Theo cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, nhiều quốc gia, cá nhân đã đưa ra các tầm nhìn, chúng ta không cần thêm nữa. Chúng ta cần một hội nghị COP của các giải pháp, một hội nghị COP của các hành động".
Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng kêu gọi Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nước chủ nhà Hội nghị trong năm nay cân nhắc “hài hòa hóa” giữa việc thích nghi với những thiệt hại, tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra.
“Chúng ta phải giúp các nước đang phát triển thích nghi với điều kiện đang thay đổi, nhưng nếu điều kiện đã bị tổn hại thì sao? Chúng ta cần hỗ trợ để các nước có thể phục hồi từ những tổn thất và thiệt hại đó”, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 14/1, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) kêu gọi tập trung vào các mục tiêu giảm khí thải, đồng thời cảnh báo nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tiếp tục tăng.
Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) được tổ chức tại Dubai trong tháng 11 và 12/2023.
Cùng với năng lượng tái tạo và các giải pháp khác, những nhiên liệu hóa thạch ít gây ô nhiễm sẽ vẫn góp phần trong các nguồn cung năng lượng. Chủ tịch COP28 nhấn mạnh, chừng nào còn sử dụng các hợp chất hydrocarbon, thế giới phải đảm bảo loại sử dụng có hàm lượng carbon ít nhất có thể.
Do đó, ngành năng lượng cần nhanh chóng phi carbon hóa, giảm khí methane và tăng cường khí hydro đồng thời kêu gọi tập trung vào mục tiêu giảm phát thải.
Đầu tư của UAE vào năng lượng tái tạo trong nước gồm nhiều dự án năng lượng Mặt Trời lớn nhất toàn cầu xuyên suốt 15 năm qua đã đem lại chi phí năng lượng Mặt Trời thấp nhất trên thế giới.
Đầu tư quốc tế của UAE cũng góp phần cắt giảm đáng kể chi phí cho năng lượng tái tạo trong thập kỷ qua, góp phần định hình lại thị trường năng lượng toàn cầu.
UAE cũng đang đi tiên phong trong thu thập và lưu trữ carbon để khử carbon trong ngành công nghiệp nặng và đi đầu các sáng kiến trong nông nghiệp thông minh với biến đổi khí hậu và ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học.
Được biết, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ chủ trì hội nghị COP28 tại Dubai trong tháng 11 và 12/2023. Ngày 12/1, nước này công bố lựa chọn ông Al Jaber làm Chủ tịch COP28.
Hội nghị COP27 diễn ra tại Ai Cập tháng 11/2022 đã tạo được dấu ấn với thỏa thuận về quỹ đền bù cho những tổn thất từ các thảm họa tự nhiên liên quan đến biến đổi khí hậu mà các nước đang phát triển phải gánh chịu, cũng như làm chậm lại những tác động như hiện tượng nước biển dâng.
Đây là một trong những thỏa thuận mang tính đột phá về vấn đề gai góc nhất, theo đó lập một quỹ đền bù cho những nước nghèo chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Thỏa thuận đã làm tăng niềm tin về việc cộng đồng quốc tế có thể tìm được tiếng nói chung trong nỗ lực bảo vệ hành tinh xanh.
Trong khung khổ COP27, quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hại chi trả cho những tổn thất mà các nước dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của biến đổi khí hậu, đã được nhất trí thông qua sau hai tuần đàm phán căng thẳng. Quỹ này đáp ứng yêu cầu của các nước đang phát triển, theo đó các nước giàu có lượng phát thải lớn phải bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà các nước đang phát triển phải gánh chịu do các hình thái thời tiết cực đoan.
Cùng với thỏa thuận quan trọng nêu trên, COP27 cũng đã ghi nhận một loạt cam kết và hành động mạnh mẽ của các quốc gia trong nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thông báo hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký hiệp ước Cam kết Methane toàn cầu nhằm giảm khí methane, tăng khoảng 50 quốc gia tham gia so với thời điểm sáng kiến này được công bố tại COP26 ở Scotland vào năm ngoái.
Cam kết cắt giảm 30% khí methane gây hiệu ứng nhà kính trong thập kỷ này được xem là một tiêu chí quan trọng trong số các nỗ lực toàn cầu nhằm duy trì mức tăng nhiệt của Trái đất không vượt quá 1,5 độ C - ngưỡng nhiệt độ mà các nhà khoa học khuyến nghị cần phải duy trì để tránh những tác động tiêu cực nhất do biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, điểm nhấn nổi bật tại COP27 là việc Đặc phái viên Trung Quốc về biến đổi khí hậu Giải Chấn Hoa bày tỏ hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác trực tiếp với người đồng cấp Mỹ John Kerry sau khi kết thúc COP27. Được biết, Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng là hai nước phát thải khí nhà kính lớn nhất toàn cầu. Sự hợp tác giữa hai cường quốc này được coi là yếu tố sống còn đối với các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu.