Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị TP. Hà Nội bố trí thêm vốn ngân sách địa phương để giải phóng mặt bằng một lần cho cả 2 giai đoạn của dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống. Đồng thời, sớm bố trí quỹ nhà, đất tái định cư, tránh gây khó trong công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Cụ thể, để tạo thuận lợi cho việc đầu tư dự án giai đoạn mở rộng theo quy hoạch, tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân bị GPMB của giai đoạn 2. Giai đoạn 1, dự án chỉ đầu tư và thực hiện giải phóng mặt bằng một đơn nguyên; trong tương lai UBND thành phố Hà Nội sẽ giải phóng mặt bằng và đầu tư đơn nguyên còn lại.
Bộ GTVT cho rằng, việc phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn dẫn đến một số hộ dân sẽ phải GPMB hai lần, đặc biệt một số hộ dân bị GPMB ba lần khi thực hiện cả các dự án của địa phương, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân bị thu hồi đất. Một số hộ dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được cấp phép xây dựng nhà ở theo quy định.
Do đó, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu, thống nhất chủ trương giải phóng mặt bằng một lần cho cả 2 giai đoạn.
Đồng thời, bố trí nguồn vốn ngân sách thành phố để thực hiện GPMB giai đoạn 2 của dự án (bao gồm cả phạm vi khu vực đảo tam giác trên địa bàn quận Long Biên) theo nguyên tắc lồng ghép với nguồn vốn ngân sách Trung ương đã bố trí cho Bộ GTVT thực hiện giai đoạn 1 của dự án. Trên cơ sở ý kiến của UBND TP Hà Nội về nguồn vốn, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Phối cảnh 2 cây cầu mới thay thế cầu Đuống cũ đang xuống cấp (Nguồn: ITN)
Rà soát quỹ nhà, đất tái định cư có sẵn
Về công tác tái định cư trên địa bàn huyện Gia Lâm, Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo Quyết định số 10/2017 của UBND TP. Hà Nội về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Hà Nội, các hộ gia đình bị thu hồi đất ở được bồi thường bằng đất.
Sau khi rà soát quỹ đất tái định cư tại khu vực Bắc Đuống, UBND huyện Gia Lâm đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp nghiên cứu, báo cáo UBND TP. Hà Nội lập dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng, giao đất tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất.
Nguyên nhân do khu tái định cư xã Yên Thường không còn diện tích giao đất ở tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Theo đề nghị của Ban Quản lý dự án đường sắt, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Gia Lâm kiểm tra, rà soát về công tác bố trí quỹ nhà, quỹ đất tái định cư phục vụ dự án.
Trên cơ sở ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường, tháng 6/2023 UBND huyện Gia Lâm đã chủ trì họp về việc xây dựng phương án tái định cư đối với các hộ dân bị thu hồi đất thuộc dự án.
Theo đó, UBND huyện Gia Lâm đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án.
Tuy nhiên, việc xây dựng dự án tái định cư (với thời gian dự kiến thực hiện khoảng 3 năm) sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện dự án cầu Đuống.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội bố trí quỹ nhà, đất tái định cư có sẵn của thành phố ở các địa bàn khác phục vụ công tác tái định cư cho dự án qua địa bàn huyện Gia Lâm để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án.
Dự kiến hoàn thành năm 2025
Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, hạng mục cầu đường sắt và đường dẫn có điểm đầu khoảng km9+075, điểm cuối khoảng km10+075 (lý trình đường sắt hiện hữu), dài 1.000 m; tim cầu mới cách tim cầu Đuống cũ về phía thượng lưu khoảng 16,5 m, trùng vị trí dự kiến đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên-Ngọc Hồi.
Trong đó, cầu đường sắt gồm 6 nhịp dầm thép và dàn thép dài 280 m, được xây dựng bảo đảm cho đường sắt đơn khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm; tốc độ thiết kế 80 km/h. Khổ giới hạn thông thuyền được phân kỳ đầu tư với tĩnh không thông thuyền 7 m, giai đoạn hoàn thiện là 9,5 m; tĩnh không đường chui dưới cầu bảo đảm trên 4,75 m. Cầu có bố trí đường người đi bộ 1 bên phải tuyến (phía hạ lưu cầu).
Đường hai đầu cầu đường sắt dài 720 m là đường sắt cấp 2-đường sắt lồng; đường đơn khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm; tốc độ thiết kế 80 km/h.
Còn hạng mục cầu đường bộ và đường dẫn có điểm đầu tại nút giao đầu cầu Đuống cũ trên đường Ngô Gia Tự, thuộc địa phận quận Long Biên; điểm cuối tại nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu, thuộc địa phận huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội.
Hạng mục cầu đường bộ và đường dẫn có phạm vi đầu tư bao gồm tuyến chính chiều dài khoảng 700 m và nút giao hai đầu cầu; tim cầu cách tim cầu Đuống cũ khoảng 100 m về phía hạ lưu (phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt).
Trong đó, cầu đường bộ vượt sông Đuống dài 382 m, được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, kết hợp hệ dây văng; phân kỳ xây dựng 1 đơn nguyên theo quy hoạch, bề rộng cầu dẫn là 16,0 m, bề rộng cầu chính là 18,5 m (bao gồm phần neo).
Phần đường dẫn dài 318 m, trong giai đoạn hoàn chỉnh là đường chính đô thị, vận tốc thiết kế 80 km/h, bảo đảm chiều rộng 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp; giai đoạn phân kỳ có quy mô 4 làn xe cơ giới.
Theo Ban Quản lý dự án Đường sắt, Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) có tổng mức đầu tư 1.848,62 tỷ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 là 650,82 tỷ đồng) bằng nguồn ngân sách nhà nước, dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Sau khi hoàn thành cầu Đuống mới, cầu Đuống hiện nay sẽ được phá bỏ để tạo luồng đường thủy cho tàu thuyền qua lại dễ dàng, hạn chế các vùng nước xoáy.
Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6924860930906937/