Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm các kỳ hạn trên 6 tháng từ đầu tháng 8 đến nay. Hiện lãi suất kỳ hạn 12 tháng trên 7%/năm chỉ còn ít ngân hàng và lãi suất thấp nhất còn 5,95%/năm.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) công bố triển khai gói tín dụng lãi suất ưu đãi từ 6,2%/năm với hạn mức lên tới 11.000 tỷ đồng.
Theo đó, Sacombank dành 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh ngắn hạn, lãi suất từ 6,2%/năm. Ngoài ra, ngân hàng này cũng có gói vay 1.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trung, dài hạn hoặc có nhu cầu vay mua ô tô, lãi suất từ 9,5%/năm.
Sacombank cho biết các gói tín dụng ưu đãi được triển khai nhằm đồng hành và thúc đẩy hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp từ nay đến hết ngày 31/12/2023 hoặc đến khi hết hạn mức.
VietABank vừa điều chỉnh giảm từ 0,1 - 0,3% lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 - 36 tháng.
Lãi suất tiết kiệm giảm về mức nửa đầu năm 2022.
Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6 - 7 tháng giảm 0,2% còn 6,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 8 - 11 tháng giảm 0,1% còn 6,9%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 12 - 36 tháng về chung một mức 7%/năm.
BacA Bank cũng vừa công bố giảm 0,25% lãi suất các kỳ hạn tiền gửi từ 6 - 36 tháng. Đây là lần thứ hai trong tháng ngân hàng này giảm lãi suất. Cụ thể, kỳ hạn 6 - 8 tháng còn 6,75%/năm; kỳ hạn 9 - 11 tháng 6,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng về 6,85%/năm.
MSB là nhà băng điều chỉnh mạnh tay nhất từ đầu tháng 8. Các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng được MSB hạ 1%, đưa mức lãi cao nhất về còn 6%/năm.
Techcombank cũng giảm đồng loạt 0,7% lãi suất với khoản tiền từ 6 tháng trở lên. Hiện ngân hàng này có mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng thấp nhất thị trường còn 5,95%/năm.
Cũng kỳ hạn này, nhiều ngân hàng đang để mức lãi suất thấp hơn cả nhóm 4 ngân hàng quốc doanh. Cụ thể, ACB (6,1%/năm); Eximbank (6,0%/năm).
Nhóm ngân hàng big 4 (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) vẫn giữ kỳ hạn 12 tháng 6,3%/năm.
Sau đợt giảm này, hiện chỉ còn ít ngân hàng sẵn sàng trả lãi suất từ 7% trở lên gồm: VietABank, BaoVietBank, CBBank, NCB, PVComBank, NamABank, HDBank, BacABank, Kienlongbank, DongABank.
Như vậy, so với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm đã giảm tới 3-4%, đặc biệt với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất huy động giảm mạnh sau 4 lần Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành cộng với bối cảnh ngân hàng "thừa tiền" khi khó cho vay. Mặt bằng lãi suất hiện về ngang với giai đoạn nửa đầu 2022.
Trong bối cảnh lãi suất đầu vào đã hạ nhiệt nhanh và mạnh, Ngân hàng Nhà nước gần đây yêu cầu các nhà băng đồng thời giảm lãi suất khoản vay cũ và mới ít nhất 1,5-2%, theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm nay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8. Các đơn vị này báo cáo kết quả thực hiện và gửi Ngân hàng Nhà nước trước ngày 8/1/2024.
Động thái giảm lại suất huy động, lại suất cho vay ở một số ngân hàng nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước về việc yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5% - 2%/năm, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.