Ngọc Lan ·
1 năm trước
 1404

Đề cao trách nhiệm trong quá trình sửa Luật Đất đai

Có nhiều nội dung mới như làm rõ phạm vi quy định của Luật Đất đai với các luật khác có liên quan; quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai...

Ngày 22/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTV Quốc hội tiếp tục họp phiên chuyên đề pháp luật, xem xét cho ý kiến về dự án Luật Đất đai sửa đổi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, Luật Đất đai sửa đổi là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ này, đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra đề cao trách nhiệm trong quá trình sửa luật, bám sát các nghị quyết của Đảng, tuyệt đối không đưa vào những vấn đề chưa chín, chưa đủ cơ sở pháp lý vào luật.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định Nhà nước thu hồi đất đối với dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại để tránh việc lạm dụng trong thực tiễn và xảy ra nhiều khiếu kiện. (Ảnh minh họa)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Chúng ta chỉ cụ thể hóa những gì đã chín, đã đủ rõ và có quyết sách của Trung ương, còn có những thứ không thể thực hiện được hoặc chưa đủ chín để Trung ương ra nghị quyết thì tuyệt đối không đưa vào dự án luật này. Tôi lấy ví dụ một dự án đang tự thỏa thuận là quan hệ về dân sự, bây giờ bảo là 80% đã thỏa thuận, đồng ý, còn 20% nữa chưa đồng ý thì có áp dụng cơ chế hành chính để thu hồi đất không.

Dân sự là dân sự, hành chính là hành chính. Khoản 5 Điều 70, các đồng chí đưa ra một quy định rất chung chung, các dự án khác đã đạt 80% thỏa thuận trở lên thì thuộc vào danh mục thu hồi đất, như thế này là không đúng với tinh thần của Hiến pháp".

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định Nhà nước thu hồi đất đối với dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại để tránh việc lạm dụng trong thực tiễn và xảy ra nhiều khiếu kiện.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nêu đề xuất: "Tôi đề nghị trường hợp thu hồi đất để phát triển dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại thì trường hợp này cần phải áp dụng cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết 18. Nghị quyết 18 nói là tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại".

Cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo thể chế đầy đủ Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, chuẩn hóa nguyên tắc phòng thủ dân sự, làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật với các luật chuyên ngành khác; làm rõ quy định về thảm hoạ, căn cứ xác định cấp độ và thẩm quyền ban bố phòng thủ dân sự trên bộ, trên không, trên biển và trên không gian mạng.

Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nay.

Dự thảo Nghị quyết cho hay, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của các địa phương trên toàn quốc. Khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác. Tiền thu được từ đấu giá sẽ nộp vào ngân sách Trung ương.

Bổ sung căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất; làm rõ đối tượng cơ sở xác định ảnh hưởng tác động của trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần và trường hợp trả tiền hàng năm để hoàn thiện các quy định của luật; bổ sung nguyên tắc tiêu chí, điều kiện cụ thể về giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong lĩnh vực văn hóa xã hội, du lịch, tôn giáo miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; xác định cụ thể nguyên tắc, tiêu chí của các trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất để tránh lạm dụng và thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW.