Ngọc Lan ·
1 năm trước
 1369

Công ty Alibaba vẽ 58 dự án “ma” trên đất nông nghiệp như thế nào?

Vẽ ra 58 dự án “ma” trên đất nông nghiệp để lừa đảo hơn 4000 người, vụ án liên quan Công ty Alibaba lập kỷ lục là vụ án lừa đảo lớn nhất trong ngành Bất động sản Việt Nam.

Mánh khóe lừa đảo qua 5 bước

Trong quá trình điều tra vụ án vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xảy ra tại Công ty Alibaba, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an TP.HCM đã làm rõ phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Thái Luyện chủ mưu, chỉ đạo các đồng phạm thực hiện gồm 5 bước.

Cụ thể, Luyện dùng một phần tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt được từ khách hàng để chỉ đạo người thân, nhân viên thân tín thuộc Công ty Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Thuận.

Sau đó, Luyện chỉ đạo người thân, nhân viên Công ty Alibaba đã đứng tên nhận chuyển nhượng đất trên, lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện tổ chức thành lập, để các công ty này vẽ dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp, rồi phân lô, tách thửa trái quy định pháp luật.

Công ty Alibaba đvẽ hàng loạt dự án "ma" đất nông nghiệp với số lượng lớn tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Thuận...

Sau khi nhận được ủy quyền, các pháp nhân trên với tư cách là chủ đầu tư đã tự vẽ dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô (tách thửa từ 100 m2 đến dưới 400 m2 trái quy định, có ghi rõ đất thổ cư, thời hạn sử dụng lâu dài…) rồi tự quảng cáo bán sản phẩm, không thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật về việc lập dự án, đăng ký với cơ quan quản lý đất đai để chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tách thửa đất.

Chưa dừng lại ở đó, Luyện tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong dự án (tự vẽ) với Công ty Alibaba để Công ty Alibaba trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng, nhằm mục đích che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án trên, đồng thời tạo ra giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng là các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng theo luật Kinh doanh bất động sản mà đồng ý mua.

Cuối cùng, sau khi khách hàng đồng ý mua, Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên trên ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho khách hàng, nhưng tiền thu được thì nộp về Công ty Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng.

Cam kết mua lại với giá cao hơn để tạo lòng tin

Kết luận điều tra (KLĐT) của PC03 thể hiện, để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Nguyễn Thái Luyện đã đưa ra cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng, hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng. Với phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán đều không nhận được giấy chứng nhận QSDĐ dưới dạng thổ cư như cam kết khi đến hạn…

“Toàn bộ dự án dân cư được vẽ lập trái phép trên một diện tích đặc biệt lớn đất nông nghiệp mà Công ty Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng, không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, nên không được xem là hợp đồng dân sự hợp pháp để có thể thực hiện theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo. Do đó, số tiền mua đất nền của khách hàng được xác định đã bị chiếm đoạt bởi hành vi chuyển nhượng QSDĐ thổ cư không có thật của Nguyễn Thái Luyện cùng đồng phạm tại thời điểm nhận tiền thanh toán từ khách hàng”, KLĐT nêu ra.

Theo PC03, ngoài hoạt động lừa đảo trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản như trên, Công ty Alibaba không có thêm hoạt động kinh doanh hợp pháp nào khác. Vì vậy PC03 xác định toàn bộ nguồn thu của Công ty Alibaba là bất hợp pháp.

Nguyễn Thái Luyện và các bị can trong vụ án liên quan đến Công ty Alibaba

Đối với hành vi rửa tiền, PC03 xác định, các bị can Nguyễn Thị Thanh Mai, Nguyễn Thái Lực và Huỳnh Thị Kim Thắng đã chuyển số tiền 13 tỷ đồng có nguồn gốc bất hợp pháp, chiếm đoạt được của khách hàng lần lượt qua các tài khoản của ba bị can này mở tại một ngân hàng. Sau đó rút và sử dụng cho cá nhân, hợp thức hóa nguồn tiền nói trên…

Với phương thức bài bản 5 bước nêu trên, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán, đều không nhận được giấy chứng nhận QSDĐ dưới dạng thổ cư như cam kết khi đến hạn, mà sau đó sẽ được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.

Theo PC03, toàn bộ dự án dân cư được "vẽ" trái phép trên một diện tích đặc biệt lớn đất nông nghiệp mà Công ty Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ. Do đó, không được xem là hợp đồng dân sự hợp pháp để có thể thực hiện theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.

Sáng 8/12, TAND TP.HCM bắt đầu đưa vụ án Công ty Alibaba lừa đảo, rửa tiền ra xét xử sơ thẩm. Sáng cùng ngày, nhiều bị hại của Công ty Alibaba đến tòa án để hỏi, làm thủ tục tham dự phiên tòa. 

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty Alibaba), Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện), Nguyễn Thái Lực (31 tuổi, em ruột của Luyện và Lĩnh) và Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện) cùng 18 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngoài tội danh trên, 2 bị cáo Võ Thị Thanh Mai và Nguyễn Thái Lực còn bị đưa ra xét xử thêm về tội “rửa tiền”. Riêng bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán Công ty địa ốc Alibaba) bị đưa ra xét xử về tội “rửa tiền”.

Tổng cộng trong vụ Công ty Alibaba lừa đảo, “rửa tiền”,Luyện và đồng phạm đã thành lập 22 công ty, vẽ ra 58 dự án không có thật; tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, lừa bán cho hàng nghìn người, chiếm đoạt số tiền 2.260 tỉ đồng.