tiện như 3 loại thùng đựng chất thải theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, đối với chất thải sinh hoạt, chất thải thực phẩm của toàn bộ 63 tỉnh, thành chúng ta cũng cần chuẩn công nghệ để xử lý và lựa chọn công nghệ nào cho phù hợp thì cũng cần bàn thảo kỹ hơn…

Về cơ bản, hiện nay hệ thống các văn bản pháp luật, quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí về phân loại, vận chuyển và xử lý rác đã khá đầy đủ.

Trên cơ sở quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cơ bản đã ban hành đầy đủ các văn bản pháp luật như: Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, trong đó có các quy định về xử lý chất thải; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành các văn bản như tiêu chí về công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt…

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã quy định rất rõ về cơ chế, ưu đãi đối với các nhà đầu tư tham gia vào công tác bảo vệ môi trường nói chung và xử lý rác thải nói riêng. Trong đó, các danh mục về đầu tư, tái chế chất thải rắn, chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường, chất thải công nghiệp cần kiểm soát…

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang thực hiện và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ để tháng 11/2022 có thể ban hành Quy hoạch về bảo vệ môi trường quốc gia. Trong đó, Quy hoạch cũng có những quy định về nội dung quản lý chất thải trong quy hoạch của các tỉnh, thành. Chúng ta đang bàn về vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý rác thải, thì trước hết chúng ta cũng cần có quy hoạch về các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển, vận chuyển rác thải,… và vị trí đặt các nhà máy xử lý rác thải. Đây cũng là các vấn đề quyết định trong việc lựa chọn công nghệ xử lý rác thải cho phù hợp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tiến hành lấy ý kiến các Bộ, ngành để ban hành Bộ tiêu chí phân loạt chất thải tại nguồn. Dựa trên các quy định hiện hành và điều kiện tự nhiên, kinh tế cùng Bộ tiêu chí này, các địa phương có thể đưa ra sự lựa chọn công nghệ xử lý rác thải phù hợp. Các tỉnh, thành sẽ là đơn vị quyết định lựa chọn công nghệ nào cho việc xử lý rác ở địa phương mình…

Toàn bộ quy trình xử lý rác để phát điện tại Nhà máy đều được tự động hoá.

 

Hiện nay đã có các quy chuẩn về xử lý rác thải, nước rỉ rác đã có quy định được ban hành từ năm 2009 đối với bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh. Việc đốt chất thải rắn sinh hoạt đang được áp dụng theo Quy chuẩn 61, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp điều kiện hiện tại.

Đối với một số công nghệ mà Việt Nam chưa từng có, chưa áp dụng thì chúng ta áp dụng đúng theo quy định của nước đang phát triển, khi đưa công nghệ đó vào Việt Nam. Do đó chúng ta không lo về việc không có quy định, quy chuẩn phù hợp cho các công nghệ mới.

Tiếp đó, đối với tiêu chí về các công nghệ xử lý rác, chúng ta cần tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư 02 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, để áp dụng công nghệ xử lý rác ở Việt Nam cần bảo đảm 3 nội dung là bảo đảm về công nghệ, môi trường, xã hội (đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn, sự hài lòng của người dân...) và kinh tế (giá thành phù hợp). Công nghệ xử lý phù hợp cần đáp ứng đầy đủ 3 nội dung nói trên. Nếu chúng ta xử dụng công nghệ chỉ đáp ứng được một hoặc 2 nội dung thì công nghệ đó chưa phải tối ưu. Ví dụ, công nghệ xử lý tốt, bảo đảm yếu tố về môi trường, xã hội nhưng địa phương không chi trả nổi chi phí thì công nghệ đó cũng là “thất bại”. Hay công nghệ đó rẻ, môi trường tốt nhưng không phù hợp với phân loại rác thải ở địa phương đó thì chúng ta cũng không thể lựa chọn áp dụng…

Do đó, công nghệ áp dụng phải có giá phù hợp, đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn, sự hài lòng của người dân và đúng ứng được các điều kiện tự nhiên của chính địa phương áp dụng công nghệ đó.

Mặt khác, các công nghệ xử lý rác được áp dụng cũng cần tuân thủ đúng quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ. Theo đó, cũng có các quy định rõ về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương hữu quan… Riêng với công nghệ xử rác thải sinh hoạt, hiện nay chủ yếu thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố sẽ đánh giá về tiêu chí pháp luật về chuyển giao công nghệ.

Đối với việc phân cấp quản lý về bảo vệ môi trường, chúng ta cũng đã có các quy định rõ ràng, 500 nghìn tấn/ngày thuộc thẩm quyền phê duyệt đánh giá tác động môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, dưới 500 nghìn tấn/ngày thì đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND các tỉnh, thành…

Rõ ràng, vướng mắc ở đây không phải vấn đề công nghệ mà vấn đề là chúng ta lựa chọn công nghệ nào cho phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, môi trường từng địa phương. Trong đó, vấn đề đặc biệt được quan tâm là lượng tài chính chi trả cho công nghệ, khả năng triển khai ứng dụng có khả quan, hiệu quả không,…

Nguồn: moitruong.net.vn