PN ·
2 năm trước
 4489

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi

Theo các chuyên gia y tế, trẻ em cũng có thể diễn tiến nặng khi mắc Covid-19, có cả tình trạng hậu Covid-19 và những di chứng khác. Vì vậy, việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giúp giảm đi sự lây nhiễm trong cộng đồng.

Lập danh sách tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5 - 11 tuổi

Bộ Y tế mới đây đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Theo Bộ Y tế, ngày 5/2/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP về việc mua vaccine phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Để sẵn sàng tiêm chủng và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em thuộc lứa tuổi này, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chuẩn bị triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Cụ thể, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc độ tuổi từ 5 dưới 12 tuổi. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng để có thể triển khai ngay khi được phân bổ vaccine. Cụ thể, loại vaccine sử dụng là vaccine được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này. Liều lượng và khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Việc tiêm vaccine phòng Covid-19 ở trẻ em không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giúp giảm đi sự lây nhiễm trong cộng đồng. 

Các đơn vị phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với những nơi tổ chức học tập trung tại trường). Cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký Phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu.

Đồng thời, thực hiện khám sàng lọc trước tiêm cũng như tuân thủ các hướng dẫn theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm chủng.

Bộ Y tế yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xây dựng tài liệu hướng dẫn việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tổ chức tập huấn cho các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc.

Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Bộ Y tế nêu rõ: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xây dựng tài liệu hướng dẫn việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tổ chức tập huấn cho các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc.

Các viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur lập kế hoạch tập huấn, hướng dẫn việc tiêm vaccine cho các tỉnh, thành phố trong trường hợp cần thiết và tổ chức giám sát, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các tỉnh, thành phố theo địa bàn phân công phụ trách trong quá trình tổ chức triển khai tiêm chủng.

Trẻ 5-11 tuổi có thể tiêm vaccine Covid-19 trong tháng 4

Liên quan đến tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-dưới 12 tuổi, ngày 27/3, Chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã thông báo chính thức cho biết vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em sẽ về Việt Nam vào tuần tới và sẽ triển khai tiêm chủng khoảng từ tuần thứ 2 của tháng 4/2022 ngay khi các thủ tục kiểm định và chứng nhận xuất xưởng của vaccine hoàn tất.

Theo đó, Chính phủ Australia đã chính thức cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ 5-11 tuổi ngay trong tuần đầu tháng 4/2022. 

Hiện nay, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đang tích cực phối hợp với Đại sứ quán Australia để đưa vaccine về Việt Nam trong tuần tới.

Trong tháng 3/2022, Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ tiến hành tập huấn chuyên môn triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi cho các địa phương trên toàn quốc và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức các điểm tiêm chủng. 

Ngay sau khi vaccine về tới Việt Nam và được kiểm định chất lượng an toàn, vaccine sẽ được chuyển tới các địa phương và tổ chức tiêm chủng vào đầu tháng 4/2022.

Cũng theo Chương trình tiêm chủng mở rộng, bên cạnh nguồn vaccine phòng Covid-19 hỗ trợ của Chính phủ Australia, Bộ Y tế và Chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng đã và đang chủ động, tích cực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ vaccine khác từ các Tổ chức quốc tế như USAID, COVAX Facility và Chính phủ các nước,… để sớm có cam kết tài trợ khoảng 8-10 triệu liều vaccine phòng Covid-19, đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng đủ 2 liều cơ bản cho tất cả trẻ em từ 5-11 tuổi của Việt Nam.

Trước đó, ngày 26/3, Bộ Y tế có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em do Australia viện trợ. Báo cáo nêu rõ, phía Australia khẳng định có thể viện trợ khoảng 13,7 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em.

Trong đó, đợt 1 có khoảng 9,7 triệu liều vaccine, bao gồm: 0,7 triệu liều vaccine do Pfizer sản xuất; 9 triệu liều vaccine do Moderna sản xuất. Số vaccine này đều có hạn sử dụng đến tháng 7/2022, đang sẵn có tại Australia và có thể vận chuyển về Việt Nam vào đầu tháng 4/2022 ngay sau khi hoàn thiện các thủ tục.

Đợt 2 có khoảng 4 triệu liều vaccine do Pfizer sản xuất, được Chính phủ Australia viện trợ thông qua UNICEF. Phía Australia đang hoàn thiện các thủ tục và dự kiến cung cấp trong tháng 4/2022.

Bên cạnh nguồn vaccine hỗ trợ của Chính phủ Australia , Bộ Y tế và Chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng đã và đang chủ động, tích cực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ vaccine khác từ các Tổ chức quốc tế như USAID, COVAX Facility và Chính phủ các nước… để sớm có cam kết tài trợ khoảng 8-10 triệu liều vaccine xin phòng Covid-19, đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng đủ 2 liều cơ bản cho tất cả trẻ em từ 5-11 tuổi của Việt Nam.

Có nên tiêm vaccine ngay sau khi trẻ vừa mắc Covid-19?

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người mắc Covid-19 sẽ được tiêm vaccine sau khi khỏi bệnh và hoàn thành thời gian cách ly. Hướng dẫn này cũng tương tự của Mỹ.

Trao đổi với báo chí, BS CK2 Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó Trưởng khoa sức khỏe trẻ em, phòng khám chất lượng cao Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 cho rằng, hiệu quả của liều vaccine hay hơn hẳn so với khi cơ thể bị nhiễm Covid-19 tự nhiên. Bởi vaccine khi vào cơ thể sẽ giúp hệ thống miễn dịch xây dựng lực lượng, tạo tuyến phòng thủ vững chắc một cách bài bản, đón đầu và xử lý hiệu quả khi bị virus SARS-COV-2 tấn công.

Tuy nhiên, nếu cơ thể bị nhiễm bệnh tự nhiên, hệ thống miễn dịch có thể phản ứng một cách hoảng loạn, khiến cho việc bảo vệ cơ thể bị hạn chế, đồng thời khả năng ghi nhớ miễn dịch cũng mau phai khi không được xây dựng bài bản khiến cho hiệu quả bảo vệ về sau cao nhất là bằng và thường thấp hơn một mũi vaccine.

Nguồn: Kinh tế Môi trường