Bích Ngọc ·
1 năm trước
 2485

Nguyên nhân nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn là gì?

Có khả năng, thời gian gần đây sự gia dư nợ margin đến từ các hoạt động đi vay của lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông lớn để bù đắp sự thiếu hụt cho nguồn vốn do siết chặt trái phiếu và room tín dụng hạn chế.

Thị trường trái phiếu chứng kiến nhiều biến động mạnh trong thời gian qua, nhất là từ sau vụ việc của Tân Hoàng Minh và mới đây là Vạn Thịnh Phát. Các doanh nghiệp ngày càng có xu hướng mua lại trái phiếu trước hạn. Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đã lên đến hơn 142.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 67%.

Ngân hàng là nhóm mua lại trái phiếu nhiều nhất từ đầu năm, tiếp đó là các doanh nghiệp bất động sản. Trong top 20 cái tên mua lại trái phiếu nhiều nhất từ đầu năm có nhiều doanh nghiệp chưa niêm yết như Công ty Azura (8.200 tỷ đồng), Yamagata (6.500 tỷ đồng), Osaka Garden (3.400 tỷ đồng), Công ty Bông Sen (2.400 tỷ đồng), Cáp treo Bà Nà (2.250 tỷ đồng)...

Bên cạnh đó, cái tên hiếm hoi đang niêm yết nằm trong danh sách trên Gelex (GEX). Từ đầu năm, doanh nghiệp này đã có nhiều đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị lên đến hơn 2.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đang niêm yết dù không nằm trong top đầu nhưng cũng đã, đang và có kế hoạch mua lại lượng lớn trái phiếu trước hạn.

Trong đó có Novaland (NVL) đã có 3 đợt mua lại trái phiếu trước hạn từ đầu năm với tổng giá trị hơn 1.150 tỷ đồng. Mới đây vào hồi giữa tháng 10, Sunshine Homes (SSH) cũng đã mua lại 500 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Chứng khoán VIX đã có 2 đợt mua lại trái phiếu trước hạn từ đầu năm với tổng giá trị 500 tỷ đồng; Becamex IDC (BCM) cũng đã mua lại 579 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Mới đây bất động sản An Gia (AGG) đã thông qua phương án mua lại 300 tỷ đồng trái phiếu sau khi đã mua lại 680 tỷ đồng trái phiếu trước hạn từ đầu năm.

Novaland đã có ba đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị hơn 1.150 tỉ đồng. Nguồn ảnh: Internet

Dư địa cho vay margin còn khoảng 200.000 tỷ đồng

Làn sóng mua lại trái phiếu trước hạn diễn ra “ồ ạt” trong bối cảnh dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán đã bất ngờ tăng trở lại trong quý 3 vừa qua. Theo ước tính, dư nợ cho vay toàn thị trường tính tới cuối quý 3/2022 vào khoảng 165.000 tỷ đồng (~6,8 tỷ USD), tăng khoảng 15.000 tỷ so với quý trước. Nếu tính thêm cho vay 3 bên, con số thực tế có thể lớn hơn. Trong đó, dư nợ cho vay margin ước tính có khoảng 153.000 tỷ đồng, còn lại là ứng trước tiền bán.

Sau những biến động vừa qua, tâm lý nhà đầu tư (cá nhân chiếm chủ yếu) vẫn rất thận trọng, có nhiều khả năng dư nợ margin thời gian gần đây đến từ các hoạt động đi vay của doanh nghiệp, cổ đông lớn để bù đắp sự thiếu hụt nguồn vốn do siết chặt trái phiếu và room tín dụng hạn chế.

Ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC cho biết, con số này ước tính khoảng 20.000 tỷ đồng trong quý vừa qua. Hiện giờ, nguồn tiền của các CTCK còn khá nhiều và ông cho rằng trong quý 4 xu hướng trên sẽ vẫn có thể tiếp diễn.

Tuy vậy, đáng lưu ý là nguồn lực này cũng bị hạn chế bởi quy định giới hạn cho vay ký quỹ tối đa 2 lần vốn chủ sở hữu. Tổng vốn chủ sở hữu của các CTCK tại thời điểm cuối quý 3 theo thông kê vào khoảng 180.000 tỷ, tương ứng dư nợ margin tối đa 360.000 tỷ đồng. Như vậy, ước tính trong thời gian tới các CTCK sẽ còn khoảng 200.000 tỷ đồng có thể cho vay margin.

Sau khi định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 16/9 áp lực mua lại trái phiếu trước hạn là khá rõ ràng với các doanh nghiệp . Được biết, doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, trong thời gian tới áp lực còn đến từ lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn. Theo VCBS, trong năm nay có khoảng 85.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn, trong đó tập trung ở nhóm các ngân hàng (chiếm 53,4%), bất động sản (chiếm 27%). Ước tính con số này trong giai đoạn 2023-2024 lên đến 790.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành.

Theo VCBS, thời gian tới khối lượng đáo hạn và khả năng trả gốc và lãi trái phiếu, cũng như khả năng huy động vốn của doanh nghiệp sẽ là yếu tố cần theo dõi. Điều này cũng đồng nghĩa nếu không có các biện pháp kiểm soát tốt rủi ro thanh khoản tăng đối với thị trường tài chính.