Nguyễn Đức Khiển ·
3 năm trước
 2473

Cùng nông dân xây dựng mô hình sản xuất sạch

Cùng nông dân thực hiện và liên kết những mô hình xây dựng mô hình nông nghiệp sạch, hữu cơ, sản xuất hiệu quả cao,... đang là hoạt động thiết thực của Hội Nông dân thành phố Hà Nội.

Qua đó, tạo hiệu ứng tích cực, giúp nông dân tăng thu nhập, hướng tới những mô hình sản xuất chất lượng cao, giá trị lớn.

Hợp tác xã Rau cần Khai Thái ở xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) là một điển hình từ mô hình liên kết nông dân trong sản xuất. Chủ tịch Hội Nông dân xã Khai Thái Nguyễn Tiến Cường cho biết, toàn xã có 35ha sản xuất rau cần. Để hướng tới xây dựng thương hiệu rau cần Khai Thái, các hộ nông dân đã liên kết thành lập Hợp tác xã Rau cần Khai Thái. Đến nay, mô hình này thu hút 23 hội viên tham gia sản xuất với gần 5.000m2. Ngoài ra, hợp tác xã còn liên kết với nông dân tạo vệ tinh cho hợp tác xã. "Toàn xã hiện có khoảng 35ha trồng rau cần Khai Thái, mỗi ngày cung cấp cho thị trường 5-7 tấn rau với giá 8.000 đồng/kg. Mỗi sào rau cần thu khoảng 1,4 tấn/lứa-30 ngày, mỗi năm thu 7 lứa, đạt khoảng 100 triệu đồng/sào/năm”, ông Cường nói.

Ngoài mô hình sản xuất rau cần Khai Thái, Hội Nông dân huyện Phú Xuyên còn hỗ trợ nông dân tham gia nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Xuyên Phạm Văn Hùng chia sẻ, từ đầu năm 2021 đến nay, Hội Nông dân các cấp của huyện đã tổ chức phát động, hướng dẫn nông dân đăng ký xây dựng 27 mô hình kinh tế tập thể mới, 48 mô hình kinh tế hộ, 13 mô hình nông dân dạy nông dân, 54 tổ hội nghề nghiệp…

Tương tự, các cấp Hội Nông dân huyện Đông Anh cũng đã hỗ trợ nông dân xây dựng nhiều mô hình sản xuất sạch. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Anh Ngô Văn Lệ thông tin, từ đầu năm đến nay, các cấp hội đã tổ chức được 23 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi thú y, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa, rau, cây ăn quả, hoa - cây cảnh cho 2.300 lượt hội viên...

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Dương Thị Hằng, từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân thành phố đã cùng các cấp hội tổ chức 111 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật cho 10.611 hội viên nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, rau an toàn, chăn nuôi gia súc gia cầm, các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh, cách sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật... Bên cạnh đó, các cấp hội còn tổ chức phát động, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình kinh tế tập thể đạt hiệu quả cao, đăng ký xây dựng 18 hợp tác xã, 818 tổ hợp tác trong các lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ...). Nhìn chung, các mô hình sản xuất sạch, liên kết của nông dân đều cho hiệu quả kinh tế khá (từ 400 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha/năm)...

Để nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng thời, góp phần xây dựng những nông dân thời đại mới, nhạy bén với thị trường, Hội Nông dân thành phố tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tập thể, mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, hoạt động dịch vụ tư vấn, đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP, nhãn hiệu sản phẩm, cửa hàng giới thiệu nông sản an toàn… Mặt khác, các cấp Hội Nông dân thành phố đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các hội nghị tọa đàm về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp an toàn; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Công văn số 1891/BTNMT-TTTN-MT đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất, giới thiệu tổ chức, cá nhân, cộng đồng có thành tích xuất sắc để xét tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021.

Lĩnh vực tham gia xét tặng giải thưởng gồm: Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, giáo dục, đào tào, truyền thông; tham vấn, tư vấn, phản biện, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường... Thời hạn tiếp nhận hồ sơ trước ngày 31/7/2021 (tính theo dấu bưu điện). Địa chỉ tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét tặng giải là Cơ quan thường trực giải thưởng - Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường), lô E2, khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

121 cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản đạt tiêu chuẩn

Bộ NN và PTNT cho biết, hiện nay, trên cở nước có tổng số 121 cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản đã được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất. Trong đó có 58 cở có vốn đầu tư nước ngoài (28 cơ sở sản xuất thức ăn cho cá, ếch; 12 cơ sở sản xuất thức ăn cho tôm; 18 cơ sở sản xuất thức ăn cho tôm, cá, ếch), công suất tối đa đạt khoảng 5,2 triệu tấn/năm (trong đó thức ăn cho cá, ếch đạt khoảng 3,5 triệu tấn) cung cấp cho thị trường; công suất tối đa ước đạt 47 triệu tấn/năm.

Trong nuôi trồng thủy sản, thức ăn có vai trò quan trọng, chiếm 40 - 70% chi phí sản xuất. Do đó, Bộ NN & PTNT đề nghị, các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ để sản xuất theo hướng hiện điện. Các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra các sản phẩm thức ăn thủy sản khi lưu thông ra thị tường đáp ứng các yêu cầu tiêu dùng.

