Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có nhiều điểm mới tiến bộ, liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người lao động, nên được dư luận rất quan tâm. Theo đó, quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội là để mở rộng và gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn nhằm thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được lấy ý kiến đến cuối tháng 4, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024. Dự luật có nhiều điểm mới, như đưa ra hai phương án tính lương đóng bảo hiểm xã hội, giảm số năm đóng từ 20 xuống 15 để hưởng lương hưu; hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần; bổ sung tầng trợ cấp với người không có lương hưu; thêm chế độ thai sản với người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện...
Nhằm ngăn chặn trục lợi chính sách, đảm bảo quyền lợi người lao động, các cơ quan và địa phương đề nghị dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bổ sung quy định cấm mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội.
Góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các địa phương, đơn vị đề xuất bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội; mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia bảo hiểm xã hội.
Thực tế gần đây tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Hưng Yên, Thái Bình, nhiều kẻ gian lợi dụng quy định cho phép ủy quyền nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội để lôi kéo người lao động mua bán sổ bảo hiểm xã hội kèm giấy ủy quyền nhận trợ cấp, từ đó rút một lần, hưởng chênh lệch.
Cụ thể, các đối tượng thực hiện thu gom mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị được thanh toán bảo hiểm xã hội một lần, dưới hình thức ủy quyền làm thủ tục đề nghị giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Điều này dẫn đến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng, đã phát sinh tranh chấp dân sự, khiếu nại, tố cáo trong việc cho vay, cầm cố…
Thậm chí, tại nhiều địa phương có khu công nghiệp lớn, tập trung đông lao động như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, tình trạng công nhân rao bán sổ bảo hiểm dưới hình thức ủy quyền, cam kết không đi làm và nếu hủy kèo rút lại sổ sẽ phải đền tiền gấp đôi cũng đã xuất hiện.
Theo đó, giá thu gom, mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội chỉ bằng 30-50% so với giá trị được thanh toán bảo hiểm xã hội một lần. Tình trạng này kéo dài khiến người lao động mất quyền lợi, dễ sa vào tín dụng đen và nảy sinh tranh chấp gây mất trật tự xã hội.
Thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thái Bình cho thấy, giai đoạn 2020-2022 có trên 85.000 trường hợp thu gom kiểu này, trong đó có người gom đến 227 sổ bảo hiểm xã hội.
Do đó, nhằm ngăn chặn trục lợi chính sách, đảm bảo quyền lợi người lao động cũng như rõ ràng trong chính sách, cơ quan Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội một số tỉnh đề nghị dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bổ sung quy định cấm mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội cũng như mượn hồ sơ của người khác. Điều 7 dự luật đưa 8 hành vi nghiêm cấm, song không có hành vi mua bán sổ.