Cầu Vân Phúc là 1 trong 10 cầu qua sông Hồng được xây dựng theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050. 9 cầu còn lại gồm cầu: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên.
Vừa qua, Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông TP Hà Nội đã lập báo cáo liên quan đến dự án đầu tư và xây dựng cầu Vân Phúc qua sông Hồng và tuyến đường kết nối ra quốc lộ 32, huyện Phúc Thọ. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là Công ty TNHH Tư vấn và CGCN Môi trường Thăng Long.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án đầu tư xây dựng cầu Vân Phúc qua sông Hồng và tuyến đường kết nối ra quốc lộ 32, huyện Phúc Thọ đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng.
Báo cáo ĐTM khẳng định, việc thực hiện dự án cầu Vân Phúc đảm bảo việc đấu nối và phù hợp với các dự án đã được phê duyệt và đi vào vận hành.
Theo báo cáo ĐTM, chủ đầu tư sẽ định kỳ thực hiện giám sát xói lở trong suốt quá trình thi công các công trình cầu vượt sông.
Trong giai đoạn thi công, dự án chiếm dụng đất ở, đất nông nghiệp, đất giao thông, sông suối gây ảnh hưởng tới sinh hoạt, đời sống của các hộ gia đình. Ảnh hưởng tới đến hệ sinh thái trên cạn và dưới nước, hoạt động giao thông đường bộ, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân lân cận.
Bên cạnh đó, việc triển khai dự án còn có nguy cơ xảy ra sự cố cháy nổ, tai nạn lao động, tai nạn giao thông…
Để xử lý vấn đề môi trường, chủ đầu tư sẽ sử dụng các phương tiện, máy móc được đăng kiểm; che phủ bạt đối với tất cả các phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, đất thải, phế thải. Phun nước giảm bụi, thường xuyên thu dọn đất, cát, vật liệu rơi vãi tại khu vực thi công và đường tiếp cận.
Tất cả các xe được rửa sạch bùn đất trước khi ra khỏi công trường. Lắp dựng hàng rào tôn xung quanh công trường thi công, vị trí thi công các nút giao, các công trình cầu, các khu dân cư,... đảm bảo môi trường không khí xung quanh.
Trong giai đoạn thi công sẽ thu gom và lưu chứa tất cả các loại chất thải nguy hại phát sinh trong các thiết bị chuyên dụng, bảo đảm lưu chứa an toàn, không tràn đổ.
Giai đoạn vận hành dự án sẽ thu gom toàn bộ chất thải nguy hại phát sinh vào thùng chứa chuyên dụng, có nắp đậy và chuyển giao cho đơn vị có chức năng thu gom, xử lý theo quy định.
Trường hợp xảy ra sạt lở hoặc tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng tới các công trình liên quan khác phải dừng mọi hoạt động để phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khắc phục tình hình và đền bù thiệt hại theo quy định.
"Việc thực hiện dự án từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch, kết nối, khai thác hợp lý với kết cấu hạ tầng giao thông đã được đầu tư xây dựng, phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hóa, sản xuất và nhu cầu đi lại của người dân. Dự án tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận", báo cáo ĐTM nhấn mạnh.
Toàn cảnh dự án cầu Vân Phúc nhìn trên bản đồ.
Tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Hà Nội
Những năm qua, các huyện thuộc khu vực Tây Nam của thành phố Hà Nội (huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hoà,...) tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, nhiều dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp được triển khai xây dựng.
Tuy nhiên, hệ thống giao thông trong khu vực này chưa theo kịp sự phát triển kinh tế xã hội, giao thông chủ yếu phụ thuộc vào các tuyến đường tỉnh, đường huyện xây dựng từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Việc kết nối giao thông qua sông Hồng chủ yếu tập trung theo hướng cầu Thăng Long đi cao tốc Nội Bài - Lào Cai và theo cầu Vĩnh Thịnh đi QL.2C.
