Sẽ sớm giải ngân tiền hỗ trợ nạn nhân cháy chung cư mini
Bên hành lang Quốc hội sáng 31/10, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã trao đổi với báo chí về việc hơn một tháng trôi qua nhưng số tiền trên 132 tỷ đồng ủng hộ các nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội chưa đến được tay người cần.
Theo bà Ánh, các cấp thành phố Hà Nội đã huy động tập trung nguồn lực hỗ trợ cho nạn nhân vụ cháy ở quận Thanh Xuân, và Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cũng đã nhận được khoản hỗ trợ từ các địa phương khác hay các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội.
Sau khi vụ cháy xảy ra, bà Ánh cho biết các cơ quan của phường Thanh Xuân và MTTQ thành phố đã hỗ trợ tức thời cho người dân, ví dụ gia đình có người tử vong được hỗ trợ 5-6 triệu đồng, hay gia đình có người bị thương mỗi người được hỗ trợ 3 triệu đồng.
Những hỗ trợ tức thời để giải quyết vấn đề trước mắt ngay sau vụ cháy đã được thực hiện rồi. Sau đó, MTTQ thành phố Hà Nội đã báo cáo Thành ủy sẽ hỗ trợ tổng thể từ những nguồn lực huy động được, cho các trường hợp bị ảnh hưởng. Việc này cần có thời gian, lên phương án, phân nhóm đối tượng…
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, hỗ trợ từ Mặt trận TP Hà Nội là hỗ trợ lớn, căn bản, lâu dài, giúp những người bị ảnh hưởng bởi vụ cháy sớm ổn định cuộc sống. Và với hỗ trợ lâu dài, cần có thời gian và phương án phù hợp.
Bà cho biết thêm theo kế hoạch của Hà Nội, số tiền hỗ trợ này sẽ được chuyển tới những nạn nhân vụ cháy chung cư mini trong đầu tháng 11, để từ nay đến cuối năm, các gia đình bị ảnh hưởng sẽ có cuộc sống ổn định.
Vụ cháy chung cư mini xảy ra đêm 12 và rạng sáng 13/9, trên địa bàn phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Trước đó, trả lời báo chí về việc này, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Hà Nội) nhìn nhận việc chậm chi tiền hỗ trợ cho các nạn nhân là "thiếu trách nhiệm".
Ông cho rằng cần xây dựng cơ chế xử lý số tiền hỗ trợ nhanh nhất, kịp thời và hiệu quả nhất, không để số tiền ủng hộ lớn như vậy "nhàn rỗi".
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đề nghị xem lại vướng mắc khiến số tiền hỗ trợ lớn này chưa thể giải ngân. Ông nhấn mạnh các cơ quan cần xem xét để sớm giải ngân, đưa tận tay số tiền ủng hộ đến các nạn nhân và gia đình trong vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân.
Trước đó vào sáng 22/9, HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết cá biệt về hỗ trợ nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân. Tổng kinh phí dự kiến cho hỗ trợ các nạn nhân vụ cháy là 9,26 tỷ đồng dành cho 7 đối tượng liên quan, lấy từ ngân sách thành phố và ngân sách quận Thanh Xuân.
Với 56 nạn nhân tử vong, Hà Nội sẽ hỗ trợ cho đại diện thân nhân 50 triệu đồng/người; đồng thời hỗ trợ chi phí hỏa táng 10 triệu đồng/người, bao gồm chi phí vận chuyển theo thực tế, cùng các chi phí khác liên quan đến thủ tục gửi thi hài, hỏa táng, tổ chức tang lễ…
Những vấn đề bất cập trong phát triển nhà ở
Ví vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội như giọt nước tràn ly của những tồn tại tích tụ, ĐBQH Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh cần bịt kẽ hở nhưng không siết quá mức, bởi đây là cứu cánh chỗ ở cho nhiều người.
Quan điểm này được đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng nêu ra khi thảo luận trên nghị trường về tình hình kinh tế - xã hội, sáng 1/11.
Nhắc đến những vấn đề bất cập trong phát triển nhà ở, vị đại biểu dẫn chứng câu chuyện từ vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) và ví vụ việc này như giọt nước tràn ly của những tồn tại tích tụ lâu nay.
Nhìn xa hơn, ông Thắng cho rằng cần bịt ngay kẽ hở quản lý nhưng không phải siết chặt quá mức cần thiết, bởi chung cư mini là cứu cánh chỗ ở cho người thu nhập thấp, sinh viên hiện nay, nếu siết chặt quá sẽ đẩy người lao động, sinh viên nghèo ra đường, khi họ không có điều kiện để ở tại những căn hộ đáp ứng yêu cầu cao.
Vị đại biểu ghi nhận thời gian qua đã có nhiều chính sách hấp dẫn được thiết kế nhằm hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội, nhưng "vẫn ít doanh nghiệp mặn mà".
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho vay nhà ở xã hội mới giải ngân được 83 tỷ đồng, lại ế ẩm hàng nghìn căn hộ không ai thuê, mua. Phải chăng nó quá xa vời so với khả năng tài chính, thu nhập của người dân thu nhập thấp?
Theo ông, thực trạng người đủ điều kiện mua chưa mặn mà vì giá chưa phù hợp, vướng mắc nhiều thủ tục hành chính, lựa chọn vị trí không phù hợp khi "nơi cần không có, nơi có lại không cần", là kết quả buồn.
Đại biểu cho rằng việc tồn tại "núi" thủ tục, rừng quy định hành chính cùng những rủi ro pháp lý khác là nguyên nhân chính cần tháo gỡ, khi đó nguồn lực xã hội mới được giải phóng.
"Chân thành và thực sự xem doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội cũng là đối tượng đặc biệt cần tháo gỡ thì mục tiêu phát triển loại nhà ở này mới có thể trở thành hiện thực", theo lời ông Thắng.
Ông cũng đề nghị cần định vị lại địa vị pháp lý của tổ chức công đoàn trong sứ mệnh chăm lo nhà ở xã hội.
Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7021124611280568