Đinh Hà ·
3 năm trước
 3364

Đào Bitcoin sẽ 'hủy diệt' hệ sinh thái của Trái Đất như thế nào?

Quá trình khai thác Bitcoin đang “ngốn” một lượng điện năng khổng lồ và tàn phá hành tinh.

Sự tiêu thụ điện năng của Bitcoin

Trong vài năm trở lại đây, sự phát triển mạnh mẽ của tiền mã hóa đã tạo ra hàng loạt triệu phú, tái định hình tiền tệ và trở thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỉ đô. Tất cả bắt đầu từ một công nghệ phi tập trung mang tính cách mạng.

Trong số đó, Bitcoin vẫn là tiền điện tử nổi tiếng nhất. Đồng tiền kỹ thuật số này phụ thuộc nguồn cung cấp điện và sức mạnh tính toán khổng lồ.

bitcoin

Bitcoin đang sử dụng lượng điện năng ngang bằng với Argentina. (Ảnh minh họa)

Ngay từ giai đoạn đầu, những lo ngại về vấn đề môi trường xung quanh đồng Bitcoin đã được đề cập đến bởi Hal Finney, người đi tiên phong trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số. Vào ngày 27/01/2009, Hal Finney đã đăng một tweet về khả năng tăng khí thải CO2.

Các nhà phân tích từ Đại học Cambridge cho rằng việc khai thác và duy trì Bitcoin hiện chiếm khoảng 0,57% tổng lượng điện mà nhân loại tiêu thụ. Mạng lưới đồng Bitcoin sử dụng hơn 121 TWh mỗi năm, nếu xem nó là một quốc gia thì nó sẽ nằm trong top 30 các nước tiêu thụ điện nhiều nhất thế giới (tương đương lượng điện tiêu thụ của Argentina).

Cũng theo ước tính của chuyên gia từ Cambridge cho thấy, nếu lấy lượng điện tiêu thụ hàng năm để đào Bitcoin có thể đun sôi một ấm điện liên tục trên toàn châu Âu trong khoảng 4 năm, cũng như nhu cầu điện của Đại học Cambridge trong 704 năm tới.

Với tốc độ phát triển như vậy, sắp tới, nhu cầu về điện cho mạng tiền ảo này sẽ vượt qua mức cung năng lượng hiện có, và cần phải xây thêm nhà máy điện.

Tác động của đồng Bitcoin đến môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn vì trên thực tế, đại đa số "thợ đào" Bitcoin xây dựng "mỏ" tại Trung Quốc. Trong khi đó, nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch chiếm đến 2/3 tổng nguồn cung cấp điện của quốc gia này.

Hoạt động đào tiền ảo trên toàn thế giới năm 2017 đã thải ra môi trường 69 triệu tấn khí CO2, tương đương sức phát thải của 15 nhà máy năng lượng đốt than.

Các nhà khoa học cảnh báo lượng phát thải carbon từ việc khai thác loại tiền này có thể khiến trái đất ấm lên 2 độ C trong 20 năm. Đây là mức nguy hiểm cho Trái Đất.

Các nhà quản lý môi trường đang tỏ ra rất lo ngại bởi sự xuất hiện của Bitcoin và tiền mã hóa đang tiêu tốn một lượng lớn điện năng mà phần lớn là năng lượng hóa thạch, khiến cho tài nguyên của Trái Đất ngày càng bị đe dọa.

Từ chối Bitcoin vì gây hại đến môi trường

Vào tháng 3, sự phát triển và tốc độ của Bitcoin bước sang trang mới khi tỷ phú người Mỹ Elon Musk bắt đầu quan tâm đến nó. Ông công khai ủng hộ tiền điện tử trên khắp các diễn đàn mạng xã hội.

Vị thế của Bitcoin được nâng lên nhiều bởi quyết định của Elon Musk và tập đoàn Tesla khi doanh nghiệp sản xuất xe điện này chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử.

Ngày 24/3, Tesla đã thực hiện thành công cuộc giao dịch bằng tiền Bitcoin đầu tiên. Tuy nhiên, phương thức thanh toán này chỉ áp dụng đối với công dân Mỹ. Đồng thời, Elon Musk lưu ý rằng nhà sản xuất ô tô sẽ không chuyển đổi tiền điện tử nhận được thành tiền mặt truyền thống.

Tuy nhiên, tháng 5 vừa qua, lại chính Elon Musk bất ngờ đưa ra tuyên bố rằng Tesla tạm ngừng bán ô tô điện thanh toán bằng Bitcoin. Nhà sản xuất ô tô này sẽ không chấp nhận tiền điện tử cho đến khi chúng được khai thác bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng bền vững thân thiện với môi trường. Mặc dù vào đầu tháng 2/2021, Tesla đã mua lại số Bitcoin trị giá 1,5 tỉ USD.

Trên mạng xã hội Twitter, Elon Musk viết rằng, Tesla lo ngại về việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang gia tăng nhanh chóng trên thế giới. Đặc biệt là than, loại nhiên liệu có lượng phát thải ô nhiễm nhất để khai thác tiền điện tử và duy trì hoạt động của Bitcoin.

Dùng năng lượng tái tạo để khai thác

Được biết, ngày nay một số lượng lớn các trang trại tiền điện tử tập trung ở bán đảo Scandinavia và ở vùng Siberia, Nga. Nhờ nhiệt độ không khí thấp, cho phép những kinh doanh khai thác tiền điện tử tiết kiệm tiền nhờ vào việc làm mát tự nhiên các trang trại đào Bitcoin. Đồng thời, ở Scandinavia, năng lượng tái tạo thường được sử dụng nhiều hơn để khai thác tiền điện tử mà không gây ô nhiễm nào trong bầu khí quyển của Trái Đất.

Theo ước tính của công ty đầu tư CoinShares của Anh, tổng thị phần năng lượng tái tạo trong khai thác Bitcoin đạt 73%. Dự báo này dựa trên thực tế là hầu hết các trung tâm khai thác lớn ở Scandinavia, Siberia hoặc Tây nam Trung Quốc đều nằm trong các khu vực có tiềm năng phát triển thủy điện.

Nhiều quốc gia nơi các trang trại tiền điện tử lớn hoạt động đang phát triển năng lượng thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Bán đảo Scandinavia đạt được một bước tiến vượt bậc trong việc phát triển năng lượng gió. Trong khi đó, Trung Quốc cũng tích cực phát triển các nhà máy năng lượng mặt trời và điện gió.

Bên cạnh việc sử dụng một lượng điện năng rất lớn, một lượng lớn năng lượng và tài nguyên được dành cho việc sản xuất các phần cứng máy tính, phát triển và phát hành chip và những card đồ họa, cùng với nhiều thứ cần thiết khác cho việc khai thác tiền điện tử.

Bản thân việc sản xuất như vậy đã tiêu tốn một lượng lớn tài nguyên, bao gồm đất hiếm và kim loại quý. Đồng thời, việc sản xuất bảng mạch điện tử gây ô nhiễm môi trường và bản thân các bảng này là vật liệu không phân hủy trong tự nhiên.

Nguồn