Để góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông theo quy hoạch, thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng, kinh tế xã hội hai bên bờ sông Hồng, tháng 12/2022, dự án cầu Vân Phúc qua sông Hồng và tuyến đường kết nối ra Quốc lộ 32, huyện Phúc Thọ đã được HĐND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư.
Dự án thực hiện trên địa bàn xã các Phụng Thượng, Long Xuyên, Xuân Đình và Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội với tổng chiều dài 7,76 km. Điểm đầu tuyến nằm tại vị trí giao cắt với QL.32, thuộc địa phận xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ; điểm cuối nằm tại vị trí ranh giới hành chính giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc.
Tổng diện tích sử dụng đất của dự án hơn 34,9 ha. Trong đó, có 17,1 ha đã được Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường đền bù và GPMB, trùng với dự án Đường trục kinh tế xã hội Bắc - Nam.
Hiện trạng diện tích đất trong dự án gồm đất ở (740 m2), đất trồng lúa 2 vụ (9,1 ha), đất trồng cây hàng năm (6,5 ha), đất trồng cây lâu năm (3,6 ha), đất bãi bồi ven sông Hồng (1,6 ha), đất sông (2 ha), đất nuôi trồng thủy sản, đất giao thông, thủy lợi...
Khu vực dự án có đất ở của khoảng 15 hộ dân. Hiện trạng có khoảng 15 nhà tạm, cấp 1, xây gạch, mái lợp tôn, diện tích khoảng 15 - 20 m2/nhà.
Dự án chiếm dụng 5,5 ha đất giao thông, giao cắt với nhiều tuyến đường hiện trạng, đường quy hoạch và đi trùng. Cụ thể: Điểm đầu tuyến giao với QL.32, đường có quy mô 2 làn, bề rộng 10 - 12 m, kết cấu đường nhựa.
Tại Km2+200 bố trí cầu cạn vượt qua nút giao dự án đường Trục Tây Thăng Long. Tuyến đường này đang trong quy hoạch, chưa thi công xây dựng
Km2+200 - Km4 sẽ đi trùng với tuyến đường Hoàng Diệu hiện tại đến đê Ngọc Tảo, đường Hoàng Diệu có bề rộng mặt đường 5 - 6 m, kết cấu đường nhựa. Tại Km4 giao với đường đê Ngọc Tảo rộng khoảng 5 - 7 m, kết cấu đường nhựa.
Tại Km5+850 sẽ giao với tuyến đường ĐT.417 rộng 7 - 8 m, kết cấu đường nhựa. Tại Km6+600 giao với đường đê Vân Cốc bố trí cầu vượt trên đê rộng 7 - 8 m, kết cấu đường nhựa. Điểm cuối tuyến tại Km7+760 giao với Dự án tuyến đường giao thông kết nối từ đê Tả Hồng đến cầu Vân Phúc.
Đất mặt nước khu vực dự án có diện tích 2 ha, gồm đất lòng sông Hồng bố trí trụ cầu, đất kênh mương cắt qua. Dự án cắt qua một số kênh như kênh Phụng Thượng, kênh tiêu Hiệp Thuận, kênh Cẩm Đình - Hiệp Thuận. Bên cạnh đó, khu vực dự án có hành lang thoát lũ vùng lòng hồ Vân Cốc.
Các hạng mục của Dự án
Đầu tiên là tuyến đường nối từ QL.32 đến cầu cạn vượt lòng hồ Vân Cốc với chiều dài 4.402,5 m. Bề rộng 32 m với quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Kế đến là Cầu vượt kênh Cẩm Đình - Hiệp Thuận có chiều dài 125 m với 3 nhịp dầm, mặt cắt ngang cầu 32 m.
Cầu cạn vượt qua vùng lòng hồ Vân Cốc sẽ có chiều dài 1.595 m, mặt cắt ngang 20,5 m. Hạng mục chính là cầu Vân Phúc vượt sông Hồng dài 1.299 m, bề rộng mặt cầu 20,5m với quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Tại nút giao đường Tây Thăng Long sẽ bố trí cầu cạn với chiều dài 320m, bề rộng mặt cắt ngang 32 m, bố trí 8 nhịp dầm. Cuối cùng là Cầu vượt kênh Phụng Thượng có chiều dài 18,5 m, mặt cắt ngang 32 m.
