Trung Hiếu ·
3 năm trước
 2093

Covid đã 'cuốn đi' 1/4 mức thu nhập bình quân, cần chính sách ‘hút’ người lao động phục hồi sau đại dịch

Cơn "bão" COVID-19 lần thứ 4 đã "cuốn" đi 1/4 mức thu nhập bình quân của nhiều người lao động tại vùng Đông Nam Bộ. Đây chính là nơi chịu tổn thương nặng nề từ dịch bệnh. Bởi vậy, cần có chính sách hỗ trợ người lao động phục hồi sau đại dịch.

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê cũng xác nhận rằng dịch COVID-19 khiến lao động ở vùng Đông Nam Bộ chịu tổn thương nặng nề nhất với mức thu nhập giảm sâu. 

vận động người lao động trở lại làm việc

Bình Dương vận động người lao động về quê tự phát trở lại làm việc. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, thu nhập bình quân của lao động vùng này là 5,7 triệu đồng, giảm 2,4 triệu đồng (giảm tương ứng 29,8%) so với quý trước và giảm 1,9 triệu đồng (giảm tương ứng 24,9%) so với cùng kỳ. Riêng thu nhập bình quân tháng của người lao động Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là 5,8 triệu đồng, là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Tính chung, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý III là 5,2 triệu đồng, giảm 877 nghìn đồng so với quý trước và giảm 603 nghìn đồng so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,4 lần (6 triệu đồng so với 4,3 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn lao động ở khu vực nông thôn 1,35 lần (6,2 triệu đồng so với 4,6 triệu đồng). Như vây, dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của người lao động.

Thời gian giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương để phòng COVID-19 suốt mấy tháng qua đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp quý 3/2021 vượt xa con số 2% như thường thấy. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%, tăng 2,18% so với quý trước và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý 3/2021, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động hơn 1,7 triệu người, tăng 532,2 nghìn người so với quý 2/2021 và tăng 449,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3/2021 là 3,98%, tăng 1,36% so với quý 2/2021 và tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước.

Trước tình hình ảm đạm nói trên, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường. 

Theo Tổng cục Thống kê, việc kéo dài giãn cách xã hội đã làm trầm trọng hơn thị trường lao động và ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Ngược lại, lao động trong ngành nông nghiệp lại có xu hướng tăng, trái ngược với những xu hướng thường thấy trước đây, chủ yếu là do số lao động mất việc tại các tỉnh thành phía Nam quay trở về địa phương và làm nghề nông.

Dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức làm số lao động trong khu vực này giảm mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức khiến người lao động không còn cơ hội tìm được việc làm phi chính thức như thường thấy trước đây. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người lao động không thể tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời trong giai đoạn này.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến nhấn mạnh: Thời gian tới, Việt Nam cần quyết liệt thực hiện biện pháp kiểm soát COVID-19, nhất là tại thành phố lớn, các địa phương có nhiều khu công nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine, sử dụng nguồn lực tổng hợp để sớm tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 cho người dân để tạo cơ chế miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất.

hỗ trợ người lao động

Vừa thực hiện phòng chống dịch vừa lao động sản xuất

"Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp nên phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch; xây dựng các chương trình, chính sách khuyến khích người lao động, đặc biệt thanh niên tích cực học tập nâng cao trình độ để có các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh của nền kinh tế", ông Nguyễn Trung Tiến cho biết.

Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các địa phương thiết lập kênh thông tin chính thống, chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động về chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách hỗ trợ lao động và thu hút lao động để cải thiện bức tranh lao động. Ngoài ra, cần công bố kế hoạch về xét nghiệm, kiểm soát dịch bệnh của địa phương để họ xây dựng và thực hiện các kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất.