Ngọc Lan ·
1 năm trước
 1506

Đánh thuế bất động sản thứ 2 là bất hợp lý

Theo các chuyên gia, cần sử dụng công cụ thuế để điều tiết hành vi găm hàng, đầu cơ đất đai, đánh thuế luỹ tiến trên giá trị đất vượt mức bình quân hay chênh lệch tăng giá. Nhưng người có 2-3 căn nhà khai thác và nộp thuế đầy đủ, có lý do gì để đánh thuế?

Đánh thuế bất động sản thứ 2 là bất hợp lý

“Kinh nghiệm từ các nước đi trước về đánh thuế bất động sản thứ 2 cho thấy đó là sự bất hợp lý và hủy bỏ, tại sao mình lại lao vào? Nếu như người dân có 2-3 căn nhà đã đưa vào sử dụng khai thác hiệu quả và nộp thuế cho nhà nước thì không có nghĩa lý gì để đánh thuế họ cả, còn với những nhà hoang cần phải đánh thuế thật nặng”,

Theo thông tin, UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội).

Người có 2-3 căn nhà khai thác và nộp thuế đầy đủ, có lý do gì để đánh thuế. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt trong tờ trình này, TP.HCM muốn được quyết định chính sách thuế thu bổ sung đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất của bất động sản thứ hai trở lên của người dân (trừ bất động sản duy nhất).

Theo TP.HCM, mục đích của quy định này là thí điểm chính sách về thuế bất động sản làm cơ sở thực tiễn để xây dựng chính sách chung về sau, đồng thời tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương, hạn chế tình trạng đầu cơ bỏ hoang nhà ở, đất ở trong các dự án bất động sản hiện nay gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Về đề xuất của TP.HCM thí điểm đánh thuế bất động sản thứ 2 PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, trở lên, không nên đánh thuế bất động sản thứ 2 trở lên mà chỉ nên đánh thuế trong trường hợp vượt hạn mức sử dụng bất động sản hoặc không đưa vào khai thác, bỏ hoang lâu năm gây phương hại đến quá trình sử dụng hiệu quả các tài sản.

Việc đánh thuế bất động sản thứ 2 rất bất ổn ở chỗ, có gia đình chỉ có một căn nhà diện tích 500 m2 tại trung tâm TP.HCM không tính thuế, trong khi một gia đình có căn nhà 30 m2 và họ có căn nhà thứ hai cho thuê khoảng 30 m2 thì bị đánh thuế. Rõ ràng đây là sự bất hợp lý, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Do đó, ông Thịnh cho rằng nên xem xét đánh thuế với những người sử dụng vượt hạn mức sẽ hợp lý hơn là đánh thuế bất động sản thứ hai. Như vậy, nếu người dân sử dụng trong hạn mức nào đó sẽ tính thuế thấp, vượt hạn mức sẽ bị tính thuế cao và nếu vượt hạn mức càng nhiều sẽ có mức thuế cao hơn tương ứng, tức là sẽ đánh lũy tiến.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết nhiều quốc gia trên thế giới trước đây cũng đánh thuế bất động sản thứ 2, thứ 3 nhưng sau đó họ thấy không hợp lý và đã hủy bỏ.

Ông Thịnh chia sẻ thêm: “Kinh nghiệm từ các nước đi trước cho thấy sự bất hợp lý, tại sao mình lại lao vào? Nếu như người dân có 2-3 căn nhà đã đưa vào sử dụng khai thác hiệu quả và nộp thuế cho nhà nước thì không có nghĩa lý gì để đánh thuế họ cả, còn những người có nhà nhưng để thành nhà hoang cần phải đánh thuế thật nặng”.

Nhà đầu tư sẽ đổ tiền vào các tỉnh vùng ven

Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa, nhìn nhận việc thí điểm đánh thuế bất động sản thứ 2 trở đi vào thời điểm này chưa phù hợp.

Muốn đánh thuế căn nhà thứ 2 phải số hóa được thị trường bất động sản để biết được một người sở hữu bao nhiêu; phải công khai minh bạch về giá thị trường bất động sản; phải xét trên yếu tố về diện tích tối thiểu là bao nhiêu, bởi 1 căn lớn có giá trị bằng 10 căn nhỏ; thị trường đang khó khăn có nên áp dụng hay không, ông Quang cho hay.

Mặt khác, ông Quang cho rằng cần phải áp dụng cho toàn quốc để mang tính công bằng, nếu như áp dụng với TP.HCM thì vô tình tiền sẽ chảy về bất động sản các tỉnh khác, chưa kể sẽ phát sinh thêm tình trạng lách luật bằng cách cho người nhà đứng tên, càng khó quản lý.

“Nếu TP.HCM áp dụng không chỉ làm thất thu ngân sách mà lãng phí tiền đầu tư. Số tiền thu về được rất ít tuy nhiên nó tạo ra một tâm lý nhà đầu tư thích các tỉnh vùng ven hơn TP. HCM, tức là chảy dòng vốn đi xa”, ông Quang nhìn nhận và đánh giá giai đoạn này không thể đạt được mục tiêu ngăn chặn đầu cơ mà ngược lại, sẽ gây tác dụng ngược ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bất động sản của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.

Theo một nhà đầu bất động sản phía Nam cũng cho rằng cần nghiên cứu kỹ hơn về mô hình thí điểm này. Việc đánh thuế có thể sẽ làm người mua cân nhắc hơn, đồng thời sẽ tạo nên nghịch lý trên thị trường, khi giá nhà giảm người ít tiền sẽ lo sợ và suy nghĩ liệu giá còn giảm nữa không và không dám xuống tiền, trong khi người có tiền thì đây lại cơ hội dành cho họ. Như vậy, đi ngược lại với mục đích ban đầu là nhằm giảm giá nhà để người dân ít tiền có thể mua được nhà và hạn chế tình trạng đầu cơ.

Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường trước đó cho rằng, có một vấn đề là thu nhập của người lao động Việt Nam quá thấp, chính vì vậy, đánh thuế cao cũng không phải giải pháp ổn. Tuy nhiên, nếu không đánh thuế cao vào trường hợp đầu cơ, giữ đất, tích trữ cũng không ổn. Vì vậy, sắc thuế cần phải đưa ra rất chi tiết, không đánh thuế cao vào những người lao động bình thường mà cần sẵn sàng giảm thuế, áp tỷ suất thuế thấp.