Huyền My ·
1 năm trước
 3562

Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến 2030

Thủ tướng yêu cầu thống nhất một đầu mối thực hiện các thủ tục lập, phê duyệt dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp tại các địa phương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 10/8/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu lập, phê duyệt "Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021-2030)".

Phê duyệt "Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021-2030)". (Ảnh minh họa).

Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ đề nghị UBND các tỉnh thành báo cáo Bộ Xây dựng trước ngày 15/8 các nội dung: các dự án đang triển khai; các dự án đã có vị trí; có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai; các vị trí, quỹ đất quy hoạch nhà ở xã hội; lập kế hoạch triển khai (số lượng dự án, số lượng căn hộ, diện tích xây dựng, tiến độ cụ thể của từng dự án) thực hiện đầu tư các dự án nhà ở xã hội (giai đoạn từ nay đến năm 2030) đảm bảo nhu cầu của địa phương.

Trong tháng 8/2022, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các Bộ ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan, trên cơ sở báo cáo của các địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021-2030)".

Mặt khác, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải có trách nhiệm công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành và địa phương triển khai Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, “không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp tại các địa phương gắn với phát triển thị trường bất động sản nhà ở, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương và tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

4 nhóm tồn tại, khó khăn cần tập trung khắc phục

Hội nghị thống nhất, chỉ ra 4 nhóm tồn tại, khó khăn cần tập trung khắc phục trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, cụ thể: Cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời; như: trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, lựa chọn chủ đầu tư, quản lý mua - bán, thực hiện các chính sách ưu đãi nhà ở xã hội phải thực hiện qua nhiều bước nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư bị kéo dài; chưa tính đủ các chi phí hợp lý hợp lệ; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư; trình tự đầu tư còn rườm rà, thủ tục nhiều bước, chưa có cơ chế huy động hợp tác công - tư.

Nguồn: Kinh tế Môi trường