Ngọc Lan ·
1 năm trước
 8752

Đề xuất bổ sung quy định về bất động sản du lịch

ĐBQH đề nghị cần có những quy định pháp luật cụ thể về định danh bất động sản du lịch và các loại hình sản phẩm, bổ sung vào Luật Nhà ở quy định về loại hình bất động sản nghỉ dưỡng phù hợp với quy định của Luật Du lịch và các chính sách ưu đãi đầu tư.

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, sáng 19/6, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). 

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện nay, Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa có định danh rõ ràng về các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, loại hình văn phòng kết hợp với nhà ở, các quy định về bất động sản này nằm rải rác ở các văn bản pháp luật khác nhau. Trong đó, nội dung không đồng bộ, chi tiết, chưa quy định cụ thể về cơ chế quản lý sử dụng đất vào mục đích hỗn hợp và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với loại hình bất động sản này.

Ngoài ra, các dự án liên quan đến bất động sản du lịch cần tuân thủ pháp luật hiện hành về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư, quy hoạch đô thị, xây dựng, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch. Tuy nhiên, chưa có quy định và định danh về bất động sản du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp với nhà ở, nhà phố thương mại, và các quy định trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản hay các văn bản pháp luật liên quan chưa đề cập đầy đủ đến loại hình bất động sản này.

Hiện nay, Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa có định danh rõ ràng về các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, loại hình văn phòng kết hợp với nhà ở...

Song các sản phẩm bất động sản này đã xuất hiện trên thị trường nên dẫn đến thực tế nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong quản lý giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính, giải quyết tranh chấp phát sinh. Trong khi đó, các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong thuyết phục khách hàng, tiếp cận nguồn vốn tín dụng. 

Nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện Luật Nhà ở tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển, đại biểu cho rằng cần phải có những quy định pháp luật chủ thể về định danh bất động sản du lịch và các loại hình sản phẩm bất động sản du lịch, văn phòng kết hợp với nhà ở, nhà phố thương mại.

Đồng thời, làm rõ đặc tính, mục đích phục vụ du lịch, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, quản lý vận hành đối với mỗi loại hình bổ sung vào Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn liên quan quy định về các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, phù hợp với quy định của Luật Du lịch, quy định về quyền sở hữu bất động sản du lịch của người nước ngoài.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách ưu đãi đối với đầu tư bất động sản du lịch về vốn, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chính sách thuế, chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật xung quanh các dự án bất động sản du lịch để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả khai thác của dự án, chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài... nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của đất nước, thu hút đầu tư, thu hút ngoại tệ về cho đất nước.

Đại biểu cũng kiến nghị cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng bộ các quy định giữa Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Du lịch. Về phương thức quản lý các bất động sản đa công năng và hình thức sử dụng đất phù hợp với mỗi loại hình, cần có khung pháp lý hoàn thiện về đầu tư xây dựng, sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn và các cơ chế hợp tác đối với loại hình bất động sản đặc thù này.

Hiện nay, bất động sản du lịch là phân khúc phát triển, sôi động ở các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về du lịch. Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù phân khúc bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng đang có nhiều tiềm năng phát triển và cơ hội phục hồi tốt nhưng “khoảng trống” về pháp lý đang là rào cản lớn.

Vì vậy, cần phải có giải pháp như hoàn thiện chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với những chế định của pháp luật kinh doanh bất động sản và các quy định khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển, năm 2023, phân khúc bất động sản công nghiệp và nghỉ dưỡng sẽ lên ngôi, 6 tháng đầu năm chính là cơ hội vàng để xuống tiền cho bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng. Bởi có thể đây là “đáy” của thị trường bất động sản đang được xác lập từ quý IV/2022, dự kiến khởi sắc từ quý II/2023.

Thông tin từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, trong năm 2022, cả nước đón nhận hơn 19.124 sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng mới. Nguồn cung chủ yếu đến từ khu vực miền Trung với gần 8.000 sản phẩm, tương đương khoảng 42% lượng cung toàn thị trường.

Cũng trong năm 2022, cả nước chỉ có 12 dự án được cấp phép, số lượng dự án bằng khoảng 23% so với năm 2021. Lượng giao dịch sản phẩm cũng chưa tốt như kỳ vọng và tỷ lệ hấp thụ cuối năm 2022 thấp, chỉ bằng khoảng hơn 30%, ít hơn hẳn so đầu năm 2022.