Thanh Loan ·
3 năm trước
 10610

Công ty Thuận Hưng: Công trình trái phép được xây dựng nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại sau 18 năm, mức xử phạt liệu có thoả đáng?

Hơn 2000m2 khu đất vượt thu hồi của Công ty Thuận Hưng vẫn ngang nhiên tồn tại và vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Và đến tận 18 năm sau, công ty này mới chỉ được yêu cầu dừng việc thi công lại. Phải chăng đã có sự buông lỏng và thờ ơ trong việc quản lý để Công ty này mặc nhiên thực hiện các sai phạm của mình?

Công ty Thuận Hưng vượt đất thu hồi hơn 2000m2

Công ty Cổ Phần Thuận Hưng (Công ty Thuận Hưng) có địa chỉ tại lô 49K khu công nghiệp Quang Minh (KCN Quang Minh) thuộc thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh, TP Hà Nội (trước đây thuộc Vĩnh Phúc).

Ngày 1/4/2004, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt thu hồi và giao đất cho Công ty Thuận Hưng thuê đất xây dựng Nhà máy sản xuất Calcium Carbonate tại KCN Quang Minh.

Theo đó, phê duyệt thu hồi 21.576m2 đất bao gồm: đất nông nghiệp có diện tích là 20.910,7m2; đất chuyên dùng có diện tích là 665,3m2. Trong đó, diện tích xây dựng cơ bản là 19.096m2 và diện tích đất trồng cây xanh là 2.480m2.

Vị trí, ranh giới khu đất thu hồi được xác định theo đường chỉ giới EFBC và đất giao cho thuê theo chỉ giới ABCD thể hiện trong trích lục bản đồ địa chính tỉ lệ 1/500, do Trung tâm đo đạc và bản đồ xác lập tháng 11/2003, có xác nhận của UBND xã Quang Minh, UBND huyện Mê Linh, sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc và được UBND tỉnh phê duyệt kèm theo quyết định này.

công ty thuận hưng xây dựng công trình trái phép

Ngoài ra, Giám đốc Công ty Thuận Hưng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các chủ sử dụng đất có đất bị thu hồi theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp quy định của Nhà nước hiện hành; sử dụng đất đúng mục đích, vị trí, ranh giới được giao và chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai.

Thế nhưng, vào ngày 8/12/2003, Công ty Thuận Hưng đã trình tờ đơn lên Sở Tài chính tỉnh Vĩnh phúc xin phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng với diện tích lên tới 23.712,2m2.

Và cũng kể từ đó, Công ty này đã tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng theo tờ đơn đã trình trên.

Dựa trên cơ sở đó, Công ty Thuận Hưng thực tế đã vượt 2.136,2m2 diện tích đất đền bù giải phóng mặt bằng. Số đất này có nguồn gốc được xác định là đất nông nghiệp quỹ I giao cho các hộ gia đình và được Công ty Thuận Hưng tự ý xây dựng thêm 5 công trình khác vào năm 2008.

Cụ thể, công trình 1 có diện tích 60m2; công trình 2 có diện tích 45m2; công trình 3 có diện tích 498,8m2; công trình 4 có diện tích 116,2m2; công trình 5 có diện tích 336m2.

Được biết, mới đây, phía người dân sinh sống gần công trình phản ánh công trình 05 có diện tích 336m2 (nhà ăn) đã được hoàn thiện xong toàn bộ và đưa vào sử dụng.

Câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền

Theo Nguoiduatin, sự việc này được UBND huyện Mê Linh giao cho các phòng ban chuyên môn là đội Quản lý Trật tự Xây dựng (QLTTXD) huyện Mê Linh và phòng Quản lý Đô thị (QLĐT) huyện Mê Linh xử lý.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Đội phó đội QLTTXD huyện Mê Linh cho biết: “Sáng nay chúng tôi đang họp về việc này, tuy nhiên chúng tôi chưa thấy ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo huyện về việc trả lời và cung cấp thông tin cho báo chí. Nội dung cụ thể thì phòng QLĐT huyện chủ trì”.

Tuy nhiên, ông Đỗ Quốc Toản, Trưởng phòng QLĐT huyện Mê Linh lại cho biết: “Sự việc trên UBND huyện đã họp nhiều lần, giao cho phòng chuyên môn, phòng QLĐT đã tiến hành phối hợp họp cùng đội QLTTXD để tìm phương án xử lý, đội cũng đã có văn bản báo cáo tới Phó Chủ tịch huyện”.

“Tuy nhiên phòng QLĐT chỉ là đơn vị tham mưu xử lý sự việc còn chức năng chính thuộc thẩm quyền của đội QLTTXD. Như vậy việc đồng chí Sơn - Đội phó đội QLTTXD huyện - cho rằng trách nhiệm thuộc phòng QLĐT là không đúng”, ông Toản cho hay.

Ông Toản cũng cho biết thêm: “Tôi chưa nhận được văn bản đề xuất, yêu cầu cấp phép xây dựng sửa chữa nào và cũng chưa cấp bất kì giấy phép xây dựng nào cho phía công ty này”.

Ngày 1/6/2021, UBND huyện Mê Linh yêu cầu Công ty Thuận Hưng dừng ngay việc thi công xây dựng các công trình khi chưa được cấp phép xây dựng.

Công văn cũng yêu cầu công ty này chủ động liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn lập hồ sơ điều chỉnh chủ chương đầu tư, hoàn thiện các thủ tục đất đai và xây dựng theo đúng quy định.

Như vậy, sau 18 năm xảy ra sự việc, mức xử lý sự việc này chỉ dừng lại ở “yêu cầu dừng thi công”. Hơn nữa, khi được hỏi đến sai phạm của Công ty Thuận Hưng, UBND cũng như các phòng ban chuyên môn huyện Mê Linh đùn đẩy trách nhiệm cho nhau dù sự việc sai phạm đã tồn tại công khai trong một khoảng thời gian dài.

Qua đó, tôi bỗng thắc mắc liệu rằng có sự buông lỏng và thờ ơ trong công tác quản lý, giám sát của cơ quan chức năng dẫn đến việc sai phạm “sừng sững” suốt 18 năm không? Nếu có, sự buông lỏng và thờ ơ này sẽ diễn ra trong bao lâu? Mức xử lý những sai phạm này là gì? Tôi vẫn chờ đợi câu trả lời thích đáng từ cơ quan chức năng.