Thanh Loan ·
2 năm trước
 3474

Bạn sẽ bất ngờ vì những lợi ích mà công trình xanh mang lại

Hiện nay, các công trình xanh nhận được mối quan tâm lớn và ngày càng được hướng đến trong các công trình xây dựng do các ảnh hưởng và tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu gây ra ngày càng rõ rệt. Vậy, công trình xanh là gì? Lợi ích chúng mang lại như thế nào? Tiêu chí đánh giá một công trình xanh ra sao?

Công trình xanh (Green Building), theo định nghĩa của Hội đồng Công trình xanh thế giới (WGBC), là công trình trong thiết kế, xây dựng hoặc vận hành giảm thiểu các tác động xấu và có thể tạo ra những tác động tích cực đối với khí hậu và môi trường của chúng ta. Nó bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Khái niệm công trình xanh đưa ra bởi Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC) là công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; đồng thời được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên.

Theo ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, công trình xanh trước tiên phải là công trình tiết kiệm năng lượng, tận dụng năng lượng tự nhiên, ánh sáng tự nhiên cao nhất, giảm thiểu và hạn chế thất thoát điện năng, nhiệt năng không cần thiết bằng các thiết kế về thẩm mỹ kiến trúc lẫn các nguyên vật liệu tiết kiệm năng lượng.

công trình xanh

Một công trình xanh được xây dựng tại Singapore.

Theo đó, các lựa chọn về hình khối, hình dáng cho công trình được ưu tiên sử dụng để tiết kiệm năng lượng là khối trụ tròn, khối đa diện đều, khối trụ vuông, khối trụ chữ nhật, khối lồi lõm phức tạp…

Ngoài ra, có thể sử dụng các nguyên vật liệu có thể dùng trong xây dựng công trình xanh như kính tiết kiệm năng lượng, các vật liệu xanh, thân thiện môi trường tiêu biểu như dòng gạch không nung, sử dụng thay thế cho gạch nung gây ô nhiễm môi trường. Sử dụng các vật liệu chống nhiệt, chống thấm tốt cũng giúp tiết kiệm năng lượng sử dụng cho công trình. Sử dụng cây xanh, chiếu sáng thông minh, hài hòa với thiên nhiên…

Có thể nói, một công trình xanh cần đáp ứng được một số tiêu chí cơ bản dưới đây:

  • Sử dụng hiệu quả năng lượng, nước và các tài nguyên khác.
  • Tìm kiếm và sử dụng các năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời, năng lượng gió,…
  • Có các giải pháp giảm thiểu tối đa ô nhiễm, phế thải; đồng thời có các biện pháp tái chế, tái sử dụng hợp lý.
  • Các vật liệu sử dụng cho công trình phải là các vật liệu không độc hại và bền vững.
  • Môi trường bên trong của công trình phải có chất lượng không khí đảm bảo.
  • Trong quá trình thiết kế, thi công và vận hành cần phải tính đến các yếu tố môi trường và tính đến chất lượng cuộc sống.
  • Thiết kế đảm bảo phù hợp với sự biến đổi của môi trường.

Về lợi ích của công trình xanh có thể kể đến 3 lợi ích cơ bản như lợi ích về môi trường, lợi ích về kinh tế và lợi ích về xã hội.

Ở mặt lợi ích về môi trường, công tình xanh giúp giảm khí thải, có thể kể đến như các chất gây ô nhiễm từ nhà máy nhiệt điện là một phần nguyên nhân của biến đổi khí hậu, gây nên các vấn đề về chất lượng không khí như mưa a-xít hay sương khói và đe dọa sức khỏe con người. Các giải pháp công trình xanh như sử dụng năng lượng mặt trời, chiếu sáng tự nhiên và các tiện ích giao thông công cộng làm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm khí thải độc hại. 

Ở mặt lợi ích về kinh tế, công trình xanh đem đến sự tiết kiệm năng lượng và nước. Hiệu quả sử dụng tài nguyên nhờ vào thiết kế và công nghệ xanh giúp giảm thiểu đáng kể chi phí vận hành, nhanh chóng bù lại cho các chi phí phụ trội của dự án cũng như tiết kiệm về lâu dài. Số tiền trước đây dành cho chi phí tiện ích có thể được sử dụng cho những mục đích khác.

Đập nước Marina Barrage (Singapore).

Đập nước Marina Barrage (Singapore).

Ở mặt lợi ích về xã hội, công trình xanh giúp cải thiện sức khỏe. Chất lượng môi trường bên trong công trình không đảm bảo do các nguyên nhân như thiếu sự không khí, thiếu ánh sáng, ẩm mốc, chênh lệch nhiệt độ, chất liệu đồ nội thất, thuốc trừ sâu, chất kết dính và sơn độc hại, nồng độ chất ô nhiễm cao (thường cao hơn ngoài trời 10 đến 100 lần) góp phần gây ra các bệnh về hô hấp, dị ứng, buồn nôn, đau đầu và phát ban. Công trình xanh chú trọng đến hệ thống thông gió và các vật liệu không độc hại, ít phát thải nhằm tạo nên môi trường sống và làm việc tiện nghi và an toàn cho sức khỏe con người.

Hiện nay, có 3 tiêu chuẩn phổ biến để đánh giá chất lượng và mức độ “xanh” của một công trình, đó là: Tiêu chuẩn LOTUS của Việt Nam, LEED (Leadership In Energy & Environment Design) của Mỹ và Tiêu chuẩn EDGE của tổ chức IFC thuộc Ngân hàng Thế giới.

Ngoài ra, còn có một số tiêu chuẩn khác ít phổ biến tại nước ta như: GREEAM (Anh), Green Star (Úc), GBI (Malaysia), CASBEE (Nhật), HQE (Pháp), Green Mark (Singapore)... cũng được dùng để đáng giá công trình xây dựng xanh.