Khánh Chi ·
3 năm trước
 3775

Đại gia ủng hộ 500 tỉ đồng vào Quỹ vắc xin chính là người đã 'thâu tóm' 800ha đất gốc quốc phòng Cam Ranh không qua đấu giá?

Câu hỏi được đặt ra là vì sao Khánh Hoà không đấu thầu dự án, hay đấu giá quyền sử dụng đất, mà lại chọn cách thức chỉ định thầu vốn không được đánh giá cao về tính minh bạch? Và lý do gì mà UBND tỉnh Khánh Hoà đã đưa Golf Long Thành vào khu đất lớn và đẹp nhất bán đảo Cam Ranh? Tôi cần được công khai những thông tin này dù câu chuyện đã xảy ra từ lâu rồi!

Vừa qua, Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 chính thức ra mắt tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hưởng ứng lời kêu gọi đóng góp cho Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 do Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động, Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành ủng hộ 500 tỉ đồng, trở thành doanh nghiệp có mức đóng góp lớn nhất trong tối 5/6/2021. Ông Lê Văn Kiểm, chủ tịch HĐQT Golf Long Thành đã trực tiếp trao số tiền đóng góp đó cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại buổi lễ ra mắt Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19.

Lê văn kiểm

Ông Lê Văn Kiểm, chủ tịch Công ty Golf Long Thành, trao số tiền đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19

Trước đó, ông Lê Văn Kiểm cùng vợ là bà Trần Cẩm Nhung đã ủng hộ hơn 20 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam để trao cho Bộ đội biên phòng và các đơn vị trên tuyến đầu chống dịch. 

Nói về ông Lê Văn Kiểm, bên cạnh những thương hiệu về địa ốc hàng đầu Việt Nam như Vingroup, Sungroup, Novaland... thì Tập đoàn Đầu tư KN (KN Investment Group) của vợ chồng doanh nhân Lê Văn Kiểm, Trần Cẩm Nhung cũng là một cái tên khá kín tiếng nhưng không kém phần đẳng cấp. 

Phất lên trong lĩnh vực may mặc, rồi chuyển sang làm bất động sản, KN Investment Group hiện là tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực địa ốc - sân golf với quỹ đất rất "khủng".

Để nói về dự án nổi bật nhất của Golf Long Thành chắc hẳn phải đề cập tới cái tên KN Paradise ở Cam Ranh (Khánh Hoà), bởi quy mô đồ sộ và bước đường thâu tóm gợi tới nhiều băn khoăn.

Đất quốc phòng trở thành đất dự án không qua đấu giá?

Dự án KN Paradise Cam Ranh có tên gọi ban đầu là The Lotus Cam Ranh, có quy mô cấp phép là 794,5ha. Đây có thể nói là siêu dự án gần 800ha có quy mô lớn bậc nhất Việt Nam, có chăng chỉ thua tổ hợp Golf Long Thành cũng của chính ông Lê Văn Kiểm tại Đồng Nai (843ha).

Và hành trình đất vàng từ đất quốc phòng về tay tư nhân diễn ra như thế nào?

Bắt đầu từ ngày 13/7/2015, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 1040/TTg-KTN về việc thu hồi đất quốc phòng giao cho Khánh Hoà quản lý. Những tưởng khu đất có vị trí đắc địa này sẽ được mang ra đấu giá để đưa về giá trị lớn nhất cho Ngân sách, tuy nhiên chỉ trong thời gian ngắn với nhiều quyết định của chính quyền, ban ngành liên quan, Công ty TNHH KN Cam Ranh của ông Lê Văn Kiểm đã nhanh chóng trở thành chủ đầu tư của siêu dự án này.

Cụ thể, ngày 12/8/2015, UBND tỉnh Khánh Hoà có Quyết định 2188 về việc quy hoạch đồ án phân khu tỷ lệ 1/2000 khu Đầu tư và Du lịch nghỉ dưỡng. Chưa đầy 1 tháng sau, UBND tỉnh Khánh Hoà tiếp tục ban hành Quyết định số 2466 chấp thuận chủ trương đầu tư để Công ty KN Cam Ranh thực hiện dự án khu đô thị nghỉ dưỡng The Lotus Cam Ranh.

Ngày 11/12/2015, UBND tỉnh Khánh Hoà có Quyết định số 3599 phê duyệt phân khu tỷ lệ 1/2000 đối với dự án, và chỉ hơn 2 tháng sau, cơ quan này tiếp tục có Quyết định số 431 ngày 17/2/2016 phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với dự án.

 

Lê Văn Kiểm Ông Lê Văn Kiểm cùng vợ là bà Trần Cẩm Nhung

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, 4 quyết định của UBND tỉnh Khánh Hoà đã đưa Golf Long Thành vào khu đất lớn và đẹp nhất bán đảo Cam Ranh. Tiếp đó, ngày 14/6/2016, UBND tỉnh Khánh Hoà có Quyết định số 1678 về việc giao và cho thuê 794,45ha đất cho Công ty TNHH KN Cam Ranh, thời gian cấp đất lên đến 70 năm, tới năm 2085.

