Giải ngân vốn đầu tư công quý I thấp
Trong quý I, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 9,69% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2022. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 10,35%, cũng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nếu so sánh về con số tuyệt đối, giải ngân vốn đầu tư công được thực hiện cao hơn hơn 10.000 tỷ đồng.
Vốn đầu tư công thực hiện tăng 11,5% cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm, nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Hiện có 2 bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao có thể kể đến như: Tiền Giang (31%), Bến Tre (30%), Điện Biên (24,7%), Đồng Tháp ( gần 23%), Lâm Đồng gần (21%). Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có 30 bộ và cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân kế hoạch vốn.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm chưa cao vì đến thời điểm này, các bộ, ngành và địa phương mới giao xong chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án, nên đang hoàn thiện thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán và đang tập trung thực hiện công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu.
Đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng
Trong lúc này, việc giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, đốc thúc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều bộ, ngành, địa phương năm trước có tỷ lệ giải ngân thấp nhất, nay đã có nhiều chuyển biến.
Năm 2023, nguồn vốn đầu tư công Trung ương giao cho thành phố Hà Nội là gần 47.000 tỷ đồng. Thành phố hiện có 238 dự án đầu tư công đang được triển khai. Trong đó, riêng lĩnh vực giao thông có 96 dự án với mức đầu tư trong năm trên 7.500 tỷ đồng, chiếm 53,1% kế hoạch vốn. Để đảm bảo sử dụng nguồn vốn hiệu quả, ngay từ đầu năm, Hà Nội đã điều chỉnh kế hoạch giải ngân có trọng tâm, trọng điểm.
Hết quý I, Hà Nội đã giải ngân trên 8.000 tỷ đồng. Thành phố cũng đặt ra mục tiêu đến hết tháng 6 năm nay, giải ngân đầu tư công đạt 40 - 45%; phấn đấu cả năm đạt từ 95 - 100%.
"Chúng tôi xác định là thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm. Chúng tôi tập trung vào một số trọng điểm lớn. Một là chúng tôi tập trung vào các dự án trọng điểm của thành phố, trong đó có dự án liên quan đến Vành đai 4, Vành đai 3,5, Vành đai 3 và các dự án giao thông liên kết vùng. Trong các dự án này, thành phố cũng đã tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai Vành đai 4, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thông tin.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Nhiều địa phương khác cũng đang có nhiều chuyển biến tích cực khi năm 2022 tỷ lệ giải ngân còn thấp, ngay trong 3 tháng đầu năm nay đã đạt tới trên 30% như Tiền Giang, Bến Tre. Điều đó cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm của các địa phương nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc giải ngân, để từ đó góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế.
"Tăng cường giải ngân vốn đầu tư thực hiện trong thời gian tới, đặc biệt là vốn đầu tư công làm vốn mồi, giúp tạo động lực cho ngắn hạn và dài hạn của nền kinh tế", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết.
"Với sự quyết liệt của Thủ tướng và của Chính phủ thời gian vừa qua, giải ngân đầu tư công đã và đang tiến triển rất tích cực. Vi đà này, tôi nghĩ rằng khả năng chúng ta đạt được chỉ tiêu Thủ tướng yêu cầu là tương đối khả thi, tất nhiên phải nỗ lực nhiều hơn nữa", TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, nhận định.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu năm nay giải ngân được 95% tổng vốn đầu tư công, tức là tăng gần 25% so với năm 2022, sẽ góp phần đáng kể cho tăng trưởng kinh tế; đồng thời sẽ thúc đẩy nhiều lĩnh vực kinh tế khác phát triển theo.
Tính đến hết quý I, vốn đầu tư công thực hiện tăng hơn 18% so với năm 2022. Trong khi đó, nhiều dự án khác trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã xong về thủ tục và quy trình nên những tháng tới có thể hy vọng đẩy nhanh hơn tiến độ đầu tư công.