Gần đây, những người dân sống tại Dự án nhà ở xã hội Thụy Vân Residence bức xúc phản ánh tình trạng đi vay tiền ngân hàng bị ép mua bảo hiểm.
Trước hết, nhà ở xã hội Thụy Vân Residence do Công ty cổ phần đầu tư sản xuất và thương mại Hà Thành làm chủ đầu tư, có địa chỉ tại lô số 8, KCN Thụy Vân, xã Thụy Vân, TP. Việt Trì. Báo chí phản ánh dự án nhà ở xã hội Thụy Vân Residencephải xuất hiện trạng thái nhà ở nứt nẻ ngang dọc, điện hành lang và thang máy bị cắt, tòa nhà chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, hệ thống báo cháy thì có vấn đề thường xuyên, chuông báo cháy bị réo không rõ nguyên nhân... Thế nhưng đó vẫn chưa phải nổi bức xúc lớn nhất.
Nhiều hộ dân sống tại chung cư Thụy Vân không chỉ phải sống trong cảnh nhà bị nứt nẻ, nhà chưa được nghiệm thu PCCC, điện hành lang và thang máy bị cắt...
Các cư dân mua được nhà ở dự án nhà ở xã hội thường là những đối tượng chính sách, hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp, cán bộ, viên chức nhà nước,... Vậy nên khi có nhu cầu vay tiền tại ngân hàng để làm thủ tục mua nhà tại Dự án nhà ở xã hội Thụy Vân Residence, chủ đầu tư sẽ liên hệ với Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (ngân hàng PVcomBank) ở Hà Nội.
Tuy nhiên, theo người dân phản ánh, khi ký hợp đồng vay vốn, người dân phải ký thêm hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Prudential mới được ngân hàng giải ngân.
Chia sẻ trên Báo Xây Dựng, chị Phan Thị Thu H bức xúc cho hay bản thân như trường hợp của chị do không đủ tiền khi lấy nhà, chị phải vay ngân hàng khoảng 70 triệu đồng, vậy mà phía ngân hàng lại bắt phải mua bảo hiểm nhân thọ hơn 10 triệu đồng/năm mới giải ngân cho. "Lúc đầu là yêu cầu tôi phải mua gói bảo hiểm hơn 13 triệu đồng/năm, sau đó tôi có ý kiến nhiều lần nên đã giảm xuống còn hơn 10 triệu đồng/năm" - Chị H cho biết.
Tại báo Dân Việt, anh Nguyễn Hữu Niên cho biết mình cũng rơi vào tỉnh cảnh tương tự. Do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình anh mới mua nhà tại chung cư Thụy Vân. Và cũng giống như rất nhiều hộ gia đình khác mua nhà tại dự án này, anh Niên cũng vay ngân hàng.
Khi lên văn phòng của chủ đầu tư, anh cho biết đã mua bảo hiểm nhân thọ của Prudential chi nhánh Phú Thọ rồi. Tuy nhiên, nhân viên phía nhân viên ngân hàng vẫn yêu cầu anh phải ký tiếp một hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ Prudential khác mới giải ngân. "Nói thật, không chỉ tôi mà hầu hết các cư dân ở chung cư Thụy Vân, khi phải mua bảo hiểm nhân thọ, mọi người đều xác định ký cho xong, đóng 1 năm thì bỏ. Đây chỉ là việc làm bất đắc dĩ vì không thể xoay xở được tiền nữa", anh Niên chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, để xác minh, PV Báo Xây Dựng đã gọi đến số điện thoại của H - một nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) mà cư dân đã cung cấp.
Trong cuộc trao đổi, H cho biết phía ngân hàng có liên kết với bảo hiểm nhân thọ Prudential, thay vì mua bảo hiểm khoản vay thì người dân muốn được giải ngân khi mua nhà tại chung cư Thụy Vân phải “buộc” mua bảo hiểm nhân thọ với mức tối thiểu 15 triệu đồng/năm.
"Đây là dự án đặc thù nên việc mua bảo hiểm khoản vay không giúp ích được gì khi người vay gặp tai nạn, rủi ro. Việc mua bảo hiểm nhân thọ Prudential là bắt buộc để đảm bảo khoản vay ngân hàng cũng như người vay được hưởng lợi khi gặp tai nạn, rủi ro như được thanh toán viện phí" - H cho biết.
Nhiều hộ gia đình tại Dự án nhà ở xã hội Thụy Vân Residence cho biết để được vay ngân hàng, họ "phải" mua gói bảo hiểm nhân thọ của Prudential
Thông qua nhưng câu chuyện này, tôi đặt câu hỏi rằng có hay không chuyện nhân viên ngân hàng PVcomBank lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, cấp bách của người dân khi cần tiền trả góp nhà để "ép" người dân mua bảo hiểm?
Tôi muốn biết câu trả lời, giải thích rõ ràng từ phía lãnh đạo ngân hàng PVcomBank, rằng có hay không chuyện nhân viên ngân hàng "ép" người dân mua bảo hiểm?
Trong khi đó, ngày 30/10/2020, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Công văn số 7928/NHNN-TTGSNH về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm. Tại Công văn này, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu tăng cường rà soát, kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống và xử lý nghiêm những trường hợp ép, bắt buộc khách mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng, gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng.
Bộ Tài chính cũng đã có công văn số 14097/BTCQLBH ngày 17/11/2020 yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng; phối hợp với các ngân hàng kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nếu có.
Vậy, nếu việc người dân phản ánh là đúng, thì nhân viên ngân hàng PVcomBank có đang đi ngược lại với những hướng dẫn trong văn bản số 7928/NHNN-TTGSNH của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam?
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra về việc có hay không chuyện nhân viên ngân hàng PVcomBank "ép" khách hàng mua bảo hiểm khi cấp tín dụng (nếu có) để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, đặc biệt là những người yếu thế!