5 sản phẩm làng nghề của Thạch Thất được công nhận nhãn hiệu tập thể

Đến nay, huyện Thạch Thất có 10 làng được thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống, đó là: Làng nghề cơ, kim khí Phùng Xá; làng nghề mây tre, giang đan Thái Hòa; làng nghề mây tre, giang đan Phú Hòa; làng nghề mây tre, giang đan Bình Xá; làng nghề mộc - xây dựng Canh Nậu; làng nghề mộc - xây dựng Dị Nậu; làng nghề bánh chè lam Thạch Xá; làng nghề truyền thống mộc dân dụng và làm nhà cổ Hương Ngải... Các làng nghề phát triển tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương. Các làng nghề truyền thống đều được bảo tồn và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp công nhận nhãn hiệu tập thể cho 5 sản phẩm làng nghề gồm: Chè lam Thạch Xá; mộc Chàng Sơn; chè kho Đại Đồng; cơ, kim khí Phùng Xá; mộc, xây dựng nhà kẻ truyền xã Hương Ngải.

Đẩy mạnh việc thống kê đàn vật nuôi

Theo Luật Chăn nuôi (có hiệu lực từ ngày 1-1-2020), việc kê khai đàn vật nuôi là bắt buộc đối với chủ hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện việc thống kê đàn vật nuôi ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt kết quả thấp, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Để khắc phục tình trạng trên, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, chú trọng hơn nữa tới công tác thống kê đàn vật nuôi, hướng tới phát triển bền vững ngành Chăn nuôi.

mô hình sản xuất sạch

Mô hình sản xuất sạch.

Người dân thiếu hợp tác

Tại Khoản 1, Điều 54, Luật Chăn nuôi quy định: Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã... Thời gian vừa qua, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện quy định này, nhưng kết quả thu được không như mong muốn do nhiều hộ chăn nuôi chưa tiến hành việc kê khai. Ông Nguyễn Văn Sinh ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) lý giải: "Gia đình tôi chỉ nuôi mấy chục con gà, kê khai làm gì mất công. Chỉ các hộ nuôi nhiều mới phải kê khai để cơ quan chức năng lấy số liệu quản lý".

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) Trần Thế Anh thông tin: Thực hiện quy định của Luật Chăn nuôi, xã đã triển khai việc kê khai đàn vật nuôi từ năm 2020, nhưng đến nay mới có trên 20% hộ chăn nuôi thực hiện. Nhiều hộ dân trên địa bàn chưa hợp tác với cán bộ thú y trong việc kê khai số lượng gia súc, gia cầm đang nuôi vì cho rằng chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ...

Trong khi đó, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết: Hiện mới có khoảng 20-30% hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện kê khai đàn vật nuôi. Chỉ có các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại chăn nuôi quy mô lớn kê khai nghiêm túc, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phần lớn chưa thực hiện. Điều này gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm để thực hiện việc tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh, cũng như định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn, việc thống kê số lượng đàn vật nuôi có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc quản lý tổng đàn và phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, cũng như định hướng phát triển ngành Chăn nuôi của Thủ đô. Ngay sau khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã phối hợp với các địa phương triển khai thống kê số lượng đàn vật nuôi nhưng kết quả còn thấp. Nguyên nhân là do chăn nuôi nhỏ lẻ của Hà Nội vẫn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 60%), trong khi người dân chưa có ý thức, thiếu hợp tác kê khai tổng đàn vì cho rằng việc này không ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Mặt khác, chính quyền cơ sở chưa quan tâm thỏa đáng, nhiều xã chỉ có một cán bộ thú y, lại phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên công tác thống kê đàn vật nuôi còn nhiều hạn chế.

Tăng cường tuyên truyền, vận động

Để việc kê khai số lượng gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả như mong muốn, ông Nguyễn Văn Lâm - Chủ trang trại ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) cho rằng: Chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để các hộ chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nhỏ lẻ hiểu được đây là trách nhiệm với cộng đồng và cũng mang lại lợi ích cho chính mình vì liên quan đến việc tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh…

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung: Huyện Thanh Oai sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ thú y làm nhiệm vụ thống kê đàn vật nuôi; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hợp tác với chính quyền cơ sở trong việc thực hiện quy định của Luật Chăn nuôi. Với những hộ dân không đăng ký, kê khai đúng quy định về đàn gia súc, gia cầm, khi có dịch bệnh xảy ra sẽ không được Nhà nước hỗ trợ.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Chính quyền địa phương cần đổi mới biện pháp tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rằng, việc kê khai số lượng gia súc, gia cầm mang lại lợi ích cho mỗi hộ chăn nuôi và cho cả cộng đồng. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phối hợp với các huyện, thị xã tập trung thực hiện công việc này; đồng thời, thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và củng cố mạng lưới thú y cơ sở để nắm rõ tổng đàn, giám sát dịch bệnh ngay từ cơ sở.

Thực tế cho thấy, việc không kê khai đàn vật nuôi của người dân đã dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho ngành Chăn nuôi, từ kiểm soát dịch bệnh đến định hướng phát triển... Do đó, để Luật Chăn nuôi đi vào đời sống và công tác thống kê đàn vật nuôi mang lại hiệu quả cao nhất thì cùng với việc thúc đẩy công tác tuyên truyền, vận động, các cơ quan chức năng cần đưa ra chế tài cụ thể, đủ sức điều chỉnh nhận thức của người chăn nuôi trong việc thực hiện các quy định của pháp luật. Từ đó tạo ra sự đồng thuận của người chăn nuôi, hướng tới những hoạt động tích cực góp phần thiết thực phát triển bền vững ngành Chăn nuôi của Thủ đô và cả nước.

Tài liệu tham khảo
1. Ngọc Quỳnh, “Đẩy mạnh việc thống kê đàn vật nuôi”, HNM 5/5/2021
2. Đức Duy, “Nhận hồ sơ xét giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021”, HNM 5/5/2021.
3. Đức Duy, “ 121 cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản đủ tiêu chuẩn”, HNM 5/5/2021.
4. Đoàn Huyền, “5 sản phẩm làng nghề cua Thạch Thất được công nhận nhãn hiệu tập thể”.

 

Nguồn Môi trường và đô thị