Cụ thể, Cá Tầm Việt Nam đã tiến hành mua lại 527,4 tỷ đồng trong số 1.245,6 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của lô CTVCH2224001.
Trước đó, vào ngày 10/2, Tập đoàn Cá Tầm cũng mua lại trước hạn 232 tỷ đồng của chính lô trái phiếu này.
Lô trái phiếu CTVCH2224001 có thời hạn 2 năm và được phát hành trong 3 tháng từ ngày 10/2 – 10/5/2022 với tổng mệnh giá 1.477,6 tỷ đồng.
Được biết, Cá Tầm Việt Nam là một doanh nghiệp thành viên trong hệ sinh thái của doanh nhân Lê Anh Đức. Công ty được thành lập vào năm 2009 có vốn điều lệ 410 tỷ đồng. Trong hệ sinh thái của ông Đức còn có các công ty bất động sản sở hữu các dự án “khủng” gồm: CTCP Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang, CTCP Trần Thái Cam Ranh, CTCP CLB Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh....
Ông Lê Anh Đức. Nguồn ảnh: Internet.
Trên thương trường, ông Lê Anh Đức được biết đến với cái tên Đức “cá Tầm”, ông mang tham vọng đưa Việt Nam trở thành nguồn cung trứng cá tầm hàng đầu thế giới. Ông được xem như là người đầu tiên thành công trong việc nuôi và sản xuất sản phẩm liên quan đến cá tầm tại Việt Nam. Năm 2011 thương hiệu xa xỉ trứng cá tầm Caviar de Đuc ra mắt sau nhiều năm thử nghiệm và nghiên cứu, từ đó đánh dấu tên tuổi ông Đức “Cá tầm” trên thương trường.
Trong đó, CLB Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh được biết đến là chủ đầu tư dự án Cam Ranh City Gate quy mô 40ha đất và 7ha mặt nước nằm cạnh Sân bay Quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa). Còn Vịnh Nha Trang là chủ đầu tư của hàng loạt dự án tại tỉnh Khánh Hòa như Panorama Nha Trang, The Arena Cam Ranh, Panorama Cam Ranh, Panorama City...
Không chỉ ở lĩnh vực bất động sản, doanh nhân này còn lấn sân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo với dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu (công suất 65 MW, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng) tại tỉnh Ninh Thuận. Thế nhưng, đến năm 2021, Vịnh Nha Trang đã chuyển nhượng dự án này cho CTCP Green Energy Phước Hữu - một doanh nghiệp hiện nằm trong hệ sinh thái của tập đoàn TNG Holdings.
Bên cạnh đó, Vịnh Nha Trang đã phát hành thành công lô trái phiếu VNT.BOND.2019 vào tháng 6/2019 với tổng mệnh giá 650 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư duy nhất mua trọn lô trái phiếu của Vịnh Nha Trang là Maritime Bank.
Trong khi nhiều doanh nghiệp xin khất nợ trái phiếu thì những đơn vị khác lại đẩy mạnh mua gom trước hạn. Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết có nhiều lý do lý giải cho việc doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn đã phát hành. Thứ nhất là dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu đang triển khai nhưng doanh nghiệp thấy không còn khả thi. Doanh nghiệp chọn mua lại sớm do muốn trả nợ cho các trái chủ để giảm gánh nặng tài chính. Thứ hai là bất ngờ doanh nghiệp có nguồn vốn dư thừa hoặc vay được nguồn khác có lãi suất thấp hơn trái phiếu. Nếu mua lại sớm trái phiếu sẽ giúp họ giảm được chi phí vốn. Thứ ba, việc mua lại trước hạn bắt nguồn từ Nghị định 65. Nghị định này cho phép các nhà phát hành mua lại trái phiếu trước hạn nếu các trái chủ yêu cầu. Tuy vậy, với những đợt phát hành trái quy định pháp luật, bao gồm việc sử dụng vốn sai mục đích, các nhà phát hành buộc phải mua lại trước hạn nếu không muốn bị xử lý theo quy định pháp luật. |