Nhìn vào báo cáo của Tổng cục thống kê cho thấy, tính đến thời điểm 20/9/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8% (trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 5,73%).
Trước đó, dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước cho hay, tổng huy động tiền gửi của hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 6/2023 tăng 4,6% so với đầu năm. Như vậy, tính từ tháng 7 đến nay, huy động vốn của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng dương, bất chấp lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Thực tế, gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn của nhiều người có tiền nhàn rỗi vì độ an toàn gần như tuyệt đối. Đặc biệt trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán cũng còn nhiều khó khăn và biến động.
Những ngày đầu tiên của tháng 10, lãi suất tiết kiệm tiếp tục có xu hướng giảm, mức lãi suất cao nhất là 6,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Đối với kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng CBBANK hiện có mức lãi suất cao nhất là 6,6%/năm. Tiếp đó là các ngân hàng: DongA Bank với 6,55%/năm, còn PVCombank, VietA Bank, BaoViet Bank đều có mức 6,5%/năm, bên cạnh đó NCB và LPBank có chung mức 6,4%/năm…
Ở kỳ hạn 6 tháng, hiện PVCombank có mức lãi suất cao nhất là 6,4%/năm, tiếp theo có mức lãi suất 6,3%/năm là các nhà băng: NCB, CBBank, LPBank. Sau đó là Dong A Bank (6,2%/năm)...
Còn với kỳ hạn 3 tháng, mức lãi suất cao nhất là 4,75%/năm thuộc về các ngân hàng: NCB, BaoVietBank, Viet A Bank, Bac A Bank, SCB, VIB, KienLongBank…
Đối với khoản tiền lớn, lãi suất tiết kiệm cao nhất lên tới 11%. Theo đó, tại ngân hàng PVCombank, nếu khách hàng gửi tiết kiệm từ 2.000 tỷ đồng trở lên sẽ được hưởng lãi suất 11%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.
Tiếp đó là lãi suất của HDBank, với biểu lãi suất dao động từ 3,95 - 8,9%. Trong đó, nếu khách hàng gửi tiết kiệm 12 tháng, 13 tháng với khoản tiền từ 300 tỷ đồng trở lên sẽ hưởng lãi suất lần lượt là 8,4% và 8,9%.
Trong đầu tháng 10, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm. Theo đó:
Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) giảm lãi suất tiền gửi đối với các kỳ hạn 6 - 36 tháng kể từ hôm nay (ngày 2/10). Hiện 6,25%/năm là mức lãi suất huy động cao nhất tại nhà băng này.
Với kỳ hạn 6 - 8 tháng, lãi suất giảm 0,3 điểm phần trăm xuống 5,9%/năm. Kỳ hạn 9 - 11 tháng giảm 0,25 điểm phần trăm xuống 6%/năm. Kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm xuống còn 6,1%/năm.
Còn kỳ hạn 13 - 15 tháng giảm 0,15 điểm phần trăm xuống 6,15%/năm. Kỳ hạn 18 - 36 tháng cũng giảm tương tự và xuống mức 6,25%/năm. Kỳ hạn 1 - 5 tháng giữ nguyên mức lãi suất tối đa 4,75%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 - 9 tháng cũng được điều chỉnh giảm.
Trước đó, thị trường ghi nhận có tới 34 ngân hàng giảm lãi suất trong tháng 9, trong đó có đơn vị giảm tới 4 lần trong tháng.
Theo thống kê, hiện lãi suất tại nhiều nhà băng đã xuống mức thấp kỷ lục (ngang hoặc thấp hơn so với giai đoạn Covid-19). Huy động vốn tăng tốt trong khi tín dụng tăng chậm đã khiến trong thời gian gần đây thanh khoản hệ thống ngày càng dư thừa hơn. Do đó, từ ngày 21/9, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái phát hành tín phiếu để hút bớt lượng tiền dư thừa về.
Công ty chứng khoán VNDirect cho hay, động thái phát hành tín phiếu có thể khiến lãi suất liên ngân hàng tăng lên sau khi đang ở vùng đáy 2 năm gần đây. Từ đó, trong năm 2023 lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại khó có thể giảm sâu hơn nữa.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6906581589401538/?