Theo kế hoạch, TP.Đà Lạt sẽ lắp đặt 6 hệ thống đèn xanh đèn đỏ tại các vị trí: Khu vực Kim Cúc (Đài PTTH Lâm Đồng); nút giao Phan Chu Trinh; ngã ba Phan Chu Trinh - Trần Quý Cáp; nút giao Ngã năm Đại học; nút giao Trần Phú - Đào Duy Từ - Bà Triệu và nút giao Trần Phú - Hoàng Văn Thụ - 3 tháng 2.
Dự kiến trong năm 2021, Đà Lạt sẽ có 7 nút giao ở các tuyến đường sẽ được lắp đặt hệ thống đèn xanh đèn đỏ. Tổng chi phí đầu tư xây dựng dự kiến hơn 142,7 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Dự kiến cuối năm 2021, toàn bộ hệ thống đèn xanh đỏ của TP Đà Lạt sẽ vận hành.
Đà Lạt được biết đến với đặc trưng là thành phố “3 không": không xích lô, không đèn xanh đèn đỏ, không máy lạnh. Do đó việc lắp đèn xanh đèn đỏ từng thu hút nhiều ý kiến trái chiều, bàn luận suốt nhiều năm qua. Đầu năm nay, việc xây dựng đèn xanh đèn đỏ được UBND tỉnh chính thức thông qua.
Đà Lạt không còn là thành phố duy nhất trên cả nước chưa có đèn tín hiệu giao thông ở các nút giao. (Ảnh: Zing)
Được biết, việc lắp đèn tín hiệu giao thông ở TP.Đà Lạt được dựa theo các tiêu chí gắn với xây dựng phát triển đô thị thông minh, hiện đại, đảm bảo đồng bộ hóa và phù hợp với phương án mở rộng, cải tạo các nút giao thông và các giải pháp khác để hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.Đà Lạt.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Lâm Đồng, trước mắt việc lắp đặt được chính quyền thành phố Đà Lạt cân nhắc tại một số vị trí giao thông để đánh giá hiệu quả. Việc lắp đặt đèn tín hiệu sẽ giải quyết được bài toán quản lý giao thông trong đô thị một cách khoa học, hiệu quả, chống ùn tắc.
Trong vài năm qua, khi tình trạng ùn tắc giao thông gia tăng ở phố núi Đà Lạt, đặc biệt khi vào mùa du lịch và giờ cao điểm. Do đó, việc lắp đặt hệ thống đèn xanh đèn đỏ được xem là một trong những giải pháp để hạn chế ùn tắc giao thông.