Ngọc Lan ·
20 tuần trước
 9859

Đan Mạch là quốc gia đầu tiên đánh thuế phát thải khí nhà kính với chăn nuôi gia súc

Động thái mạnh mẽ và quyết liệt của Đan Mạch được coi là bước ngoặt lịch sử trong công cuộc giảm thiểu khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu, đồng thời là bước đệm cho các quốc gia khác thực hiện theo.

Động thái mạnh mẽ và quyết liệt của Đan Mạch được coi là bước ngoặt lịch sử trong công cuộc giảm thiểu khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu, đồng thời là bước đệm cho các quốc gia khác thực hiện theo.

Để góp phần cắt giảm khí nhà kính, Đan Mạch sẽ đánh thuế đối với người chăn nuôi gia súc như bò, cừu và lợn dựa trên lượng khí nhà kính mà hoạt động chăn nuôi thải của họ thải ra bầu khí quyển. Thỏa thuận này đã được Đan Mạch thông qua vào hồi đầu tháng 6/2024 vừa qua giữa chính phủ trung hữu và đại diện của hiệp hội nông dân, công nghiệp, công đoàn... Với động thái mạnh mẽ và dứt khoát này, Đan Mạch đã trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện chủ trương đánh thuế khí nhà kính đối với nông nghiệp.

Bò, cừu, lợn là những loài gia súc phát thải ra nhiều khí metan. Trung bình mỗi con bò ở Đan Mạch phát thải khoảng 6,6 tấn khí thải mỗi năm.

Được biết, khí metan là một loại khí nhà kính thường phát thải ra từ các hoạt động như chăn nuôi gia súc, nông nghiệp và hố chôn rác. Cùng với carbon, hydro, metan gây ra hiện tượng nóng lên của Trái đất, từ đó dẫn tới biến đổi khí hậu và hàng loạt thiên tai. Mặc dù khí carbon thường được nhắc tới và chú tâm nhiều hơn trong hành trình chống biến đổi khí hậu nhưng khí metan lại có tác động mạnh mẽ hơn đối với bầu khí quyển. Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Mỹ (U.S National Oceanic and Atmospheric Administration - NOAA), khí carbon tồn tại 1.000 năm, trong khi đó khí metan chỉ tồn tại 20 năm nhưng lại giữ nhiệt nhiều gấp carbon 87 lần.

Bộ trưởng Thuế Đan Mạch, ông Jeppe Bruus cho biết, mục tiêu của Đan Mạch là giảm 70% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với thời kỳ năm 1990. Theo đó, đến năm 2030, những người chăn nuôi gia súc ở Đan Mạch sẽ phải chịu mức thuế 300 Kroner (tương đương 718 nghìn đồng) cho mỗi tấn khí thải carbon. Đến năm 2035, mức thuế này sẽ tăng lên mức 750 Kroner (tương đương 1,8 triệu đồng). Tuy nhiên, do được khấu trừ thếu thu nhập 60% nên mức thuế thực tế cho mỗi tấn khí thải carbon sẽ rơi vào khoảng 120 Kroner (tương đương 287 nghìn đồng) bắt đầu từ năm 2030 và 300 Kroner (tương đương 718 nghìn đồng) vào năm 2035.

Theo ông Bruus, nhờ quy định thu thuế nhà kính, Đan Mạch sẽ tiến thêm một bước để đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2045. Đan Mạch cũng hy vọng các quốc gia khác sẽ thực hiện chủ trương này trong tương lai. Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Đan Mạch (Danish Society for Nature Conservation) còn gọi quy định này là "sự thỏa hiệp mang tính lịch sử".

Trước khi đi đến thỏa thuận này, nông dân trên khắp châu Âu đã biểu tình phản đối các biện pháp và quy định giảm thiểu biến đổi khí hậu. Họ cho rằng, đó chính là nguyên nhân đang đẩy họ đến bờ vực phá sản. Tại New Zealand, nông dân cũng đã phản đối dữ dội luật đánh thuế vào khí nhà kính trong nông nghiệp. Cuối cùng, chính phủ New Zealand đã phải loại bỏ hạng mục nông nghiệp ra khỏi chương trình đánh thuế khí nhà kính vào năm 2025, thay vào đó tìm kiếm những biện pháp khác để giảm khí thải metan.

Đan Mạch cũng sẽ đánh thuế vào chăn nuôi lợn mặc dù bò phát thải ra nhiều hơn so với lợn.

Metan là khí nhà kính xuất phát chủ yếu là các hoạt động chăn nuôi, nông nghiệp và phân hủy rác.