Khang Nguyễn ·
2 năm trước
 2008

CĐT Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1, 2, 3 thuê xã hội đen đi 'thương lượng' đền bù cho dân?

Người dân cần nghe tiếng nói của đại diện Công ty TNHH MTV năng lượng Đắk N’Drung Đắk trả lời về việc có hay không chuyện chủ đầu tư đã thuê xã hội đen để thỏa thuận đền bù? Việc những người đi thương lượng đền bù đánh người dân gây thương tích sẽ được điều tra xử lý thế nào để đảm bảo công bằng cho dân?

Ngày 19/9 vừa qua, trên MXH lan truyền clip ghi nhận nhiều người đàn ông đã đánh người tại nhà dân. Sau khi hành hung một người đàn ông, nhóm thanh niên nay thản nhiên bỏ đi. Sự việc này có rất nhiều người chứng kiến và được camera của gia đình ghi lại toàn bộ. 

Nhóm thanh niên lạ mặt đánh người trong khi đi thỏa thuận đền bù không thành

Người bị hành hung trong video là ông Trương Văn Túy - trú thôn Thuận Hòa, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song. Việc thi công trụ điện gió của Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1, 2, 3 đã làm nứt nhà ông Túy. Sau khi chính quyền vào cuộc, 2 bên thống nhất bồi thường 150 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa thấy bồi thường.

Khi việc thi công trụ điện gió làm nứt nhà còn chưa được bồi thường thì ông Túy được thông báo đường dây điện đi qua đất nhà ông trên diện tích 3.300 m2. Do trên diện tích này đang trồng sầu riêng, mắc ca và bơ có giá trị kinh tế cao nên gia đình ông Túy yêu cầu bồi thường 1 tỉ đồng.

Chiều 19/9, một nhóm hàng chục người đi ôtô tới nhà ông thỏa thuận nhưng hai bên không thống nhất. Bên công ty điện gió nói chỉ bồi thường 800 triệu đồng nên ông Túy không đồng ý và nói để thứ 2 ra nhờ UBND xã đứng ra tổ chức thỏa thuận. Bất ngờ, nhóm người lạ mặt đã đánh vào mặt ông Túy khiến ông bật ngửa ra sau, té xuống đất. Nhóm thanh niên ngay sau đó di chuyển ra xe rời đi. 

"Họ đến để thỏa thuận nhưng tôi không chấp nhận. Khi tôi quay vào nhà thì bất ngờ bị 2 người tấn công. Đánh tôi xong, khoảng hơn 20 người bỏ lên 4 chiếc xe ôtô thản nhiên rời đi. Không ai dám đụng đến họ", ông Túy bức xúc.

Ông Túy (ngoài cùng bên trái) kể lại sự việc - Ảnh: T.A

Chưa dừng lại ở đó, ông Trần Văn Túy là anh rể của ông Trần Anh Tèo (SN 1992, ngụ xã Thuận Hạnh), trong cuộc thỏa thuận giữa ông Trần Văn Túy và nhóm thanh niên vừa kể trên, ông Tèo cũng có mặt và nêu ý kiến nhưng hai bên không thống nhất với múc giá bồi thường 1 tỉ đồng. Sau khi thỏa thuận không thành, ông Tèo từ nhà anh rể về thì bị một nhóm đối tượng vây lại đánh túi bụi khiến ông Tèo phải nhập viện.

Về sự việc này, ông Lê Trọng Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết đã nắm thông tin vụ xung đột giữa người dân và một công ty điện gió. "Vụ việc ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của địa phương. Tôi đã chỉ đạo Công an huyện Đắk Song làm rõ vụ việc. Ai sai đều phải xử lý theo quy định" - ông Yên khẳng định.

Nhóm đối tượng vây đánh ông Trần Văn Tèo

Liên quan đến việc không thống nhất trong vấn đề bồi thường, ông Trần Văn Trọng (SN 1977; ngụ xã Nam Bình, huyện Đắk Song) cũng là một nạn nhân bị hành hung. Cũng trong chiều 19/9, nhiều người từ nhà máy điện gió cũng vào nhà ông Trọng để đàm phán bởi công ty điện gió thông báo đường dây và trụ điện chạy qua chia đôi rẫy của ông ở xã Thuận Hạnh trên diện tích 1.800 m2.

