Thanh Tâm ·
1 năm trước
 3489

COP27: Chung tay phối hợp thúc đẩy nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu

Trong khuôn khổ ngày làm việc thứ ba Hội nghị COP27 đang diễn ra tại Ai Cập (ngày 8/11), Phó Tổng thống Indonesia Ma'ruf Amin đã nhấn mạnh 3 giải pháp liên quan đến nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Hội nghị COP27 được tổ chức trong bối cảnh áp lực ngày càng gia tăng của việc thực thi các cam kết về khí hậu, nhằm đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu và cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo, những quốc gia đang chịu nhiều thiệt hại nhất của biến đổi khí hậu.

Phát biểu với các đoàn đại diện trước phiên thảo luận chính thức, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ, khí thải nhà kính vẫn tiếp tục tăng, nhiệt độ toàn cầu vẫn không ngừng tăng lên và Trái Đất đang di chuyển ngày càng nhanh đến những điểm tới hạn mà khí hậu sẽ biến đổi một cách không thể đảo ngược.

Trong khuôn khổ ngày làm việc thứ ba Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập (ngày 8/11), Phó Tổng thống Indonesia Ma'ruf Amin đã nhấn mạnh 3 giải pháp liên quan đến nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Hội nghị COP27 diễn ra nhằm đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu và cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo, những quốc gia đang chịu nhiều thiệt hại nhất của biến đổi khí hậu. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thứ nhất là biến COP27 thực thi thực chất những cam kết đã đưa ra tại COP26. Theo đó, Phó Tổng thống Indonesia cho rằng từ COP26 năm 2021 tại Glasgow đến nay hầu như không có tiến bộ nào đáng kể nỗ lực chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Do đó, COP27 không nên dừng lại ở những khẩu hiệu mà cần triển khai thực chất bao gồm việc cam kết của những quốc gia phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển.

Thứ hai, các bên cần chung tay phối hợp để thúc đẩy nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu, ngăn chặn sự nóng lên của Trái Đất. Ông Ma'ruf Amin cho rằng tất cả các quốc gia phải đóng góp theo năng lực của mình, với tinh thần chia sẻ gánh nặng. Các quốc gia có năng lực hơn phải giúp đỡ và trao quyền cho các quốc gia khác.

Thứ ba, Phó Tổng thống Ma'ruf Amin khẳng định Indonesia sẽ tiếp tục đi đầu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu bao gồm việc đề xuất Mở rộng đóng góp hạn định quốc gia (ENCD) hoặc cam kết của Indonesia về Đóng góp nhiều hơn vào chương trình Duy trì nhiệt độ toàn cầu.

Đồng thời, Indonesia giữ vững mục tiêu giảm lượng khí thải xuống 31,8% theo năng lực và giảm 43,2% từ hỗ trợ quốc tế. Mức giảm này phù hợp với những chính sách về khí hậu mà Indonesia đang triển khai bao gồm bảo tồn và phục hồi thiên nhiên, cũng như hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070.

Để đảm bảo tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng, Indonesia đã triển khai chương trình Nền tảng quốc gia về cơ chế chuyển đổi năng lượng. Tất cả những nỗ lực quốc gia này cần phù hợp và có sự hỗ trợ của quốc tế bao gồm tạo ra một thị trường carbon hiệu quả và công bằng, đầu tư cho quá trình chuyển đổi năng lượng và tài trợ cho hành động khí hậu.

Hơn nữa, với tư cách là Chủ tịch G20 năm 2022, Indonesia sẽ tiếp tục khuyến khích phục hồi xanh và hành động vì khí hậu mạnh mẽ và bao trùm. Bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu tiếp tục sẽ là một trong những ưu tiên của Indonesia trong năm 2023 khi đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN.

Cũng trong ngày 8/11, báo cáo do chính phủ hai nước Anh và Ai Cập cùng thực hiện và được công bố tại Hội nghị COP27. Theo đó, báo cáo nêu rõ các nước phát triển, các nhà đầu tư và các ngân hàng phát triển đa phương nên đóng góp khoảng 1.000 tỷ USD. Trong khi đó, các nguồn quỹ công và tư nhân tại các nước đang phát triển nên đóng góp số tiền còn lại - khoảng 1.400 tỷ USD. 

Bên cạnh đó, các nước đang phát triển và mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ cần khoản đầu tư khoảng 2.000 tỷ USD/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu. Các khoản đầu tư trên nhằm để thích ứng với tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu, như thực hiện các biện pháp bảo vệ và xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc hơn bao gồm cả đê điều và hệ thống cảnh báo sớm.

Đối với những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu mà các nước phải chịu thiệt hại, số tiền trên sẽ giúp cứu trợ nhóm người gặp rủi ro, sửa chữa cơ sở hạ tầng thiết yếu và phục hồi các dịch vụ như y tế và giáo dục tại các nước này.

Đây là một trong số những báo cáo đầu tiên vạch ra khoản đầu tư cần thiết vào 3 lĩnh vực lớn được đề cập tại COP27 gồm: giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái Đất nóng lên, thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai và bồi thường cho những nước nghèo và dễ bị ảnh hưởng bởi những thiệt hại do biến đổi khí hậu.