Ít lâu sau, KN Cam Ranh nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, coi như hoàn tất thâu tóm toàn bộ dự án.

Như vậy, tính từ thời điểm chuyển đổi đất quốc phòng sang cho địa phương quản lý, đến thời điểm giao đất cho tư nhân thực hiện dự án chỉ mất đúng 1 năm. So với tiến độ các dự án khác ở khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh, dự án KN Paradise là một hiện tượng khác biệt, và các thủ tục được tiến hành một cách nhanh chóng khác biệt hẳn những dự án khác.

Quá trình cấp phép nhanh chóng của chính quyền tỉnh Khánh Hoà đối với dự án mang tới không ít băn khoăn cho công luận cả nước. Câu hỏi được đặt ra là vì sao Khánh Hoà không đấu thầu dự án, hay đấu giá quyền sử dụng đất, mà lại chọn cách thức chỉ định thầu, vốn không được đánh giá cao về tính minh bạch? 

KN Paradise Cam Ranhnhanh chóng thay đổi quy hoạch sau khi được chấp thuận đầu tư

Chưa hết, với một siêu dự án có quy mô lên tới gần 800ha nhưng lại không qua Thủ tướng phê duyệt. Đơn giản vì các dự án trên 5.000 tỷ đồng phải được Thủ tướng phê duyệt, nhưng với dự án gần 800ha công ty của đại gia Lê Văn Kiểm thì đăng ký chỉ 3.900 tỷ đồng, đồng thời không đăng ký các ngành nghề thuộc thẩm quyền Thủ tướng như sân golf hay casino.

Sau khi được Khánh Hoà chấp thuận đầu tư, dự án KN Paradise Cam Ranh nhanh chóng xin thay đổi quy hoạch, lần lượt bổ sung sân golf rồi casino. Tổng mức đầu tư của dự án tăng mạnh lên 46.371 tỷ đồng.

Tháng 9/2019, Quy hoạch 1/500 được điều chỉnh. Quyết định của UBND tỉnh Khánh Hoà thể hiện rõ quy mô dự án vẫn là 794,45ha, quy mô dân số 50.000 người.

Điều đáng nói nữa là, ban đầu Khánh Hòa chỉ phê duyệt cho đại gia Lê Văn Kiểm 794,5ha nhưng giờ nhiều sàn giao dịch bất động sản đang quảng bá dự án KN Paradise có diện tích lên tới 927ha, chứ không phải gần 800ha như cấp phép. Vậy phần diện tích hơn 127ha còn lại ở đâu ra?

Biết rằng, UBND tỉnh Khánh Hoà ngày 28/4/2017 có Quyết định cho Công ty TNHH KN Cam Ranh thuê bổ sung hơn 127ha mặt nước biển để phục vụ dự án The Lotus Cam Ranh. Thực trạng khu vực biển này hiện nay ra sao, chính quyền tỉnh Khánh Hoà hơn ai hết là bên rõ nhất.

Thêm nữa, một diễn biến rất đáng chú ý là diện tích đất ở lâu dài không hình thành đơn vị ở (condotel) giảm 97ha, đất cây xanh, giao thông giảm 92ha. Ở chiều ngược lại, đất phân khu đô thị được điều chỉnh tăng lên 180,2ha, chủ yếu gồm đất ở thấp tầng và cao tầng. Mật độ xây dựng toàn khu được đẩy lên 28,4%.

Biết rằng để sở hữu gần 8 triệu m2 đất vàng Cam Ranh, tài liệu của Thương Hiệu Công Luận thể hiện chi phí đất và liên quan đến đất chỉ là 1.150 tỷ đồng. Thử làm phép chia đơn giản, mỗi m2 dự án KN Paradise có chi phí đất chỉ 145 nghìn đồng cho cả thời kỳ 70 năm, hay chỉ hơn 2.000 đồng/m2 mỗi năm! Một cái giá quá bèo. Mức độ "siêu lợi nhuận" mà dự án này mang lại là điều hoàn toàn có thể hình dung được. 

Lê Văn Kiểm

Phối cảnh nhà phố tại KN Paradise được quảng bá trên các website

Cần phải lưu ý là các quyết định cấp phép dự án KN Paradise được ban hành dưới thời cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Vinh và cựu Bí thư tỉnh uỷ Lê Thanh Quang.

Cả hai vị này cùng nhiều lãnh đạo cấp cao của Khánh Hoà cuối năm ngoái bị Uỷ ban kiểm tra trung ương kết luận sai phạm rất nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn đất đai, tài sản, ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh, để lại nhiều hệ luỵ khó khắc phục.

Những câu chuyện kể trên, nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao Khánh Hòa không đấu giá đất quốc phòng theo quy định mà lại lựa chọn hình thức chỉ định thầu? Tốc độ hoàn thiện thủ tục nhanh chóng chỉ trong 1 năm, cùng việc thay đổi quy hoạch "khủng" sau khi được chấp thuận đầu tư, có hay chăng một sự tính toán kín kẽ từ trước?

Hơn nữa, với việc cho thuê đất với mức giá "bèo bọt" như cho như đã kể trên, thì liệu ngân sách nhà nước có thất thoát hay không?