Về hướng tuyến, từ vị trí giao cắt với QL.32, tuyến đi bám theo phía Đông khu dân cư x thôn Tây, xã Phụng Thượng theo hướng tuyến Dự án đường trục phát triển kinh tế Bắc - Nam cũ; giao cắt với trục Tây Thăng Long, bám theo phía Tây khu dân cư xã Long Xuyên, dọc theo đường Hoàng Diệu hiện tại đến đường Đê Ngọc Tảo.
Sau đó tuyến rẽ trái vượt qua kênh Cẩm Đình - Hiệp Thuận và đi bám theo phía Tây khu dân cư Xuân Đình, vượt đê Hữu Hồng đê Vân Cốc và vượt qua sông Hồng về phía hạ lưu sang địa phận tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó đoạn tuyến từ Đê Ngọc Tảo trước khi vượt qua Kênh Cẩm Đình - Hiệp Thuận có cắt ngang qua phạm vi dự án Khu vườn sinh thái Cẩm Đình - Hiệp Thuận.
Sau khi vượt đê Vân Cốc và vượt qua sông Hồng. Điểm cuối dự án tại vị trí ranh giới hành chính giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc.
Trên tuyến sẽ xây dựng 4 nút giao chính. Đầu tiên là nút giao với QL32 sẽ thiết kế dạng ngã ba kết hợp đảo phân làn đường để đảm bảo an toàn giao thông.
Nút giao đường Tây Thăng Long không nằm trong hạng mục các công trình trọng điểm 2021-2025 nên chưa xác định được thời gian đầu tư. Do vậy nút giao với đường Tây Thăng Long là nút giao quy hoạch. Bố trí nút giao dạng cầu vượt, toàn bộ công tác GPMB và xây dựng được thực hiện ở dự án Tây Thăng Long.
Nút giao với đường đê Ngọc Tảo sẽ bố trí dạng ngã tư đơn giản để giao thông địa phương đi Vĩnh Phúc theo hướng cầu Vân Phúc. Cuối cùng, tại vị trí giao cắt với đường đê Vân Cốc, cầu Vân Phúc vượt qua đường đê và đảm bảo tĩnh không đường đê là 4,75 m.
Về tiến độ, dự án sẽ thực hiện trong giai đoạn quý I/2024 - quý IV/2027. Trong quá trình thi công bố trí 2 đội thi công: trong đó 1 đội thi công đường theo kiểu cuốn chiếu gồm 35 người; 1 đội thi công cầu 35 người.
Dự kiến trong quý I/2024 dự án sẽ sẽ phát quang và giải phóng măt bằng; quý II/2024 - quý IV/2025 dự án sẽ thi công tuyến đường nối từ QL.32 đến đê Ngọc Tảo; quý I/2026 - quý IV/2026 sẽ làm Cầu cạn vượt lòng hồ Vân Cốc; quý I/2027 - quý III/2027 sẽ thi công Cầu Vân Phúc qua sông Hồng; quý IV/2027 sẽ nghiệm thu công trình và đi vào vận hành.
ĐTM cho biết, tiến độ thực hiện và thi công Dự án c thể điều chỉnh từ 3-6 tháng tùy theo tình hình thực tế triển khai.
Tổng mức đầu tư của dự án là 3.444 tỷ đồng. Trong đó chi phí giải phóng mặt bằng tạm tính là 112 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 2.507 tỷ đồng; chi phí dự phòng chiếm 449 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án là 376 tỷ đồng.
Theo UBND TP Hà Nội, việc xây cầu Vân Phúc nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch, phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hóa, đi lại của nhân dân, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Hà Nội, Vĩnh Phúc và các tỉnh thành lân cận trong vùng thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6849653698427661/