Đánh giá về triển vọng ngành vận tải container nửa cuối 2022 và 2023, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn tiếp diễn trong 2022. Điều này là do các chủ hàng đã vận chuyển hàng hóa từ trước đó và nhu cầu cũng giảm vì lạm phát cao.
Cước vận tải biển với các tuyến đường chính đã giảm mạnh ngay cả trong mùa cao điểm của ngành. (Ảnh minh họa)
Cước vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến Bờ Tây nước Mỹ khoảng 5.400 USD, giảm 60% so với tháng 1. Trong khi đó, vận chuyển một container từ châu Á đến châu Âu sẽ tốn 9.000 USD, giảm 42% so với hồi đầu năm. Cước phí cho cả hai tuyến vận tải biển này đã giảm sâu so với mức đỉnh hơn 20.000 USD vào tháng 9/2021, nhưng vẫn còn cao hơn trước dịch.
Các điều kiện thị trường đã đảo ngược so với trước đó. Cước vận tải biển tăng gần 10 lần trong năm 2021 khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, container ứ đọng ở các cảng và nhu cầu hàng hóa tăng vọt khiến các nhà nhập khẩu phải tranh giành chỗ đặt container trên tàu. Một số hãng bán lẻ lớn tại Mỹ như Walmart thậm chí thuê bao trọn gọn tàu hàng để giải quyết các tắc nghẽn năm ngoái.
Các nhà bán lẻ năm nay đã tích trữ một lượng lớn hàng tồn kho để đề phòng tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, trong khi lượng tiêu thụ lại giảm do các nền kinh tế như Mỹ và châu Âu đều suy yếu, dẫn đến nhu cầu vận chuyển hàng hóa giảm mạnh.
Các chủ tàu và các nhà phân tích cho rằng, cước vận tải biển sẽ giảm thêm cho tới năm 2023. Một loạt tàu container mới đóng sẽ đi vào hoạt động trong 2 năm với mức tăng trưởng đội tàu container trên toàn cầu dự kiến vượt 9% trong năm tới và năm 2024. Đặt lên bàn cân so sánh, số lượng container sẽ giảm vào năm sau, trước khi tăng trở lại khoảng 2% trong năm 2024, theo Công ty tư vấn Braemar, có trụ sở tại London.
Cùng với đó, các nhà phân tích và lãnh đạo của các hãng tàu không cho rằng giá cước sẽ sớm quay trở lại mức trước đại dịch, một phần là do chi phí nhiên liệu cao hơn. Vào năm 2019, chi phí trung bình để vận chuyển một container qua Thái Bình Dương đến Bờ Tây nước Mỹ chỉ là 1.500 USD.
Jonathan Roach, nhà phân tích vận tải biển tại Công ty tư vấn Braemar nhận định: Các hãng vận tải biển đang đầu tư hàng tỷ USD vào các công nghệ và nhiên liệu mới nhằm cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon từ các tàu container của họ. "Chi phí bổ sung cho việc vận chuyển sạch hơn sẽ không biến mất. Đó sẽ là một yếu tố làm tăng giá cước trong dài hạn".
Giá cước có thể giảm mạnh vào năm 2023 nếu tình trạng tắc nghẽn được giải quyết và Trung Quốc mở cửa trở lại. Tuy nhiên, SSI cho rằng mức giá cân bằng sẽ cao hơn mức trước dịch Covid-19, do các hãng vận chuyển phải chịu chi phí đầu tư và vận hành cao hơn nhiều so với trước đây. Trong khi đó, giá cước vận tải trong nước duy trì ở mức đỉnh trong năm 2023, thị trường vẫn thiếu cung do phần lớn đội tàu Việt Nam được cho thuê tại thị trường nước ngoài với hợp đồng dài hạn. |