Nhà máy điện gió thông báo đền bù đất và các loại cây với tổng số tiền 178 triệu đồng. Khi ông Trọng không đồng ý mức bồi thường cây muồng đen thì ngay lập tức bị 1 đối tượng vả liên tục vào mặt. Một số đối tượng chạy ra xe lấy dao phát nhưng người trong nhà hô hoán nên đã bỏ đi. "Tối 19 và sáng 20-9, tôi đã ra trình báo công an xã và họ hứa hôm nay sẽ vào làm việc nhưng đến giờ chưa thấy. Tôi đang lo lắng đêm nay" - ông Trọng nói.

Có thể thấy, giữa người liên quan đến công ty điện gió Đắk N'Drung và người dân liêp tiếp xảy ra tranh chấp, đụng độ, gây mất an ninh trật tự. Ghi nhận trong ngày 19/9 vừa qua, nhiều người dân khác xã Nam Bình, xã Thuận Hà (huyện Đắk Song) đang sinh sống gần các dự án điện gió cũng bị nhóm lạ mặt tấn công. Nhóm người này đi bằng nhiều xe ôtô đến các hộ dân chưa đồng ý thỏa thuận để nói chuyện. Khi những người dân vẫn cương quyết không theo ý thì bị nhóm người này hành hung. Ngoài ra, người dân phản ánh sau khi không thỏa thuận được liền bị các đối tượng lạ mặt chặt phá vườn cây, đập phá tài sản.

Thượng tá Nguyễn Đức Thùy, trưởng Công an huyện Đắk Song cho biết đã tiếp nhận thông tin tố cáo, cũng như xem qua các đoạn clip nhiều đối tượng lạ mặt hành hung người dân địa phương. Thượng tá Thùy cho biết đang tiếp tục điều tra. Đối với 2 vụ việc chặt phá cây trồng và đập phá tài sản, cơ quan công an đang chờ giám định thiệt hại.

Theo ông Thùy, dự án điện gió Đắk N'Đrung 1, 2, 3 đang tổ chức thi công, hoàn thiện và có hợp đồng với nhiều nhà thầu san lấp, xây lắp, kéo điện… Trong quá trình thi công, các đơn vị thi công có vướng vào các diện tích đất nông nghiệp của nhiều hộ dân nên phải thỏa thuận, đền bù mới triển khai được.

Người dân bức xúc phản ánh việc các đối tượng ngang nhiên đánh người, hủy hoại tài sản khi không thỏa thuận bồi thường tại dự án điện gió

Vậy, câu hỏi đặt ra là việc nhóm người lạ mặt đến nhà dân để "nói chuyện", khi bất đồng thì xảy ra xô xát gây thương tích cho người dân như thông tin đã được xác minh, chủ đầu tư Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1, 2, 3 là Công ty TNHH MTV năng lượng Đắk N’Drung Đắk Nông có biết hay không?

Thiết nghĩ, cần tách bạch giữa việc đền bù và việc cố ý gây thương tích cho người khác. Đã có hành vi sai trái thì cần điều tra xử lý theo quy định của pháp luật, bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tinh thần cho nạn nhân, không thể tình trạng nhập nhèm giữa việc đền bù và xảy ra xô xát trong quá trình đền bù gây nhiễu loạn trật tự khu vực. 

Người dân cần nghe tiếng nói của đại diện Công ty TNHH MTV năng lượng Đắk N’Drung Đắk trả lời về việc có hay không chuyện chủ đầu tư đã thuê xã hội đen để thỏa thuận đền bù? Cách làm việc chợ búa và bất tuân pháp luật này là không thể chấp nhận được. Bởi nhóm thanh niên đi thỏa thuận giá đền bù nhất định không phải tự phát, mà phải có sự chỉ đạo.

Tuy nhiên khi Công ty chủ đầu tư của các dự án điện gió Đắk N’Drung 1, 2, 3 nhận được thông tin phản ánh này thì công ty giải thích và xử lý như thế nào? 

Cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương để chấn chỉnh lại cách "thỏa thuận" kiểu "chợ đen" này. Thiết nghĩ mọi mức thỏa thuận đền bù nên được công khai rõ ràng, minh bạch và thống nhất, làm việc văn minh dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để bà con được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình!